Tại sao cử tri Georgia bỏ phiếu cho Đảng Giấc mơ Georgia thân Nga dù muốn vào EU? - BBC News Tiếng Việt
Các cuộc bầu cử được trông đợi nhiều ở Georgia vào cuối tuần qua có vẻ như đã khiến nước này chia rẽ.
Tại sao cử tri Georgia bỏ phiếu cho phe thân Nga bất chấp giấc mơ EU?
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Tác giả, Olga Ivshina và Nina Akhmeteli Vai trò, BBC World Service 29 tháng 10 2024
Kết quả chính thức của các cuộc bầu cử sơ bộ từ Ủy ban Bầu cử Trung ương đã mang lại cho Đảng Giấc mơ Georgia đương nhiệm một đa số tuyệt đối, nhưng các đảng đối lập khẳng định rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận và kêu gọi người ủng hộ tham gia biểu tình ở thủ phủ Tbilisi vào tối thứ Hai 28/10.
Hơn 20 năm trôi qua kể từ cuộc cách mạng nổi tiếng đã đưa đất nước này vào con đường dẫn tới dân chủ và cải cách theo đường lối châu Âu, tại sao Georgia lại một lần nữa đặt mình vào ngã ba chính trị?
Tại một cuộc họp báo vào đêm muộn hôm Chủ nhật, Tổng thống Salome Zurabishvili đã đưa ra một thông điệp rõ ràng cho các cử tri.
"Tôi không thừa nhận các cuộc bầu cử này," bà nói.
"Các cuộc bầu cử này không thể được thừa nhận. Điều này giống như thừa nhận sự có mặt của Nga ở đây và khiến Georgia phụ thuộc vào Nga," bà nói thêm.
Thủ tướng Irakli Kobakhidze từ Đảng Giấc mơ Georgia - được coi là thân Nga - đã phủ nhận những cáo buộc này.
Phát biểu sau các cuộc tham vấn với bốn đảng đối lập đã vượt qua ngưỡng 5% để giành một ghế, Tổng thống Zurabishvili nói rằng các kết quả này "đã bị làm giả hoàn toàn" và cử tri Georgia đã trở thành nạn nhân của "chiến dịch đặc biệt của Nga".
Đó là một thông điệp mạnh mẽ từ một phụ nữ được bầu một phần nhờ sự ủng hộ của Đảng Giấc mơ Georgia, nhưng từ lâu đã cảnh báo rằng đảng này đang đưa đất nước vào thế bị cô lập.
Bà Zurabishvili giờ đây gọi mình là "thể chế độc lập duy nhất còn lại ở nước này".
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Cộng hòa Georgia, Salome Zourabichvili, phát biểu với báo chí sau khi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ở nước này
Với các cuộc biểu tình và các nghị sĩ đối lập tuyên bố sẽ không thực hiện nhiệm kỳ của mình, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo cho Georgia, và một đất nước đã dành hai thập kỷ thực hiện cải cách dân chủ nay lại sa vào bế tắc chính trị như thế nào?
Hệ thống mới, thủ thuật cũ
Một trong những đặc điểm quyết định của cuộc bầu cử này là việc thực hiện một hệ thống bầu cử mới, mà theo một số cách, mang lại lợi thế cho Đảng Giấc mơ Georgia, đảng cầm quyền 12 năm qua.
Lần đầu tiên, tất cả 150 ghế trong quốc hội được phân bổ theo theo tỷ lệ đại diện, thay vì theo hệ thống hỗn hợp trước đây. Điều quan trọng là các quy tắc mới cấm sự hình thành các đảng chính trị.
Điều này có nghĩa các đảng đối lập chỉ có một lựa chọn là hợp tác và hình thành một mặt trận thống nhất.
Nhưng bất đồng nội bộ về các vấn đề chính trị đã khiến việc này trở thành một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều.
Kết quả là, cuộc bầu cử đã chứng kiến sự hình thành ba liên minh đối lập khác nhau và một đảng bổ sung, tất cả đều ủng hộ việc hội nhập nhanh chóng với châu Âu và phương Tây.
Các đảng đối lập đã hi vọng rằng cùng nhau họ có thể đảm bảo giành được đa số phiếu bầu hơn đảng cầm quyền và từ đó thành lập một liên minh đa số tại quốc hội.
Nhưng thực tế là Đảng Giấc mơ Georgia đã có thể phân hóa và làm mất uy tín từng đảng đối lập và lợi dụng sự thiếu đoàn kết được cho là tồn tại giữa họ.
Điều này cũng khiến cử tri không có một lựa chọn rõ ràng và thống nhất để bỏ phiếu cho ai, cựu quan chức ngoại giao Giorgi Badridze - người hiện là nhà phân tích của Quỹ Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Georgia - nói.
"Khi phe đối lập không chấp nhận đứng dưới một ngọn cờ duy nhất, họ đã khước từ việc biến các cuộc bầu cử này thành một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai theo đường lối châu Âu của đất nước," ông nói với BBC.
"Theo cách đó, họ đã mất một số lượng phiếu - đặc biệt là từ một bộ phận cử tri Georgia không muốn liên kết với một đảng nhất định," ông Badridze nói.
"Giới trẻ Georgia có thể đã là niềm hi vọng và cứu tinh chính của phe đối lập trong cuộc bầu cử này. Đa số họ ủng hộ con đường theo châu Âu của Georgia, nhưng họ không nhất thiết xác nhận mình theo một đảng nhất định nào. Vấn đề nằm ở chỗ đó," ông nói thêm.
Chiến thắng vang dội hay thao túng phiếu bầu một cách tinh vi?
Theo số liệu sơ bộ từ Ủy ban Bầu cử Trung ương, Đảng Giấc mơ Georgia đã nhận được khoảng 54% tổng số phiếu (với 99,3% phiếu bầu đã được kiểm đếm vào thời điểm công bố).
Đảng đối lập khẳng định rằng những con số này là kết quả của sự thao túng và các giám sát viên bầu cử độc lập đã bày tỏ lo ngại về cách thức tổ chức cuộc bầu cử.
Chương trình giám sát Georgian mang tên My Voice, bao gồm 30 tổ chức phi chính phủ, đã ghi nhận hơn 200 vi phạm - như gian lận phiếu bầu, tấn công và hành hung quan sát viên, trục xuất nhà báo được cấp thẻ để đưa tin về bầu cử.
Chương trình quan sát viên quốc tế do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) lãnh đạo cho hay cuộc bỏ phiếu đã bị ảnh hưởng bởi "một sân chơi không cân bằng, áp lực và căng thẳng".
Thủ tướng Georgia, nghị sĩ Đảng Giấc mơ Georgia Irakli Kobakhidze, đã phủ nhận các cáo buộc về gian lận phiếu bầu.
"Những điều bất thường xảy ra ở khắp nơi, ở mọi quốc gia," ông nói với BBC.
Nguồn hình ảnh, AFP
Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze (trá) và Tổng thống Salome Zurabishvili trong một cuộc mít tinh ở Tbilisi
Có các cuộc tranh luận rộng rãi về hệ thống kiểm phiếu điện tử mới hiện đang được triển khai ở hầu hết các điểm bỏ phiếu.
Một mặt, việc tự động hóa quá trình kiểm phiếu giúp làm giảm cơ hội thao túng kết quả.
Nhưng mặt khác, giới chỉ trích cho rằng nó cũng dẫn đến sự gia tăng việc sử dụng các phương pháp tinh vi hơn để tác động tới kết quả bầu cử.
"Chúng tôi vẫn còn là một nước nghèo," Giorgi Onian, phó giám đốc của Tổ chức Minh bạch Quốc tế Georgia, nói.
"Rất nhiều người gặp khó khăn về tài chính."
"Ví dụ, một người làm mất bằng lái xe do lái xe khi say rượu, và họ được đề nghị cấp lại giấy phép để đổi lấy việc đánh dấu vào ô bên phải của phiếu bầu," ông Oniani nói thêm.
Một thủ thuật khác mà Tổ chức Minh bạch Quốc tế ghi nhận là cái gọi là "cho thuê tài liệu".
"Vào đêm trước bầu cử, cử tri được yêu cầu nộp giấy tờ tùy thân cho chính quyền trong một ngày, để đổi lấy tiền. Một số trường hợp, những giấy tờ tùy thân này được những người khác dùng để bỏ phiếu. Trong một số trường hợp khác, việc này là nhằm đảm bảo rằng người đó không thể không đi bỏ phiếu," ông Oniani nói với BBC.
Đại diện Đảng Vì Georgia Natia Mezvrishvili nói với BBC rằng họ có chứng cứ về một biến thể của việc thuê giấy tờ, khi giấy tờ tùy thân của những người ủng hộ phe đối lập bị tịch thu để cho người khác dùng vào việc bỏ phiếu.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Người ủng hộ Đảng Giấc mơ Georgia ăn mừng kết quả thăm dò ý kiến cử tri
Vì sao Đảng Giấc mơ Georgia lại được ưa chuộng đến vậy?
Khi việc bỏ phiếu khép lại đêm thứ Bảy, các kênh truyền hình chính của Georiga đã ngay lập tức công bố kết quả thăm dò ý kiến, và các kết quả này tương đối khác nhau.
Kênh truyền hình thân nhà nước Imedia công bố 56,1% số phiếu bầu cho đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia - gần với con số mà Ủy ban Bầu cử Trung ương thông báo sau đó.
Hai kênh đối lập, Mtavari và Formula, đưa ra con số 40-42% cho Giấc mơ Georgia, dẫn đến việc các phe đối lập khẳng định họ đã cùng nhau giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Nhưng ngay cả con số 40% thì vẫn là một tỷ lệ phiếu bầu đáng kể đối với Đảng Giấc mơ Georgia.
Vì sao một đảng có thể thường xuyên bị cáo buộc phục vụ lợi ích của Nga nay lại được ủng hộ đến vậy ở một đất nước nơi gần 80% dân số muốn trở thành thành viên EU?
Đảng Giấc mơ Georgia đã gây được tiếng vang đối với cử tri, khi định vị mình là một người bảo vệ các giá trị bảo thủ.
Một khảo sát của World Values Survey xếp Georgia ở vị trí 82 trong tổng số 88 quốc gia được khảo sát trong các năm 2017-2022 về mức độ khoan dung. Hơn 90% số người được khảo sát nói rằng họ không chấp nhận đồng tính.
Giấc mơ Georgia đã lợi dụng điều này và, trong chiến dịch của mình, đã hứa "bảo vệ" người dân Georgia khỏi "tuyên truyền và quảng bá LGBT".
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh, Lễ hội Georgia Pride ở Tbilisi bị những người biểu tình cánh hữu tấn công hồi tháng 7/2023
Một thông điệp khác thu hút cử tri là nói rằng cuộc bầu cử này là một lựa chọn giữa hòa bình và chiến tranh.
Lãnh đạo Đảng Giấc mơ Georgia Bidzina Ivanishvili, một tỷ phú phất lên ở Nga những năm 1990, từ lâu đã cho rằng Georgia đang bị đe dọa bởi cái mà ông ta gọi là "phe chiến tranh toàn cầu".
Các phát biểu của ông ta đầy những lời cảnh báo về thuyết âm mưu của "các kẻ thù nội xâm và ngoại xâm" đang chuẩn bị gây ra bạo lực và tàn phá cho Georgia.
Trong cuộc bầu cử, nhiều áp phích tranh cử của Giấc mơ Georgia đã mô tả sự tương phản giữa các thành phố bị ném bom ở Ukraine và các cảnh tượng yên bình ở Georgia.
"Đây là một thông điệp chính và lá bài chủ cho Đảng Giấc mơ Georgia," nhà khoa học chính trị kỳ cựu Gia Nodia nói.
"'Nếu không phải chúng tôi, thì sẽ có chiến tranh' - điều này được nhiều người đồng tình. Dù, về mặt lý trí, điều này hoàn toàn không thuyết phục, nhưng nó hiệu quả ở cấp độ bản năng - mọi người đều sợ chiến tranh," ông nói thêm.
Cựu quan chức ngoại giao Giorgi Badridze đồng tình:
"Khi bạn liên tục được thông báo rằng nguy cơ cao là có chiến tranh với một nước láng giềng, nhiều người hẳn sẽ tin và lo sợ, điều đó dễ hiểu," ông Badridze nói.
"Các chính trị gia Georgia cẩn trọng không cung cấp thông tin về các mối nguy hiểm mà đất nước đang đối mặt," ông nói thêm.
Họ mô tả các mối đe dọa theo các thuật ngữ rất rộng mà một mặt, chúng tác động đến nỗi lo sợ sâu sắc, và mặt khác, khiến phe đối lập khó khăn hơn trong việc phủ nhận các tuyên bố.
Một điểm chính nữa là bất chấp các đe dọa về khả năng chiến tranh và các cảnh báo về "tuyên truyền LGBT", Đảng Giấc mơ Georgia vẫn tiếp tục định vị mình như một đảng dẫn dắt Georgia vào Liên minh châu Âu - trong khi cùng lúc lại duy trì quan hệ với Moscow.
"Vào năm 2030, Georgia sẽ là một đất nước được chuẩn bị tốt để gia nhập EU," Nghị sĩ Đảng Giấc mơ Georgia Maka Bochorishvili nói với BBC.
"Nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho đất nước này trở nên tốt đẹp hơn, để cải thiện về kinh tế và nâng cao tiêu chuẩn sống cho công dân của chúng tôi lên mức châu Âu. Đây là điều chúng tôi có thể làm và đã làm trong nhiều năm qua," ông nói.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Tina Bokuchava, chủ tịch Phong trào Đoàn kết Quốc gia (Unity–National Movement), cũng nói rằng đảng của bà không thừa nhận kết quả bầu cử
Các nhân vật đối lập và một số nhà phân tích hoài nghi về những lời hứa này.
Họ chỉ ra rằng đảng cầm quyền đã gây ra cuộc khủng hoảng sâu sắc trong các mối quan hệ Georgia-phương Tây trong vòng 20 năm qua bằng cách ban hành "Luật Minh bạch Ảnh hưởng nước ngoài" (còn gọi là luật điệp viên nước ngoài) bất chấp các cuộc biểu tình.
Hậu quả của luật mới là quy trình xét duyệt thành viên EU của Georgia đã bị đình lại, và Mỹ - một đối tác chiến lược của Tbilisi - bắt đầu đánh giá lại quan hệ song phương giữa hai nước.
Thêm vào đó, hàng chục đại diện và quan chức của Georgia đã bị Mỹ cho vào danh sách hạn chế thị thực do "phá hoại nền dân chủ của Georgia".
Một số người Georgia, bao gồm các quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ, đã bị đưa vào danh sách cấm vận của Mỹ.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
"Tôi cho rằng phe đối lập đã rất phấn khích sau kết quả thăm dò cử tri, nhưng sau khi kết quả chính thức được công bố, họ lại rơi vào trạng thái thất vọng và vẫn chưa chắc chắn," nhà khoa học chính trị Gia Nodia nói.
Ngay sau khi các kết quả chính thức đầu tiên được công bố, họ đã tạm dừng để thảo luận về thời gian và chiến lược cho các cuộc biểu tình. Sự trì hoãn này có thể có lợi cho Giấc mơ Georgia.
Giorgi Badridze đồng tình: "Vào năm 2003, khi chính phủ lúc đó đã cố gắng đánh cắp kết quả bầu cử, các cuộc biểu tình có sự tham gia của các lãnh đạo uy tín và năng nổ. Lần này, phe đối lập thiếu một lãnh đạo nổi bật. Tôi không chắc xã hội chúng tôi có thể tự tổ chức tốt thế nào hoặc các phe đối lập ngày nay có thể lãnh đạo các cuộc biểu tình này hiệu quả ra sao."
Cũng có những nghi ngờ về hiệu quả của những cuộc biểu tình.
"Sẽ có các cuộc biểu tình," ông Nodia nói.
"Nhưng tôi không kỳ vọng chúng đủ lớn để dẫn tới bất kỳ kết quả chính trị quan trọng nào."