Tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân liệu có được dùng để xử lý cho khoản nợ chung của vợ chồng?
Không ít người vẫn nghĩ rằng tài sản riêng hình thành trong thời kỳ hôn nhân là độc lập và không được dùng để giải quyết các nghĩa vụ chung của hai vợ chồng. Trên thực tế, pháp luật lại có những quy định rất khác biệt và cụ thể cho từng trường hợp.
Chị Nguyễn Thái Thanh (43 tuổi) ngụ tại TP.HCM chia sẻ, "Vợ chồng tôi có vay 5 tỷ từ ngân hàng để kinh doanh, thế chấp bằng 1 ngôi nhà. Hiện nay, chúng tôi đã mất khả năng trả nợ. Trong thời kỳ hôn nhân, tôi có được bố mẹ tặng riêng cho một ngôi nhà trị giá 2 tỷ, liệu tài sản này có bị đem ra xử lý cho khoản vay"?
Theo điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau:
"1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này."
Nếu chị Thanh chứng minh được căn hộ này do bố mẹ tặng riêng cho mình thì đó vẫn hoàn toàn là tài sản riêng của chị. Tuy nhiên, ở trường hợp này, vợ chồng chị còn có nghĩa vụ trả nợ chung vì thế hướng xử lý có thể sẽ có phần khác biệt.
Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Công ty Luật Phúc Khánh Hưng, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, trả lời: Khoản 1 điều điều 37 Luật Hôn nhân gia đình có quy định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng là "Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm"
Ở trường hợp của chị Thanh, khoản vay của vợ chồng chị với ngân hàng được hiểu là nợ chung của hai vợ chồng. Hiện anh chị đã mất khả năng thanh toán nên ngân hàng có quyền khởi kiện vợ chồng anh chị. Tòa án có thẩm quyền giải quyết và có thể buộc anh chị phải thanh toán đầy đủ cả tiền nợ gốc, tiền lãi và lãi quá hạn cho ngân hàng. Về nghĩa vụ trả nợ tòa án có thể xác định mỗi người phải chịu trách nhiệm 50% số tiền nợ nói trên.
Do anh chị không còn khả năng thi hành bản án một cách chủ động nên cơ quan thi hành án dân sự có thể ra quyết định thi hành án mà theo đó chị Nguyễn Thái Thanh có thể sẽ bị buộc phải trả một nửa số tiền nợ trên. Khi đó, dù tài sản được bố mẹ tặng cho riêng chị Thanh vẫn có thể bị đem ra để thi hành án.