Tại sao bia ít khi được đóng trong chai nhựa?
Đại đa số các loại bia trên thị trường đều được đóng trong chai thủy tinh hoặc lon kim loại chứ hiếm khi được đóng trong chai nhựa. Vì sao lại như vậy?
Hiện nay, phần lớn các loại đồ uống như nước khoáng, nước trái cây, nước giải khát có gas,… đều được đóng trong chai nhựa. Đây là chất liệu vừa rẻ vừa nhẹ, không dễ vỡ; nhưng bia lại thường chỉ được đóng trong lon nhôm hoặc chai thủy tinh.
Người ta không dùng chai nhựa để đóng bia là bởi đặc điểm của chất liệu này khiến hiện tượng oxy hóa bia trong chai diễn ra khá nhanh và làm thất thoát khí carbon dioxide.
Chuck Skypeck, Giám đốc kỹ thuật dự án sản xuất bia tại Hiệp hội Các nhà sản xuất bia, người có 21 năm sở hữu và điều hành nhiều nhà máy nấu bia chia sẻ trên trang Newsnationnow : “Nhựa đơn giản không phải là loại bao bì tốt cho bia. Cấu trúc phân tử của hầu hết các loại nhựa không tốt trong việc giữ cacbonat trong bao bì, sản phẩm hay trong việc ngăn ôxy lọt vào để tránh ôi thiu.
Nói cách khác, cả lon và thủy tinh đều là những nguyên liệu ưu việt trong việc đảm bảo cung cấp bia đến người tiêu dùng với độ tươi và mức độ cacbonat mà nhà sản xuất bia mong muốn”.
Nếu sử dụng chai nhựa để đóng bia, hương vị của bia có xu hướng bị nhạt đi sau một thời gian vì nhựa "xốp" hơn thủy tinh, phù hợp để đóng chai soda và các loại đồ uống khác.
Mặt khác, chai thủy tinh và lon nhôm gần như không thấm nước, mang lại cho bia độ kín cần thiết để bảo quản được lâu hơn. Thủy tinh và nhôm (được phủ một lớp polymer ngăn cách bia với nhôm) không có mùi vị lạ hoặc mùi khó chịu có thể ảnh hưởng đến chất lượng và hương vị của bia.
Trong khi đó, hóa chất trong chai nhựa, đặc biệt là chai PET, chứa antimon, có thể ngấm vào đồ uống bên trong. Antimon có thể gây kích ứng đường hô hấp và rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, nôn mửa và loét dạ dày. Do bia có thể tiếp xúc với nhiệt độ khắc nghiệt trong quá trình vận chuyển và bảo quản khiến antimon bị kích hoạt, dẫn đến những tác động bất lợi.
Thêm nữa, không giống hai loại chất liệu ở trên, nhôm hoàn toàn ngăn được ánh sáng, giúp cho đồ uống trong lon nhôm được bảo quản tốt hơn những loại chai đựng khác.
Một vấn đề khác của chai nhựa là chúng không thể chịu được quá trình khử trùng mà hầu hết các loại bia đều phải đi qua. Sau khi được ủ và đóng chai, bia thường sẽ phải được đưa qua một chiếc máy phun nước sôi để tiêu diệt những vi khuẩn vẫn còn sống sau quá trình lên men.
Quá trình này vừa để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa tăng thời hạn sử dụng của bia. Và trong khi chai thủy tinh hay lon nhôm có thể dễ dàng chịu đựng quy trình này, thì nhựa lại không. Điều đó có nghĩa hoặc là ta phải bỏ qua công đoạn khử trùng, hoặc phải chọn một loại nhựa bền hơn, đồng nghĩa với chi phí cũng sẽ cao hơn.
Với những lý do trên, có thể thấy chai thủy tinh và lon nhôm vẫn sẽ thống trị ngành sản xuất bia trên toàn thế giới.
Vì sao vỏ chai bia thường có màu xanh hoặc nâu?
Những vỏ chai bia đầu tiên được sản xuất từ thủy tinh trong suốt. Đây có thể là biện pháp để bảo quản bia trong một thời gian và đặc biệt vào mùa đông. Nhưng nếu đặt chúng dưới ánh nắng mặt trời sẽ ảnh hưởng xấu tới loại đồ uống này.
Lượng bia còn lại trong những chai thủy tinh trong suốt sẽ bắt đầu có mùi khó ngửi. Theo tờ Business Insider, đây giống như mùi chồn hôi, không còn là thức uống thơm ngon sau những giờ làm việc.
Mùi hôi này xảy ra vì thủy tinh trong suốt cho phép tia tử ngoại thâm nhập vào đồ uống và làm thay đổi hương vị.
Do vậy, giải pháp đưa ra là sử dụng các chai thủy tinh có màu xanh hoặc nâu đậm. Một màu tối hơn sẽ chặn các tia UV gây hại, giúp bảo quản tốt hơn và giữ bia không có mùi hôi.
Bạn có thể tự hỏi tại sao các chai bia có nhiều màu xanh hơn màu nâu? Đó là vì vỏ màu xanh đậm có giá thành rẻ, dễ sản xuất, đồng thời có tác dụng ngăn cản các yếu tố gây tác hại xấu cho bia.
Kể từ đó, màu xanh lá cây đã trở thành thương hiệu của các chai bia truyền thống. Ngày nay, các nhà sản xuất có thể áp dụng lớp phủ chống tia cực tím vào thủy tinh để bảo quản hương vị nhưng họ vẫn giữ những chai có màu sặc sỡ như cũ.
Minh Hoa (t/h)