Tại sao Elon Musk muốn thâu tóm Twitter?
Những tuyên bố của Elon Musk cho thấy mục tiêu chính trong thương vụ thâu tóm Twitter là để chuyển mạng xã hội này từ công ty đại chúng thành công ty tư nhân.
Việc tỷ phú Elon Musk thâu tóm mạng xã hội Twitter đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Việc tiếp quản, nếu thành công, sẽ đánh dấu một trong những thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ và được dự báo là sẽ dẫn đến những thay đổi mang tính toàn cầu trong nhiều năm tới, bao gồm cả việc có thể sẽ định hình lại cách hàng tỷ người dùng sử dụng nền tảng mạng xã hội này.
Những tuyên bố của Elon Musk cho thấy mục tiêu chính trong thương vụ này là để chuyển Twitter từ công ty đại chúng thành công ty tư nhân nhằm giảm bớt sự kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, từ đó toàn quyền định đoạt hướng đi nhằm phát huy tối đa sức mạnh "phi thường" của nền tảng mạng xã hội này và quan trọng nhất là biến Twitter thành một nền tảng trong đó người dùng được tự do đăng tải quan điểm mà không bị kiểm duyệt, gỡ bỏ hay khóa tài khoản.
Thông tin Elon Musk thâu tóm Twitter nhận được cả sự cổ vũ, cũng như quan ngại của dư luận tại Mỹ.
Về phía chính quyền Mỹ, Thư ký báo chí Nhà Trắng hôm 25/4 đã khẳng định: "Bất kể ai sở hữu hay điều hành Twitter thì chính quyền Mỹ luôn quan tâm đến sức ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội lớn như Twitter. Vì vậy đang thúc đẩy việc cải cách các quy định pháp luật để quản lý hoạt động của các nền tảng này".
Tổng thống Biden từ lâu đã bày tỏ quan ngại về việc các nền tảng mạng xã hội như Twitter lan truyền những thông tin sai lệch và đòi hỏi các nền tảng đó phải chịu trách nhiệm.
Như vậy có thể thấy, thương vụ này đặt ra 2 mối quan ngại chính, đó là tầm ảnh hưởng của nền tảng mạng xã hội lớn như Twitter và nguy cơ phát tán những thông tin giả, sai sự thật, những tuyên bố mang tính phân biệt đối xử, cổ súy cho bạo lực, khủng bố…
Nhiều câu hỏi đằng sau thương vụ mua Twitter
Bí ẩn, khác người vẫn là cách vị tỷ phú Elon Musk thể hiện từ trước tới nay. Ngay cả khi thương vụ mua lại mạng xã hội Twitter đã gần ngã ngũ, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về sự thật đằng sau việc thâu tóm này.
Trang tài chính của CNN có bài: "Thương vụ mua lại Twitter vẫn là 1 ẩn số". Ông Musk chưa nắm giữ tập đoàn truyền thông nào, nên về luật chống độc quyền, không vướng bận gì. Tuy nhiên để có đủ tiền mua Twitter, Musk thuyết phục các ngân hàng, trong đó có Morgan Stanley cho vay hơn 25 tỷ USD. Ông này sẽ phải tự xoay hơn 21 tỷ còn lại. Vậy số tiền đó từ đâu ra? Theo bài báo, phần lớn tài sản của Elon Musk gắn với cổ phiếu của Tesla, nên có thể đồng nghĩa với bán bớt cổ phiếu Tesla để lấy tiền mua.
Lập luận này khiến cổ phiếu của Tesla trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (tức 1 ngày sau tuyên bố về thỏa thuận) "bay" mất 11% giá trị (tương đương 100 tỷ USD).
Các nhà đầu tư lo ngại rằng khả năng cao Elon Musk sẽ buộc phải bán cổ phiếu của hãng xe điện để lấy tiền mua Twitter.
Kể từ khi ông Musk tuyên bố sẽ mua Twitter hồi đầu tháng 4 tới nay, cổ phiếu của Tesla tụt mất 23% giá trị khiến tài sản của vị tỷ phú này cũng "bay hơi" 42 tỷ USD.
Tính tới đầu năm nay, Twitter có hơn 200 triệu người dùng, khoảng 1/3 trong số đó là tại Mỹ. Tính năng tweet ngắn gọn, trôi nhanh khiến nhiều người coi như một kênh phát ngôn riêng ưa thích, nhưng phát ngôn tùy ý lại là một chuyện khác.
Trang Marketwatch đăng quan điểm trái chiều của người dùng về tương lai của Twitter. Có người ủng hộ ý tưởng tự do ngôn luận, nhưng không ít người tuyên bố sẽ bỏ trang mạng xã hội này.
Tài khoản mang tên Cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ Robert Reich viết: "Khi các trùm sò nói về tự do, nên biết: Với ông chủ Amazon nó nghĩa là tự do định giá bán. Với CEO của JPMorgan là tự do củng cố sức mạnh ngành ngân hàng. Còn với Elon Musk là tự do đặt ra các điều khoản khi tranh luận chính trị".
CNBC lo ngại, nếu đặt tự do ngôn luận lên đầu thì Twitter có thể để mất lợi nhuận quảng cáo về tay các đối thủ. Chuyên gia phân tích của hãng JMP cho rằng: "85% doanh thu của Twitter là từ chạy quảng cáo. Khi tự do ngôn luận là ưu tiên, các đối tác quảng cáo có thể chuyển sang mạng khác vì lý do an toàn", nghĩa là nếu ít được kiểm duyệt, các thương hiệu sẽ không muốn nội dung của họ có khả năng bị đặt ngay cạnh một thông tin sai lệch hay dễ gây kích động, nên họ sẽ rút quảng cáo.
Tỷ phú Elon Musk nổi tiếng với câu nói: "Tôi phát minh ra xe điện, tôi đưa người lên Sao Hỏa. Bạn nghĩ tôi là người thường?". Tuy nhiên trước khi quyết định thương vụ mua lại Twitter, ông Musk cũng nói trong một cuộc hội thảo: "Nếu việc mua lại Twitter là sai, đó là lỗi của tôi, 100%. Hy vọng nó không tệ".
[INFOGRAPHIC] Xung quanh thương vụ tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter Tỷ phú Elon Musk đã đạt được thỏa thuận mua lại nền tảng truyền thông xã hội Twitter với số tiền 44 tỷ USD.