Tài sản Vietracimex vượt 50.000 tỉ đồng
Trước đó, năm 2019 và 2020, Vietracimex lần lượt báo lãi sau thuế hợp nhất 291,8 tỉ đồng và 311,4 tỉ đồng. Cộng dồn giai đoạn 2019-2022, Vietracimex ghi nhận khoản lãi sau thuế lên tới 1.372,9 tỉ đồng.
Tổng CTCP Thương mại Xây dựng ( Vietracimex ) vừa công bố tình hình tài chính năm 2022, trong đó ghi nhận khoản lãi sau thuế 453,1 tỉ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong giai đoạn 2019-2022 của công ty này.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Vietracimex đạt 50.096,5 tỉ đồng, tăng 15,2% so với đầu năm.
Ở bên kia bảng cân đối, vốn chủ sở hữu của Vietracimex đạt 14.437 tỉ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) tại kỳ báo cáo kết thúc ngày 31/12/2022 đạt mức 3,138% (cùng kỳ năm 2021 đạt 2,264%).
Đều đặn báo lãi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, tài sản của Vietracimex cũng tăng trưởng ấn tượng, song tỷ lệ sử dụng đòn bẩy của doanh nghiệp này tương đối cao, khi tài sản phần lớn được hình thành từ nợ phải trả.
Tính đến cuối năm 2022, nợ phải trả của Vietracimex đạt 35.659,5 tỉ đồng, với dư nợ trái phiếu ở mức 7.074 tỉ đồng.
Dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, Vietracimex (công ty mẹ) hiện có 13 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị còn lưu hành là 2.376,5 tỉ đồng (tính đến ngày 7/6/2023), lãi suất phát hành từ 9,8-10%/năm.
Ngoài ra, một số công ty thành viên của Vietracimex cũng ghi nhận dư nợ trái phiếu còn lưu hành lớn, kể đến như CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 (2.310 tỉ đồng), CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 (1.022,4 tỉ đồng), CTCP Năng lượng Hòa Thắng (1.622,5 tỉ đồng).
Trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng cao, trung tuần tháng 5/2023, hội những người sở hữu trái phiếu của Vietracimex đã chấp thuận cho doanh nghiệp này giảm biên độ lãi suất tại 13 lô trái phiếu đến hết ngày 30/9/2023, với mức giảm từ 1,45 – 1,65%/năm.
Vietracimex của "đại gia" Võ Nhật Thăng có gì?
Như VietTimes từng đề cập , Vietracimex tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội, được thành lập từ năm 1961, thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải. Đến năm 2014, công ty này tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ đăng ký hơn 5.510 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2021, Vietracimex có vốn điều lệ 12.510 tỉ đồng, trong đó ông Võ Nhật Thăng (SN 1959) – Chủ tịch HĐQT – góp 12.509,4 tỉ đồng, sở hữu 99,99% vốn điều lệ; ông Vũ Đức Toàn góp 595 triệu đồng; bà Vũ Thị Mai Loan góp 60 triệu đồng.
Vietracimex sở hữu cả chục công ty thành viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là bất động sản, sản xuất công nghiệp, năng lượng và thương mại dịch vụ.
Ở mảng bất động sản, Vietracimex là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn như: Dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội (quy mô 146ha); Dự án Hinode City tại số 201 Minh Khai, Hà Nội (3,2ha); Dự án Sunrise VNT Resort – Phú Quốc (44,4ha); Dự án Khu dân cư Nam Thăng Long, huyện Bình Chánh, TP. HCM (41,87ha); Sân Golf Minh Trí (Hanoi Golf Club) tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội (108ha)…
Ngoài ra, Vietracimex còn đang đề xuất đầu tư dự án Tổ hợp du lịch – dịch vụ và nghỉ dưỡng Sunrise VNT Mũi Yến tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận với quy mô 897,4ha, tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 57.638,3 tỉ đồng (gần 2,5 tỉ USD).
Trong lĩnh vực năng lượng, Vietracimex sở hữu một số dự án thủy điện như: Nhà máy thủy điện Tà Thàng tại Lào Cai (công suất 60MW, tổng vốn đầu tư 2.147 tỉ đồng); Nhà máy thủy điện Bắc Mê tại Hà Giang (công suất 45MW, tổng vốn đầu tư 2.394 tỉ đồng); Nhà máy thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo tại Lâm Đồng (công suất 24MW, tổng vốn đầu tư 653 tỉ đồng).
Đồng thời, Vietracimex cũng triển khai hai dự án thủy điện rất lớn tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là Nậm Mô 1 (công suất 90MW, tổng vốn đầu tư 4.128 tỉ đồng) và Mỹ Lý 1 (công suất 180MW, tổng vốn đầu tư 7.824 tỉ đồng).
Ngoài ra, Vietracimex còn phát triển mảng năng lượng tái tạo với một số dự án tại tỉnh Bình Thuận như Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A (công suất 150MW, tổng mức đầu tư 4.198 tỉ đồng); Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B (công suất 100MW, tổng mức đầu tư 2.832 tỉ đồng); Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 (công suất 100MW); và hai dự án điện gió công suất 400MW tại tỉnh Cà Mau và tỉnh Sóc Trăng.
Ở mảng sản xuất công nghiệp, Vietracimex sở hữu nhà máy Bột – Giấy VNT 19 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, công suất 350.000 tấn/năm./.