Tài sản của các tỷ phú tiền mã hóa bay hơi gần 100 tỷ USD
Các tỷ phú giàu nhất thế giới tiền mã hóa đã mất tổng cộng 96 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay. Con số đó còn chưa tính đến hàng tỷ USD bị bốc hơi khỏi khối tài sản của Bankman-Fried.
Tài sản của các tỷ phú tiền mã hóa bay hơi gần 100 tỷ USD
Theo Bloomberg, tài sản của Sam Bankman-Fried đã giảm 15,6 tỷ USD cùng với sự sụp đổ của đế chế tiền mã hóa FTX. Các tỷ phú khác trong ngành đang cố chứng minh rằng họ sẽ không rơi vào tình cảnh tương tự.
Cameron Winklevoss, 41 tuổi, đồng sáng lập Gemini, đã đăng tweet nhấn mạnh rằng sàn giao dịch "không bị ảnh hưởng bởi token FTT (của FTX), Alameda hay FTX".
Brian Armstrong, 39 tuổi, CEO Coinbase Global Inc., đã đăng lại một bài viết của Washington Post hồi năm 2018. Bài báo mô tả Coinbase là "một trong những công ty đáng tin và hợp pháp", trái ngược với những hoạt động thiếu minh bạch ở "các vùng xám pháp lý tại nhiều nơi trên thế giới". FTX của Bankman-Fried có trụ sở ở Bahamas.
Changpeng “CZ” Zhao của Binance cho biết công ty của ông đang lên kế hoạch mở quỹ phục hồi tiền mã hóa. Quỹ này nhằm hỗ trợ những công ty cùng ngành đang đối mặt với khủng hoảng thanh khoản.
Ngày 10/11, Binance xác nhận sàn giao dịch này đã từ bỏ ý định mua lại FTX, nhanh như cách họ tuyên bố "vào cuộc để giải cứu FTX".
"Chúng tôi hy vọng có thể cung cấp thanh khoản cho người dùng FTX, nhưng các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát và khả năng của chúng tôi", sàn giao dịch của tỷ phú Changpeng “CZ” Zhao giải thích.
Theo Michael Novogratz, tỷ phú sáng lập Galaxy Digital Holdings, hiệu ứng gợn sóng thực sự của thảm họa FTX là niềm tin bị hủy hoại. "Do đó, người dùng sẽ rút tiền khỏi những sàn giao dịch khác", ông giải thích.
Công ty của ông đã giảm tiếp xúc với FTX ngay sau khi nhận được các cảnh báo về một vụ phá sản. Nhưng 77 triệu USD , tương đương 4% vốn của Galaxy, vẫn bị ảnh hưởng.
Vài giờ sau khi FTX nộp đơn xin bảo hộ phá sản, Novogratz cảnh báo rằng phải mất thêm vài tuần nữa, những ảnh hưởng từ bê bối này mới được thể hiện đầy đủ.
Thế giới tiền mã hóa chao đảo vì sự sụp đổ của một trong những sàn giao dịch lớn nhất. Tài sản của các tỷ phú trong ngành - từng tăng trưởng phi mã trong giai đoạn 2020-2021 - giờ đã bắt đầu bốc hơi.
Zhao, 45 tuổi, đã gia nhập danh sách tỷ phú của Bloomberg với khối tài sản trị giá 96 tỷ USD hồi tháng 1. Vị tỷ phú tiền mã hóa từng đứng ngang hàng với các nhà sáng lập của Google và người đứng sau Microsoft.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào năm 2022. Giá Bitcoin và Ether - 2 đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - lao dốc lần lượt 64% và 66%. Ngành công nghiệp lao đao vì sự sụp đổ của stablecoin thuật toán (TerraUSD), quỹ đầu cơ Three Arrows Capital và công ty cho vay Celsius.
Sự sụp đổ của FTX trở thành đòn giáng chí mạng. Dòng tiền chảy khỏi các sàn giao dịch tiền mã hóa trên toàn cầu tăng đột biến. Trong vỏn vẹn 7 ngày tính đến hôm 14/11, người dùng đã rút tổng cộng 3,7 tỷ USD Bitcoin và 2,5 tỷ USD Ether.
Theo chỉ số tỷ phú của Bloomberg, từ đầu năm đến nay, các tỷ phú tiền mã hóa đã mất tổng cộng 96 tỷ USD . Con số này chỉ tính đến những người còn trụ lại danh sách tỷ phú, và không bao gồm hàng tỷ USD bị bốc hơi khỏi khối tài sản của Bankman-Fried.
Vết thương lan rộng trong ngành công nghiệp có thể kéo tụt giá của các token. Điều này sẽ làm tài sản của Zhao, Armstrong và 2 anh em nhà Winklevoss sụt giảm hơn nữa.
"Giờ đây, thủy triều đang xuống", Mike McGlone, nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, bình luận. Ông cho rằng giá Bitcoin có thể rớt xuống 10.000 USD /đồng. "Giá sẽ phục hồi nhưng không ai biết thời điểm chính xác", vị chuyên gia nói thêm.
Hiện, giá trị tài sản ròng của Zhao ước đạt 16,9 tỷ USD , giảm 78,9 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, cặp song sinh nhà Winklevoss đã mất một nửa tài sản còn 3 tỷ USD mỗi người.
Tài sản của Armstrong và đồng sáng lập Fred Ehrsam lao dốc lần lượt 78% và 43%. Còn tỷ phú Novogratz mất 64% tài sản trong năm nay. Theo chỉ số tỷ phú của Bloomberg, ông hiện nắm giữ 1,8 tỷ USD .
Thảo Phương