Tại sao Đức trì hoãn công bố Chiến lược Trung Quốc?

Chia sẻ Facebook
20/06/2023 02:55:20

Xung đột giữa Bắc Kinh và Berlin ngày càng gia tăng về nhiều vấn đề, từ quan hệ Trung - Nga thân thiện, đến eo biển Đài Loan và cạnh tranh Mỹ - Trung...


Vòng tham vấn chính phủ Đức-Trung Quốc lần thứ 7, diễn ra vào ngày 20/6, bị phủ bóng bởi xung đột ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Berlin về một loạt vấn đề, từ việc Trung Quốc duy trì quan hệ thân thiện với Nga bất chấp cuộc chiến ở Ukraine đến căng thẳng ở eo biển Đài Loan.

Và sự rạn nứt không thể hàn gắn giữa Trung Quốc và Mỹ – một đồng minh của Đức – chỉ càng làm trầm trọng thêm tình hình.

“Cùng nhau hành động bền vững” là phương châm của vòng tham vấn chính phủ Đức-Trung Quốc lần thứ 7, có sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) và một số thành viên trong Nội các của ông.

Nhưng cảm giác về sự hợp tác giữa Đức và Trung Quốc ngày càng nhạt hơn trong khi cảm giác căng thẳng vẫn thường trực.

Điều này thể hiện rõ trong cuộc gặp gần đây giữa Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore sau khi có thông tin cho rằng các cựu sĩ quan Không quân Đức có liên quan đến một chương trình đào tạo phi công Trung Quốc. Ông Pistorius tuyên bố điều này nên kết thúc ngay lập tức.

Ông Thorsten Benner, Giám đốc Viện Chính sách Công của Đức (GPPi) – một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Berlin, nói với DW rằng đó là “dấu hiệu cho thấy chúng ta phải cảnh giác vì Bắc Kinh đang tận dụng mọi cơ hội để tiếp cận các công nghệ hoặc khả năng quan trọng, nhằm củng cố cơ sở công nghiệp và quân sự của chính họ”.


Vừa là đối tác, vừa là đối thủ

Xung đột giữa Bắc Kinh và Berlin ngày càng gia tăng về nhiều vấn đề, từ việc Trung Quốc tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” với Nga bất chấp cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, đến căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan và vấn đề với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Và sự cạnh tranh của Trung Quốc với Mỹ, một đồng minh của Đức, chỉ càng làm tình hình thêm bết bát.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tại Berlin, ngày 19/6/2023. Việc ông Lý Cường chọn Đức cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng phản ánh mối quan hệ đặc biệt giữa nền kinh tế đầu tàu châu Âu và gã khổng lồ châu Á. Ảnh: DW

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức trong năm thứ 7 liên tiếp vào năm 2022. Kim ngạch thương mại song phương lên tới khoảng 300 tỷ Euro, tăng khoảng 21% so với năm 2021, theo dữ liệu từ cơ quan thống kê của Đức (Destatis). Ngoài ra, thâm hụt thương mại của Đức với Trung Quốc lên tới 84 tỷ Euro năm ngoái.

Các tài liệu chính thức của Đức đồng thời gọi Trung Quốc là “đối tác”, “đối thủ cạnh tranh” và “đối thủ chiến lược”. Chính phủ Đức từng nhấn mạnh khía cạnh hợp tác – như các cuộc tham vấn song phương diễn ra kể từ năm 2011 đã chứng minh. Hình thức đối thoại cấp cao này chỉ được tiến hành với những đối tác đặc biệt thân thiết.

Năm 2014, mối quan hệ này thậm chí còn được nâng lên thành “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Nhưng kể từ đó, tâm trạng ở Berlin và các thủ đô khác của EU đối với Trung Quốc đã chuyển xấu: Đối tác đã chuyển sang thành đối thủ chiến lược.


Tuần trước, Chính phủ Đức đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia, nhấn mạnh sự thay đổi trọng tâm của Berlin từ lợi ích kinh tế sang địa chính trị kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong bản tài liệu chiến lược, Đức sử dụng ngôn từ thẳng thừng về đối tác thương mại hàng đầu của mình.

“Trung Quốc đang cố tình sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để đạt được các mục tiêu chính trị”, tài liệu này cho biết, đồng thời thừa nhận Trung Quốc vẫn là một đối tác mà thế giới cần để giải quyết các thách thức và khủng hoảng toàn cầu.


Các nhà phân tích lưu ý rằng chiến lược này không ưu tiên chống lại mối đe dọa nào hoặc ngăn chặn bất kỳ bất ngờ lớn nào. Nó cũng bỏ qua một số vấn đề lớn, chẳng hạn như Đài Loan, và không thành lập một Hội đồng An ninh Quốc gia để giúp thực hiện nó.

“Đây là một thay đổi lớn đang được chúng tôi thực hiện ở Đức trong cách chúng tôi xử lý chính sách an ninh”, chuyển từ chiến lược quân sự sang khái niệm an ninh tổng hợp, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết tại buổi trình bày tài liệu, đồng thời bổ sung thêm rằng một bản chi tiết về Chiến lược Trung Quốc do chính phủ của ông soạn thảo sẽ sớm được công bố.


Tham vấn là quan trọng

Việc trì hoãn công bố chiến lược cụ thể của Berlin đối với Bắc Kinh – do có sự khác biệt về quan điểm trong liên minh cầm quyền – sẽ thuận lợi hơn cho các cuộc đàm phán song phương như vòng tham vấn liên chính phủ lần thứ 7 này, ông Eberhard Sandschneider, Giám đốc Viện Nghiên cứu của Hiệp hội Chính sách Đối ngoại Đức, cho biết.

“Nếu bây giờ có một tài liệu chỉ trích Trung Quốc quá mức, rất có khả năng Bắc Kinh – với sự kiêu hãnh của mình – sẽ hủy bỏ hoàn toàn các cuộc tham vấn”, ông Sandschneider nói. “Việc có những bất đồng nội bộ trong Chính phủ Đức là một bí mật mở. Người Trung Quốc cũng biết điều đó”.

Từ trái sang: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser, trong lễ công Chiến lược An ninh Quốc gia đầu tiên, ngày 14/6/2023. Ảnh: Bloomberg

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì các cuộc tranh luận đang diễn ra công khai, đặc biệt là giữa Đảng Xanh có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Scholz tập trung nhiều hơn vào lợi ích kinh tế.

Ví dụ, trong khi Ngoại trưởng Annalena Baerbock của Đảng Xanh tìm cách công khai “đấu” với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương khi bà đến thăm Bắc Kinh vào tháng 4, thì phe bảo thủ của SPD đã xuất bản một tài liệu lập trường kêu gọi chính sách phải thực dụng hơn là thù địch.

Mặc dù có những khác biệt lớn giữa bà Baerbock và ông Scholz, và rằng cách tiếp cận hiện tại của Đức đối với Trung Quốc được đặc trưng bởi chính trị đảng phái, bà Pongratz của Viện Mercator nói, “nếu các vị lắng nghe kỹ, các vị sẽ thấy rằng có những khác biệt về giọng điệu nhưng thông điệp không khác nhau lắm”.

Vì ông Scholz sẽ chủ trì vòng tham vấn vào ngày 20/6 nên có thể thấy chủ nhà Đức có giọng điệu thân thiện hơn với các vị khách đến từ Trung Quốc.

Ông Sandschneider không cho rằng sẽ có bất kỳ kết quả cụ thể nào, nhưng theo ông, điều quan trọng là các cuộc đàm phán phải được tổ chức, đặc biệt là sau 3 năm không có cuộc đàm phán mặt đối mặt quy mô lớn nào giữa Đức và Trung Quốc.


“Tôi đồng ý với các đồng nghiệp Trung Quốc mà tôi đã trò chuyện cùng”, ông nói. “Đã đến lúc các quan chức hai bên gặp lại nhau, và không chỉ trong các phiên họp chính thức, mà còn trong những tiếp xúc cá nhân với nhau bên lề cuộc tham vấn. Điều đó sẽ làm thay đổi bầu không khí” .


Minh Đức (Theo DW, Reuters)

Chia sẻ Facebook