Tại sao cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka lại trầm trọng như vậy?
Đây từng là một quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh và tầng lớp trung lưu đang gia tăng. Vậy rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra?
Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng
Chính phủ Sri Lanka nợ 51 tỷ USD, không có khả năng trả lãi cho khoản vay, chứ chưa nói đến việc trả nợ gốc. Du lịch, từng là một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công khủng bố và đại dịch. Theo số liệu chính thức, đồng tiền của nước này đã mất 80% giá trị, khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, lạm phát trở nên tồi tệ và vượt quá tầm kiểm soát, chi phí lương thực của nước này đã tăng 57%.
Sri Lanka là vùng nhiệt đới thường không thiếu lương thực, nhưng hiện nay người dân đang chết đói. Gần 9/10 hộ gia đình Sri Lanka đang tiết kiệm lương thực thông qua các chế độ ăn kiêng như ăn ít hơn, và 3 triệu người đang nhận viện trợ nhân đạo khẩn cấp.
Tại sao nền kinh tế đất nước lại lâm vào tình cảnh khó khăn như vậy?
Các nhà kinh tế cho rằng cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ nhiều năm quản lý yếu kém và tham nhũng cùng với các yếu tố khác.
Phần lớn sự tức giận của công chúng đất nước tập trung vào Tổng thống Rajapaksa và anh trai của ông, cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa. Người thứ hai đã từ chức thủ tướng vào tháng 5 sau nhiều tuần biểu tình chống chính phủ diễn biến thành bạo lực.
Năm 2019, vào lễ phục sinh, các vụ đánh bom liều chết tại nhà thờ và khách sạn đã giết chết hơn 260 người. Điều này đã phá hủy ngành du lịch vốn là nguồn thu ngoại tệ chính. Và trong thời kỳ đại dịch, du lịch một lần nữa bị đình trệ.
Nợ nước ngoài tăng vọt khi Sri Lanka tham gia các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở “Vành đai và Con đường”. Chính phủ cần tăng doanh thu, nhưng Rajapaksa lại thúc đẩy việc cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử Sri Lanka. Xếp hạng của Sri Lanka sau đó đã bị hạ cấp bởi các chủ nợ, dẫn đến các biện pháp cắt giảm thuế bị buộc rút lại.
Tháng 4/2021, Rajapaksa đột ngột cấm nhập khẩu phân bón hóa học, nói rằng muốn thúc đẩy “nông nghiệp hữu cơ”, điều này làm nông dân ứng phó không kịp, làm sản lượng cây lương thực chủ yếu sụt giảm, đẩy giá lương thực lên cao hơn nữa. Trong khi đó, cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá lương thực và dầu lên cao, lạm phát gần 40% vào tháng 5 và giá lương thực tăng gần 60%.
Tử Vi (Theo The Epoch Times )