Tại sao chủ cửa hàng cầm cố xế hộp 4 tỷ đồng ở Huế có thể bị phạt tù?

Chia sẻ Facebook
05/02/2023 00:34:51

Theo luật quy định, chủ cửa hàng chấp nhận cầm cố xe không chính chủ, có thể bị xử phạt hành chính hoặc phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù giam.


Ngày 4/2, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam một đối tượng trên địa bàn về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.


Danh tính người bị bắt giữ là Lê Quang Vũ (40 tuổi), trú tại phường Phú Hội, TP.Huế.


CLIP: LÊ QUANG VŨ TẠI CƠ QUAN CÔNG AN


Theo điều tra ban đầu, từ ngày 20/12/2021, Lê Quang Vũ thuê xe ô-tô hiệu Porsche của anh Nguyễn Hoàng S. (33 tuổi, trú tại phường Thuận Hòa, TP.Huế) để làm phương tiện đi lại.


Đến ngày 21/12/2021, Vũ đưa xe đến cầm cố tại cửa hàng cầm đồ S.H do anh Võ Văn Sơn H. (42 tuổi, trú phường Tây Lộc, TP.Huế) làm chủ với số tiền 4 tỷ đồng rồi lấy số tiền này đi trả nợ và tiêu xài cá nhân.


Anh Nguyễn Hoàng S. không hề biết chuyện xe của mình bị Vũ đem đi cầm cố. Mãi đến gần 2 năm sau anh S. mới biết chuyện và báo cơ quan công an.

Lê Quang Vũ thời điểm đọc lệnh bắt.


Liên quan vụ án này, luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc công ty luật An Doanh cho biết, Căn cứ theo Khoản 1 Điều 292 của Bộ luật Dân sự ban hành năm 2015 có quy định rõ ràng về việc Cầm cố tài sản. Nó là một trong 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của công dân.


Theo đó, Điều 309 của Bộ Luật Dân sự có quy định rằng việc Cầm cố tài sản là việc một bên (hay còn gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của bản thân mình cho bên còn lại (hay còn gọi bên nhận cầm cố) nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.


Việc cầm cố tài sản chỉ thực hiện được khi nào bên cầm cố giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố. Song, trong trường hợp người cầm cố xe cho cửa hàng cầm đồ, mà xe này là tài sản không chính chủ (không có giấy tờ xe). Do đó, việc cầm cố xe không chính chủ là vi phạm quy định của pháp luật . Nếu chủ cửa hiệu cầm đồ tài sản đồng ý nhận cầm xe mà không có bất cứ giấy tờ nào thì cũng đồng nghĩa rằng người này đã vi phạm quy định của pháp luật.


Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra chứng minh được cửa hàng S.H đã thực hiện giao dịch cầm cố khi đã có sự nghi ngờ, lường trước và biết rõ được tài sản này có được do người phạm tội mà có mà vẫn cố tình tiến hành thực hiện giao dịch cầm cố tài sản với giá cầm cố lên tới 4 tỷ đồng cho đối tượng Lê Quang Vũ thì trường hợp này, có thể thấy cửa hàng S.H có thể đủ yếu tố cấu thành tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người phạm tội mà có và căn cứ theo Điểm a Khoản 4 điều 323 về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người phạm tội mà có tại Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định. Và chủ tiệm cầm đồ này có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.


Lê Kông

Chia sẻ Facebook