Tại sao đưa tàu ngầm tàng hình tới Hàn Quốc và cho cả thế giới biết?

Chia sẻ Facebook
28/04/2023 14:03:03

Tuần này, Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc đã công bố một thoả thuận mang tính bước ngoặt.

Kế hoạch lần đầu tiên triển khai tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đến Hàn Quốc kể từ năm 1981 là tiêu đề của các tiết lộ về "Tuyên bố Washington". Đây là một bộ giải pháp hướng tới bắt buộc Bình Nhưỡng phải suy nghĩ lại trước khi bắt đầu các cuộc tấn công hạt nhân hướng tới quốc gia láng giềng phía Nam của họ.

Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng cùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu: “Hợp tác phòng thủ của chúng ta là không thể suy suyển và trong đó bao gồm cả những cam kết của chúng tôi về việc mở rộng các biện pháp răn đe đối với các hành vi lạm dụng vũ khí hạt nhân”.


Mặc dù mang giá trị tượng trưng cao, một số chuyên gia nghi ngờ về tính hợp lý của các quyết định này dưới tư cách một nước đi quân sự . Một số người cho biết, tàu ngầm có thể tấn công Triều Tiên từ khoảng cách hàng ngàn cây số, một số khác cho rằng đưa tàu ngầm tới một cảng ngoại quốc một cách công khai sẽ làm giảm hiệu quả của một hệ thống vũ khí được thiết kế cho các cuộc tấn công bất ngờ.

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo cấp Ohio USS Alaska trở về cảng tại Căn cứ Tàu ngầm Hải quân Kings Bay, Georgia ngày 2/4/2019. Ảnh: Bryan Tomforde/Hải quân Mỹ/Reuters.

Tàu ngầm “boomer”

Hải quân Mỹ sở hữu 14 tàu ngầm lớp Ohio, chúng là các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN). Trong đó, 8 tàu được đặt tại bang Washington và 6 tàu tại bang Georgia.

Tàu có chiều dài 560 feet (tương đương 170 mét) thường được gọi là “boomer”, với thể tích tương đương 18.000 tấn nước khi chìm hoàn toàn và mỗi tàu được trang bị một lò phản ứng hạt nhân.

Hải quân Mỹ cho biết, tàu ngầm lớp Ohio được thiết kế để có thể hoạt động 77 ngày trên biển, trước khi cập cảng trong 35 ngày để bảo trì. Mỗi tàu được điều hành bởi hai thủy thủ đoàn - đoàn “xanh” và đoàn “vàng” - và hai thủy thủ đoàn này thay phiên nhau làm việc để toàn bộ 155 thủy thủ trên mỗi tàu được hưởng đầy đủ thời gian nghỉ và tập luyện giữa các phiên tuần tra.

Hệ thống vũ khí


Mỗi tàu ngầm lớp Ohio mang tối đa 20 tên lửa đạn đạo Trident II. Những tên lửa này có tầm tấn công 4600 dặm (7400 km) và có thể tấn công mục tiêu tại Triều Tiên từ vùng biển lớn trong Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương. Blake Herzinger, một nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ cho biết: “Về mặt quân sự, những tàu ngầm này không cần phải ở gần Triều Tiên để tấn công các mục tiêu tiềm năng tại quốc gia này”. Mỗi tên lửa Trident II có thể mang nhiều đầu đạn được đưa tới nhiều mục tiêu khác nhau cùng lúc.

Tổ chức Nuclear Threat Initiative tại Trung tâm Nghiên cứu Giảm thiểu Vũ khí Hạt nhân James Martin ước tính rằng mỗi tên lửa Trident II có thể mang bốn đầu đạn hạt nhân, tức là mỗi tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ có thể mang 80 đầu đạn hạt nhân.

Nói cách khác, một tàu ngầm trang bị tên lửa Trident có thể san bằng Triều Tiên.

Một tên lửa Trident II D5 không mang đầu đạn được phóng thử từ tàu ngầm lớp Ohio USS Nebraska ở vùng biển California năm 2018. Ảnh: Ronald Gutridge/Hải quân Mỹ/Reuters.


sao gửi tàu ngầm tới Hàn Quốc?

Các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện của một tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ tại cảng Hàn Quốc chỉ mang tính tượng trưng và trên thực tế làm giảm giá trị thực của tàu ngầm này.

Carl Schuster, cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ và cựu lãnh đạo chiến dịch của Trung tâm Tình báo Tác chiến, Bộ Tư lệnh Mỹ tại Hawaii cho biết: “Về mặt chiến thuật, Mỹ và Hàn Quốc đang làm giảm hiệu quả khả năng lớn nhất của tàu ngầm này: khả năng tấn công bất ngờ”.

Một trong những điểm cốt yếu của chiến lược răn đe là tính bất ngờ của nó.

Tư lệnh Hải quân Mỹ Daniel Post trong một tạp chí Kỷ yếu của Viện Hải quân Mỹ trong tháng 1 đã viết: “Chiến lược răn đe hạt nhân đề ra yêu cầu rằng mặc dù quốc gia thù địch biết về sự tồn tại và quy mô hệ thống vũ khí hạt nhân của một quốc gia nhưng không thể biết được chính xác về khoảng cách và quy mô tấn công cũng như thời điểm mà những vũ khí này có thể được sử dụng”.

Một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ cách Triều Tiên hàng ngàn dặm vẫn có khả năng tấn công Bình Nhưỡng mà Triều Tiên gần như không thể phát hiện được.

Một tàu ngầm cập cảng tại Hàn Quốc - quyết định yêu cầu lên kế hoạch trước từ 24 tới 48 giờ - sẽ khiến tàu rất dễ bị phát hiện, mang lại lợi thế cho Triều Tiên.

“Nếu ông Kim Jong Un có kế hoạch tấn công bất ngờ, chúng ta đã cho họ vị trí của tàu ngầm và thời gian tàu sẽ có mặt tại vị trí đó”, ông Schuster cho biết.

Có lẽ chỉ để tượng trưng

Các nhà phân tích cho rằng Mỹ chỉ muốn trấn an một trong những quốc gia đồng minh quan trọng nhất của mình rằng Mỹ sẽ hỗ trợ họ.

Ông Kim Jong Un đang liên tục củng cố lực lượng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, thử nghiệm chúng với tần số kỷ lục trong năm 2022. Trong một bài phát biểu cuối năm, vị lãnh đạo Triều Tiên đã kêu gọi “gia tăng cấp số nhân” lượng vũ khí hạt nhân của quốc gia này nhằm đối phó với những hành động mà ông cho là những đe dọa từ Hàn Quốc và Mỹ.

Những đe dọa từ ông Kim Jong Un đã khiến một số cá nhân tại Hàn Quốc kêu gọi Chính phủ Seoul trang bị vũ khí hạt nhân. Mỹ không muốn vũ khí hạt nhân lan rộng trên bán đảo này, nên họ đã nỗ lực trấn an đồng minh của mình bằng cách phô trương lực lượng tại khu vực này, bao gồm cả việc vận hành các máy bay B52 mang bom hạt nhân trên không phận Hàn Quốc.

Ông Kim Jung-sup, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng của Viện Sejong tại Seoul cho biết quyết định điều tàu ngầm chỉ nhằm nhấn mạnh những trấn an này và nâng cao tính tin cậy của Mỹ.

Ông cho biết: “Tất nhiên, chúng là những loại vũ khí khác nhau, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng khác nhau nhiều ở điểm cốt lõi, đều là khí tài chiến lược nhằm gửi thông điệp trả đũa hạt nhân đối với Triều Tiên”.

Về việc Mỹ làm lộ các tàu ngầm, một số nhà phân tích cho biết, trường hợp này thường chỉ xảy ra ngay trước khi chiến tranh hạt nhân bùng nổ, và vào thời điểm đó những tàu ngầm này đã thất bại trong nhiệm vụ răn đe của mình.

Drew Thompson, một nghiên cứu viên cấp cao tại Khoa Chính sách công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Mục tiêu lớn nhất của những tàu ngầm này là răn đe và trấn an”.

“Những vũ khí chiến lược như tàu ngầm hạt nhân và những tên lửa trên nó không được trang bị nhằm mục đích sử dụng”.


Nguyễn Quang Minh (Theo CNN)

Chia sẻ Facebook