Tai họa thời Lê vì phân biệt ngôi thứ

Chia sẻ Facebook
07/03/2023 18:55:07

Mặc dù chỉ có con gái, Ngọc Vinh muốn con mình sau này trở thành hoàng hậu. Để thực hiện ý định của mình, nàng tán dương Thái tử Duy Vĩ với chúa và ước ao gả Tiên Dung cho Duy Vĩ.


Trong số các vương phi của chúa Trịnh Doanh, Nguyễn Thị Ngọc Vinh là người được chúa sủng ái nhất.

Nàng là con gái Luân quận công, quê ở làng Thịnh mỹ, huyện Lôi dương (Thanh hóa).

Xuất thân từ danh gia vọng tộc, nàng không những chỉ đẹp đài các mà còn thông minh và giỏi thơ phú.

Một hôm vì ghen với một cung tần, nàng ném hộp trầu vào tình địch nhưng không may trúng chúa Trịnh. Nổi giận, chúa đuổi nàng ra khỏi phủ và giam nàng trong một dinh thự ngoài kinh thành.

Để lấy lại lòng yêu của chúa, nàng làm hai bài thơ gửi vào phủ xin lỗi chúa. Chúa đọc thơ nàng, rất cảm động nên tha lỗi cho nàng.

Chúa Trịnh. (Tranh: Public Domain)

Phân biệt ngôi thứ

Được sủng ái, Ngọc Vinh tỏ ra kiêu ngạo và tham vọng. Dân gian gọi nàng là Đức Bà Vàng.

Nàng muốn có con trai làm Thế tử để sau này nối ngôi chúa nhưng rủi cho nàng chỉ sinh được một con gái. Chúa rất yêu quý con gái nên phong cho con là Tiên Dung quận chúa. Dân gian gọi là Bà Chúa Đỏ.

Thái tử Duy Vĩ là con trưởng của vua Lê Hiển Tông, vị vua áp chót của triều Lê (có con gái út là Ngọc Hân công chúa gả cho Nguyễn Huệ).

Duy Vĩ rất thông minh tuấn tú, từ nhỏ đã tỏ ra uy nghi nhưng đối với giới sĩ phu rất lễ độ. Chúa Trịnh Doanh rất kính trọng.

Cuộc đính hôn giữa Duy Vĩ và Tiên Dung tiến hành tốt đẹp.

Chúa Trịnh Doanh có một con trai với một vương phi khác, đặt tên là Sâm. Là con trưởng, Trịnh Sâm được lập làm Thế tử.

Nhân ngày Tết, Thái tử và Thế tử cùng có mặt ở phủ đường, Chúa cho dọn tiệc để Thái tử và Thế tử cùng ngồi một mâm. Ngọc Vinh vội ngăn lại nói với chúa rằng:

– Thái tử và Thế tử tuy rằng tình thân là anh em nhưng danh phận là vua tôi, lẽ nào được ngồi cùng mâm, nên phân biệt ngồi làm hai chiếu.

Mâm của Thái tử được trải 5 lớp chiếu, mâm của Thế tử chỉ được trải 3 lớp chiếu.

Trịnh Sâm thấy thế bất mãn bỏ về. Sau đó Sâm nói với những người thân cận rằng:

– Ta với Duy Vĩ, hai người phải một sống một còn, quyết không song song cùng đứng với nhau được.

Tai họa

Tham vọng của vương phi Ngọc Vinh bỗng tiêu tan vì Tiên Dung quận chúa bị bệnh chết. Cuộc đính hôn được hủy bỏ.

Biết Trịnh Sâm giận mình, Ngọc Vinh xin chúa phong cho Sâm làm Tiết chế, coi như một ân huệ để hòa giải.

Thật ra Sâm ghen ghét Duy Vĩ hơn là hờn giận vương phi.

Năm 1767 Trịnh Doanh mất, Sâm lên nối ngôi chúa trong khi Duy Vĩ vẫn còn là Thái tử.

Sau hai năm ổn định chính sự, Sâm và cận thần là Phạm Huy Đĩnh mưu toan truất ngôi Thái tử của Duy Vĩ.

Bới lông tìm vết nhưng không truy ra được một lỗi lầm nào của Thái tử.

Cuối cùng Sâm vu cáo Thái tử tư thông với một phủ thiếp của chúa Trịnh Doanh, kết thành tội và tấu trình vua Lê, xin bắt Thái tử.

Huy Đĩnh được lệnh vào hoàng thành bắt Duy Vĩ giam vào ngục.

Kể từ Trịnh Tùng, các chúa Trịnh đều lấn át vua Lê. Vua chỉ còn danh hiệu, thực quyền đều do phủ chúa quyết định.

Vua Hiển Tông biết rõ con mình bị vu oan nhưng không thể chống lại lệnh bắt giam con mình.

Thái tử bị bắt giải về phủ chúa. Sâm bắt Thái tử bỏ mũ ra nhận tội. Không chịu bỏ mũ, Thái tử khẳng khái nói:

– Bỏ vua này lập vua khác, bạo nghịch giết vua là việc làm đã quen của tụi bay chứ ta có tội lỗi gì đâu. Việc này có sử xanh chép để ngàn đời.

Trịnh Sâm giả lệnh của vua truất Thái tử xuống thứ dân và giam vào ngục.

Chưa thỏa lòng ghen ghét người có tài đức hơn mình, Sâm muốn giết Thái tử nhưng không có cớ buộc tội.

Năm 1771, đoán biết ý Sâm, Phạm Huy Đĩnh nhờ một người đứng ra vu cáo một bọn 4 người âm mưu cướp Thái tử ra khỏi ngục. Sâm ra lệnh bắt bọn ấy để tra khảo. Bọn ấy chỉ có Vũ Bá Xưởng bị bắt còn 3 người kia trốn thoát.

Không chịu nổi đòn tra tấn, Bá Xưởng bịa đặt rằng âm mưu này do Nguyễn Lệ (bộ tướng của Trịnh Sâm) nhận lệnh từ Thái tử.

Bị thẩm cung, Nguyễn Lệ khai rằng:

– Thái tử là người nối ngôi vua của một nước. Nay không có tội mà bị giam cầm nhục nhã thì định mưu cướp Thái tử là một việc nghĩa. Nhưng thật tình tôi không biết việc ấy. Nay nếu tôi bị bức bách tra khảo để thú phục xằng bậy thì không phải là người có dũng khí. Việc không có mà nói có là bất nghĩa. Vả lại bảo việc này do Lệ này chủ mưu thì còn có lý chứ Thái tử ở trong ngục, vợ con còn không được ra vào thì Lệ này từ đâu yết kiến Thái tử để cùng mưu tính? Bây giờ chỉ có chết chứ Lệ này chẳng biết nói gì cả.

Dù bị tra tấn tàn nhẫn, Nguyễn Lệ không thay đổi lời khai. Huy Đĩnh tự ý dựng thành bản án dâng lên Trịnh Sâm.

Thi hành lệnh của Sâm, Huy Đĩnh vào ngục thắt cổ Thái tử Duy Vĩ. Nguyễn Lệ và Bá Xưởng cũng bị giết.

Các con của Thái tử là Duy Khiêm, Duy Trù và Duy Chi bị giam cầm ở ngục Đề lãnh. Duy Khiêm là con trưởng khi ấy mới 6 tuổi.

Năm 1782 lính Tam phủ (1) nổi loạn lật đổ Trịnh Cán để đưa Trịnh Khải lên ngôi chúa. Khải là con trưởng của Sâm và đã được lập làm thế tử. Sau vì Sâm chiều lòng Đặng thị Huệ (bà chúa Chè) nên truất phế Khải để lập Cán là con của Thị Huệ lên làm thế tử.

Nhân vụ nổi loạn này, 3 người con của Thái tử Duy Vĩ được lính Tam phủ giải thoát ra khỏi ngục và đưa về đoàn tụ với ông nội là vua Hiển Tông.

Cháu đích tôn Duy Khiêm đổi tên là Kỳ và được lập làm thái tử.

Năm 1786 Hiển Tông mất, Thái tử Duy Kỳ lên nối ngôi tức Chiêu Thống, vị vua cuối cùng của triều Lê.


Bùi Quý Chiến
Trích đăng từ Đặc San Lâm Viên (www.dslamvien.com)


Chú thích

(1) Lính tam phủ = lính ưu tú được tuyển từ 3 phủ ở Thanh hóa và Nghệ an, chuyên giữ an ninh cho phủ chúa Trịnh, sau vụ nổi loạn, người kinh thành gọi là Kiêu binh .


Tham khảo

Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn.

Nữ lưu văn học sử của Sở Cuồng.


Phụ đính

Hai bài thơ của bà Vương phi Nguyễn Thị Ngọc Vinh:


Tự Tình Văn (bài 1)


Trời cao muôn dặm thẳm xa,
Quảng Hàn nỡ để Hằng Nga lạnh lùng.
Tưởng nguồn cơn khéo chạnh lòng,
Trách duyên dám trách cửu trùng thắm phai.
Vả tôi kém sắc phạp tài,
Nhằm thương muôn đội lượng trời chở che.
Xét mình bồ liễu le te,
Dám rằng cù mộc dám khoe hảo cầu.
Phận thường mọn mảy nữ lưu,
Muôn mong xét biết ái ưu ghi lòng.
Sách vàng rờ rỡ đề phong,
Những mong xứng chỉ chút công báo đền.
Tuy rằng kỳ ngộ thiên duyên,
Gót đầu toàn đội ơn trên tài bồi.
Non ân bể đức bằng trời,
Muôn phần báo đáp chưa vời một ly.
Trộm xem trên cả nhân nghì,
Vậy nên áy náy bấc chì mỉa mai.
Tay đâu bưng được miệng ai,
Nắng mưa cũng tiếng mỉa mai lọ là.
Thấy chiều thưa nguyệt phai hoa,
Thừa cơ dễ khiến gièm pha nhiều điều.
Nghĩ rằng đức Thuấn nhân Nghiêu,
Chở che dù có đăm chiêu dày vò.
Chắc rằng sông núi hẹn hò,
Hay đâu bể ái chút dò cũng hao.
Đạo màu há dám rằng sao,
Canh chầy vò võ lầu cao nguyệt tà.
Tưởng khi cầm sắt khúc hoà,
Trăm năm cù mộc một nhà trúc mai.
Bây giờ tin diễn vãng lai,
Cửa ngăn dây gió nguyệt cài then sương.
Tưởng khi đầm ấm thiên hương,
Ngửa trông một nghĩa để gương muôn đời.
Bây giờ gần bén xa rời,
Một lòng khôn thở nhiều lời nể nang.
Tưởng khi lạm sánh nhà vàng,
Nghìn năm để trách một trường áng xuân.
Bây giờ cách diễn ải Tần,
Một bề trực đức chín lần khôn thâu.
Càng phen càng bối rối sầu,
Ngu trung dễ thấu nhiệm mầu thiên cơ.
Cớ chi nên nỗi sinh sơ,
Bâng khuâng lòng ước ngẩn ngơ dạ phiền.
Vì con chồi quế non Yên,
Thì chi đến nỗi nhiều phen thế này.
Nhởn nhơ song dạ khôn khuây,
Buồn xem bể nữ nước mây thêm ngừng.
Nhiều phen sấm chớp vang lừng,
Bồ hòn đã đắng thì gừng lại cay.
Nào khi giá ngự bình Tây,
Cần lao dám ngại nước mây sương hàn.
Dày êm gối biếng ngôi Càn,
Tấc gang nỡ để mấy ngàn riêng tây.
Vụng lầm vả tiếng một ngày,
Nỡ cho kẻ mọn sánh bầy rao ca.
Quản bao phận tiện dã hoa,
Nữa trong thể thống quốc gia dường nào.
Dám xin tài quyết lượng cao,
Quyền cương nỡ để tay trao kẻ ngoài.
Vững phù mạnh nước lâu dài,
Dẫu sao thì cũng là người nhà vương.
Trót đà lạm dự tào khang,
Trị bình cũng lấy tam cang làm đầu.
Ngập ngừng kể lấy sự đầu,
Bút hoa mấy chữ lệ châu đôi hàng.
Cả lòng xin trước nhà vàng,
Cây gương nhật nguyệt rỡ ràng tiêu lâm.
Nghìn năm khắc cốt minh tâm,
Kẻ nông nỗi chữ tình thâm thế cười.
Nền vương sáng rỡ giữa trời,
May nhờ hồng phúc muôn đời lâu xa.


Tự Tình Văn (bài 2)


Mon mảy muôn trông đức cửu trùng,
Trời cao đất rộng kể khôn cùng.
Trâm reo bệ ngọc còn e lệ,
Hương bén phòng tiêu luống ngại ngùng.
Đếm tóc chưa đền ơn thánh đức,
Dắt tơ nay cậy sức thiên công.
Khôn trình ước vẹn niềm trung ái,
Ngõ thoả công sau đức thuận tòng.

Chút suy ngẫm về nhà Hậu Lê và 8 đời vua bị giết


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook