Tại sao dù không cấm, dân văn phòng cũng tuyệt nhiên không muốn tiết lộ mức lương của bản thân?
Tại sao dù không cấm, dân văn phòng cũng tuyệt nhiên không muốn tiết lộ mức lương của bản thân?
Vì là đồng nghiệp cùng công ty, dân văn phòng có vô số chủ đề để chia sẻ với nhau trên bàn ăn, trong những buổi giải lao... Thế nhưng, không phải chủ đề nào cũng có thể đem ra bàn tán, mổ xẻ, cùng nhau phân tích đúng - sai, thiệt - hơn, nhất là chuyện tiền lương.
Mặc dù cảm giác tò mò mức thu nhập của đồng nghiệp đang làm cùng là điều hết sức bình thường, nhưng khi bạn bắt đầu khơi nguồn, hệ quả đem lại hại nhiều hơn lợi.
Mong muốn cởi mở với đồng nghiệp
Vì một phần ba thời gian dành ở chỗ làm, dân văn phòng luôn muốn trở nên thoải mái, thân thiết hơn với những người đồng nghiệp mà mình tiếp xúc hàng ngày. Họ luôn thoải mái chia sẻ những gì mình biết, kể cả trong hay ngoài công việc. Và mặc kệ quy định chuyện giữ kín mức lương, mọi người vẫn tỉ tê nhau con số mình thực nhận mỗi tháng, hoặc khi được đồng nghiệp hỏi đến, cũng bằng lòng tiết lộ cho.
"Thực ra dù vô tình hay cố ý, mình phải thừa nhận rằng để thân nhanh với đồng nghiệp ở công ty và không bị cho nằm ngoài các cuộc vui hay "hội nghị bàn tròn", mình buộc phải dùng những câu chuyện riêng tư của ai đó hay bí mật cá nhân "đổi chác".
Lí do cũng dễ hiểu, mình ngồi ăn chung hay trò chuyện cùng đồng nghiệp, nếu chỉ là người nghe thì khó kết nối với mọi người lắm, mình phải chia sẻ, mở lòng, nhưng không biết khơi chuyện như thế nào thì buộc phải tiết lộ những chuyện cá nhân, mà lương là một trong số đó".
"Ban đầu đi làm thì chưa quen và thân thiết với ai nhiều, nên cuộc nói chuyện của mình và đồng nghiệp vào mỗi bữa trưa chỉ dừng ở hôm nay công việc tốt hay xấu, khách hàng có gây khó khăn gì không, sếp la thì phải kiểm soát cảm xúc như thế nào... Chúng mình tâm sự và chia sẻ với nhau ngày càng nhiều, thì chuyện tiền lương được biết bằng một cách rất tự nhiên, xuôi theo câu chuyện. Lúc đó chia sẻ cũng không nghĩ gì nhiều..."
Có người vẫn khá dè chừng chuyện lương bổng, đôi khi sợ mức lương mình hơn đồng nghiệp sẽ bị so đo, đôi khi lại ngại vì nhỡ đâu năng lực của mình không được chi trả cao bằng họ. Thế nhưng, dù muốn dù không, nếu đồng nghiệp đã hỏi, thì họ cũng khó mà không mở lời.
Tình đồng đội "gãy ngang"
Tưởng rằng chia sẻ những chuyện càng quan trọng cho nhau thì tình bạn càng thêm khắng khít, nào ngờ chính những chi tiết này lại làm "rạn nứt" ít nhiều.
"Từ khi mọi người trong bộ phận biết được mức lương cơ bản của mình cao hơn họ, bỗng dưng mình cảm thấy có một khoảng cách nào đó. Thứ nhất, vào ngày nhận lương mọi người đều "đá xéo" rằng mình là người giàu, nên khao ăn uống. Thứ hai, là có sự "phân bì". Nghĩa là khi chia việc trong một dự án, mọi người đều hiển nhiên muốn mình phải làm phần nhiều hơn, vì phần thù lao mình được nhận cao hơn. Dù không nói nhưng mình thấy mọi người không coi mình là đồng đội "cùng thuyền" nữa, mà mình cũng cảm thấy không vui khi bị đối xử như vậy".
"Mình cảm thấy chuyện tiền lương đừng cho nhau biết quá chi tiết, tránh những so sánh này kia, gây mất đoàn kết. Chuyện tiền bạc dù đặt trong trường hợp nào cũng là chủ đề nhạy cảm, họ có thể tỏ ra không quan tâm nhưng sau lưng lại ý kiến với sếp thì xảy ra tình huống khó xử cho cả ba. Mình thường thân và chia sẻ với những đồng nghiệp khác vị trí và cấp bậc, còn đối với những đồng nghiệp cùng bộ phận, hạn chế vẫn tốt hơn".
Chán nản công việc
"Thú thật, khi biết được một đồng nghiệp chung team, làm cùng các công việc giống mình, nhưng mức lương lại cao hơn, mình cảm thấy bất công. Đôi khi vô tình trong mình có sự so sánh, với một dự án cùng làm, mình làm nhiều hơn và hoàn thành tốt hơn, nhưng cuối tháng lương thực nhận lại không cao bằng. Mình cảm thấy giận vì đánh giá của cấp trên thiếu khách quan, và tinh thần muốn cống hiến cũng sụt giảm hẳn".
"Không tiết lộ mức lương không phải là tránh bị đồng nghiệp đố kị, mà là giữ lửa cho mình trong công việc. Khi phát hiện mức lương của mình thấp hơn với đồng nghiệp thì sao? Nếu cố gắng chứng minh mình không thua kém đồng nghiệp để sếp tăng lương thì không nói, nhưng bất mãn và tức tối, kèm thắc mắc thì chẳng thể nào tập trung làm việc hết sức, mà đi làm cũng mất đi niềm vui khi tiếp xúc với đồng nghiệp".
Dễ hiểu tại sao nhiều công ty hiện nay lại có quy định bảo mật về mức lương trong hợp đồng. Chuyện tiền nong nhạy cảm, nếu tạo cảm giác "không công bằng" thì không khí làm việc sẽ giảm hiệu suất, tăng căng thẳng, mọi người không gắn kết và khó hợp tác với nhau hơn. Ngoài ra, trong trường hợp mức lương nhân viên mới cao hơn nhân viên cũ, sẽ khiến cho nhân viên cũ cảm thấy bất công muốn nghỉ việc mà nhân viên mới lại nhanh rơi vào trạng thái bị cô lập hoặc chèn ép...
Giảm cơ hội tăng lương
Dựa trên mức lương của đồng nghiệp để đưa ra yêu cầu tăng lương là chưa đủ. Bạn cần phải cân nhắc từ nhiều khía cạnh, bằng cái nhìn khách quan. Nếu bất mãn mà đề xuất với sếp được tăng lương bằng luận cứ "cùng vị trí, cùng tính chất công việc với đồng nghiệp" thì khả năng thất bại cực kỳ cao. Đồng thời, bạn sẽ bị mất điểm trong mắt sếp vì xử lý việc khá cảm tính.
"Mình không đem sự chênh lệch mức lương với đồng nghiệp ra nói chuyện với sếp. Mình chứng minh bằng những hiệu quả bản thân mang lại cho công ty, có con số cụ thể. Nếu xin tăng lương chỉ vì mức lương của ai đó cao hơn mình, sếp sẽ đánh giá ngược lại cái nhìn của mình khá hẹp, thiện cảm trong mắt sếp giảm thì khả năng tăng lương cũng giảm."
"Nói mức lương của mình cho nhau nghe có gì hay ho đâu. Nếu lương họ cao hơn mình, mình sẽ soi xét hơn, rằng task này mình hay họ làm tốt. Nếu lương họ thấp hơn mình, có thể mình sẽ ít nhận được giúp đỡ trong công việc. Nói tóm lại, tinh thần và hiệu quả công việc đều tụt giảm, thì làm sao đề xuất tăng lương cho bản thân?"
Làm cùng công ty, giữa hàng vạn chủ đề san sẻ, chuyện tiền lương bản thân là điều nên giữ lại "làm vốn" cho riêng mình. Ngoài tránh trường hợp mất việc vì vi phạm quy định công ty, còn bảo đảm tình đoàn kết với đồng nghiệp.