Tài sản quý giá nhất trong nhà không phải là tiền tài mà là thứ này!
Tài sản quý giá nhất trong nhà không phải là tiền tài mà là thứ này!
Người xưa dạy rằng cha con trung nghĩa, anh em hòa thuận, vợ chồng hòa hợp, thì gia đình phú quý. Nhà là nơi bắt đầu cuộc sống của mỗi người, đồng thời cũng là đích đến tất yếu của mỗi người. Chỉ có giữ được tổ ấm thì đất nước mới có thể ổn định và thế giới mới được bình yên.
Điều gì là quan trọng nhất của một gia đình khi mọi người ở bên nhau?
Có phải là cùng nhau sống trong một ngôi nhà sang trọng và lộng lẫy? Hay là sống một cuộc sống xa hoa? Hay phải là có tiền nhiều đến mức đếm không hết? Thật ra tất cả đều không phải.
Điều quan trọng hơn bất cứ điều gì khác chính là sự hòa thuận. Nếu gia đình ấy ngày nào cũng cãi vã thì dù bạn có nhiều tiền đến mấy cũng cảm thấy không thể hạnh phúc trọn vẹn. Người trong nhà nếu ngày nào cũng giữ vẻ mặt căng thẳng, lạnh nhạt nhìn nhau, thậm chí không buồn quan tâm đến bữa cơm gia đình nữa thì cuộc sống chẳng còn chút nào thú vị.
Gia đình hòa thuận, luôn nắm tay nhau, dù khó khăn vất vả thế nào cũng cùng nhau gánh vác, cùng nhau cố gắng vươn lên để cuộc sống tốt đẹp hơn, thì dù gia cảnh hiện tại có nghèo khó đến đâu nhưng trong tương lai cũng sẽ có thể phát tài phát lộc. Ông bà xưa có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn!” cũng chính là ý tứ này.
Bài học về sự hưng thịnh của gia tộc họ Kiều
Chắc hẳn nhiều người đã từng nghe đến câu chuyện vang danh về việc dựng lập sự nghiệp và duy trì thịnh vượng của gia tộc thương gia Kiều Trí Dung. Đó cũng là tấm gương về việc hòa thuận và đồng lòng, nỗ lực hợp sức sẽ giúp một gia tộc thịnh vượng phát tài.
Ông Kiều Trí Dung nói rằng:
“Cần kiệm mới đảm đương được việc nhà, thuận hòa mới có thể tề gia, có trí tuệ thì gia đình hưng thịnh, có liêm chính trung hậu mới có thể kế thừa được gia nghiệp.”
Đối với một gia đình, điều còn quan trọng hơn tiền đó là sự hòa thuận trong gia đình. Nhiều gia đình cãi vã, thậm chí bất hòa với nhau chỉ vì tiền. Tiền là một con dao hai lưỡi, tiền vừa là để giữ niềm vui hạnh phúc cho gia đình, nhưng mặt khác nó cũng chính là nguyên nhân của sự bất hòa trong gia đình. Thực tế, chỉ cần gia đình hòa thuận, đoàn kết thì chẳng cần lo tài sản không tới.
Vậy làm thế nào mới có thể khiến cho gia đình luôn hòa thuận?
Đối xử tốt với tất cả người thân trong gia đình
Trong cuộc sống, chúng ta thường mắc phải một sai lầm là luôn cẩn trọng, lễ phép với người ngoài nhưng đối với người thân yêu thì lại mất bình tĩnh và có những lời lẽ thô lỗ khiến họ tổn thương.
Xin hãy nhớ rằng trên đời này ngoài người thân ra sẽ không có ai yêu thương và hy sinh cho chúng ta vô điều kiện. Dù bạn có làm họ tổn thương thế nào đi chăng nữa thì họ cũng sẽ bỏ qua tất cả, vẫn sẽ bao dung và lặng lẽ bảo vệ chúng ta. Họ là quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta và là người mà chúng ta nên đối xử tốt nhất trên thế giới này.
Nếu bạn gặp khó khăn hoặc có điều gì đó không hài lòng ở nơi làm việc, hãy gạt bỏ những cảm xúc tồi tệ đó trước khi về nhà. Trên đường về, cố gắng buông bỏ hết mọi ưu phiền, đứng trước cửa nhà hít thở thật sâu ba lần, và nở một nụ cười khi mở cửa bước vào. Hãy chỉ đem đến những niềm vui và cảm xúc tốt đẹp nhất cho người thân của bạn.
Đối với cha mẹ cũng vậy, họ là người vất vả sinh thành và nuôi nấng ta trưởng thành, hãy đối xử tử tế và hiếu thuận với cha mẹ. Thời gian mà cha mẹ ở bên cạnh bạn sẽ mỗi ngày một ngắn lại, vì vậy hãy dành nhiều thời gian hơn và cố gắng đừng mất bình tĩnh với họ.
Đối với vợ và con cái, họ là những người sẽ đồng hành cùng bạn đến tuổi già. Chúng ta làm việc cực khổ cũng chính vì để gia đình hạnh phúc và cuộc sống tốt đẹp hơn, cho nên đừng mang những cảm xúc tồi tệ bên ngoài về ngôi nhà của bạn.
Một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta nên làm trong cuộc sống là làm cho những người thân trong gia đình yêu thương của chúng ta hạnh phúc.
Luôn học cách thấu hiểu và không chỉ trích khi người thân gặp chuyện
Trên con đường nhân sinh, khó ai tránh khỏi những chuyện phiền muộn, đau lòng, giận hờn. Vì vậy, khi ở bên nhau chúng ta cần học cách đối nhân xử thế, thấu hiểu và biết quan tâm đến người thân, dùng sự chân thành ấm áp để xua tan cái giá lạnh cho gia đình. Gia đình là nơi để nói lời yêu thương, không phải là nơi để tranh luận đúng sai.
Lúc gặp khó khăn, thất bại, người một nhà nên cùng nhau đối mặt, đồng tâm hiệp lực giải quyết vấn đề, thay vì không ngừng phán xét, than phiền, không chịu thấu hiểu khiến mâu thuẫn gia đình ngày càng nhiều, mối quan hệ cũng ngày càng căng thẳng.
Khi chồng bôn ba vất vả bên ngoài, người vợ nên quan tâm đến chồng nhiều hơn, đừng chỉ trách móc chồng nếu anh ấy kiếm được ít tiền.
Ngược lại người vợ ở nhà hết lòng chăm lo gia đình, thì người chồng nên giúp cô ấy việc nhà và giúp con làm bài tập khi rảnh rỗi, thay vì chỉ trích trong nhà không yên ổn hay con cái bị điểm kém.
Về phần con cái, cha mẹ cho con tất cả, con cái nên hiếu kính cha mẹ, tuyệt đối không được phép mắng nhiếc, đòi hỏi hay chê trách.
Về phía cha me cũng cần hiểu và tôn trọng ý kiến của con cái, thay vì áp đặt ý kiến của mình.
Tất cả các thành viên trong gia đình, ai ai cũng sống vì nhau, hiểu và thông cảm cho nhau, quan tâm đến những khó khăn của nhau và yêu thương nhau, thì gia đình mới tràn đầy yêu thương, ấm áp.
Xung đột dù lớn đến đâu cũng không để qua đêm, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không
Người lớn thường khuyên “Chén chung sóng còn khua huống chi là vợ chồng”. Trong gia đình mỗi người đều có tính khí, sở thích và thói quen khác nhau, sống chung dưới một mái nhà thì khó tránh khỏi có mâu thuẫn và va chạm. Những vấn đề nhỏ nhặt, nếu không được xử lý thỏa đáng thậm chí có thể dẫn đến mâu thuẫn gia đình.
Đối với những chuyện lục đục xào xáo trong nhà, nói khó giải quyết thì cũng quả thực là khó, nhưng nói dễ thì cũng cực kì dễ. Người ta hay nói rằng đáng sợ nhất là “chiến tranh lạnh” , bởi vì khi im lặng chúng ta có thể hủy đi một mối quan hệ. Trong mâu thuẫn gia đình, im lặng khiến chúng ta không hiểu nhau và ngày càng xa cách. Vì vậy hãy giao tiếp nhiều hơn khi gặp mâu thuẫn. Xung đột dù lớn đến đâu cũng không để qua đêm, cố gắng để chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không.
Là người nhà với nhau, khi gặp chuyện đều có thể nói ra một cách cởi mở, kể cả có tranh luận cũng sẽ tốt hơn là im lặng. Có mâu thuẫn hay ý kiến gì thì kịp thời trao đổi với người nhà, có lỗi thì nhận lỗi, không có lỗi thì cũng cần bao dung, độ lượng.
Gia đình hòa thuận không có nghĩa là không cãi vã, nhưng dù có cãi vã nặng nề đến đâu cũng sẽ được hóa giải kịp thời, tránh để người thân đem những cảm xúc không tốt vào giấc ngủ.
Gia đình là một cánh đồng, bản thân mỗi người chúng ta sẽ làm chủ và quyết định rằng sẽ reo trồng gì và gặt hái gì. Gieo dịu dàng, gặt hái ấm áp; gieo cảm thông, gặt hái quan tâm; gieo bao dung, gặt hái hòa thuận.
Trúc Nhi/ Vision Times
Chồng ngoại tình, nên 'sửa chữa' hay 'từ bỏ'? Đã bao giờ chúng ta đặt câu hỏi, nếu một nửa của mình ngoại tình, liệu bản thân sẽ lựa chọn tha thứ hay từ bỏ?