Tại sao con bạn nói dối?

Chia sẻ Facebook
11/04/2023 10:09:48

Mỗi đứa trẻ đều nói dối theo cách của chúng, điều cha mẹ cần làm là biết được lý do và theo đó mà sửa trị.

Tin buồn cho các cha mẹ là hầu hết mọi đứa trẻ đều nói dối. Cái gọi là “đi hỏi già về nhà hỏi trẻ” không phải lúc nào cũng đúng. Bởi nói dối chính là một trong những bản năng của con người. Chính người lớn chúng ta cũng vậy mà, đúng không? Vì thế, đừng quá lo lắng nếu con bạn nói dối, vì chúng cũng là con người.


Nhưng nói vậy không có nghĩa là chúng ta đồng tình với việc con ta nói dối. Cha mẹ nào cũng mong giáo dục con trở thành người chính trực, trung thực và thẳng thắn. Điều kiện tiên quyết để bắt đầu giáo dục con trở thành người trung thực hãy bắt đầu từ việc trở thành những cha mẹ trung thực. Nếu cha mẹ thấy khó quá thì cũng đừng quá khó với con cái. Đừng làm cha mẹ kiểu “bố mẹ thì được quyền, con thì không”. Ở đâu ra cha mẹ gà lại đẻ ra gà biết bay, phỏng ạ?


Một đứa trẻ nói dối thường là bởi những lý do sau:

1. Trí tưởng tượng của chúng khá phong phú và chúng nói theo trí tưởng tượng của chúng. Ngay cả khi chúng biết đó không phải là sự thật nhưng chúng vẫn nói như thể đó là sự thật vì điều đó khiến chúng thấy vui.

2. Suy nghĩ của trẻ khác suy nghĩ của người lớn. Ví dụ như dọn nhà với trẻ là nhét đồ đạc vào chỗ khuất mắt là xong. Nên khi trẻ nói: “Con dọn nhà xong rồi” thì nhiều cha mẹ thấy đó là lời nói dối, làm qua quýt rồi mắng con. Trẻ không nói dối, trẻ chỉ thuật lại sự thật theo cách nghĩ của trẻ.


3. Con nói dối mà không biết đó là nói dối vì ai cũng nói vậy mà. Là con học theo mọi người xung quanh và cho rằng đó là chuyện bình thường. Là con sao chép lại cuộc sống quanh con.

4. Con được “lập trình” để nói dối bởi phép tính quy đổi: Nói dối= an toàn. Vì khi con nói thật, cha mẹ hay quát mắng con. Sự thật nói ra luôn nhận về kết quả thiếu an toàn nên con nói dối để được là con ngoan. Cha mẹ quá nghiêm khắc cũng khiến con nói dối là vậy.

5. Trẻ nói dối để được… quan tâm hơn. Nhiều đứa trẻ cố gắng gây sự chú ý của cha mẹ, người lớn bằng những lời nói dối. Làm cho bố mẹ lo lắng đôi khi cũng là niềm vui của trẻ vì chúng nghĩ cha mẹ lo lắng mới là yêu thương, quan tâm đến mình.

6. Nói dối thành quen và thành… nghiện. Nó trở thành một dạng bệnh lý và cần đến sự can thiệp của các chuyên gia tâm lý trị liệu.

Tôi chỉ tạm gạch đầu dòng 6 lý do trên, lũ trẻ còn rất nhiều lý do khác khi chúng nói dối. Cha mẹ thay vì trừng phạt con nói dối, hãy chậm lại để tìm hiểu thêm những nguyên nhân thì mới có thể sửa chữa được tật nói dối của con mình. Chẳng phải bác sĩ muốn kê đơn thì vẫn phải bắt mạch đó sao? Đừng vội vàng tống thuốc khi chưa biết con mình nói dối vì lý do gì. Coi chừng lời quát mắng của bạn sẽ lại càng khiến con nói dối một cách tinh vi hơn vào lần sau. Và khi đó, mối quan hệ cha mẹ con cái lại thành rình rập, đề phòng, nghi ngờ, lươn lẹo, điều tra lẫn nhau thì mệt lắm.


Mỗi đứa trẻ đều nói dối theo cách của chúng, điều cha mẹ cần làm là biết được lý do và theo đó mà sửa trị. Hãy nhớ mục đích cuối cùng của chúng ta không phải là con sẽ không nói dối nữa mà chỉ là con nhận thức được nói dối là sai và chúng ta có thể sửa chữa được cho thành đúng. Và sửa chữa nào của con cái cũng đều bắt đầu từ chỉnh sửa từ cha mẹ. Như cái câu: Nhìn cây sửa đất- nhìn con sửa mình vậy, phỏng ạ? .


Anh Chánh Văn

Chia sẻ Facebook