Tại cuộc điện đàm thứ 5, ông Tập đe dọa Tổng thống Biden đừng “đùa với lửa”
Sáng 28/7, Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn 2 giờ. Về vấn đề Đài Loan, ông Tập Cận Bình cảnh báo ông Biden rằng “đùa với lửa ắt sẽ tự thiêu”.
Nhà Trắng cho biết, cuộc điện đàm bắt đầu lúc 8:33 (19:33 giờ Hà Nội) và kết thúc sau 2 giờ 17 phút. Đây là cuộc điện đàm thứ 5 giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ – Trung từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021.
Nhà Trắng tuyên bố, Tổng thống Biden nhấn mạnh chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi, đồng thời phản đối mạnh mẽ việc đơn phương thay đổi hiện trạng, hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên khắp eo biển Đài Loan.
Lần gần nhất lãnh đạo Mỹ – Trung điện đàm là ngày 18/3, khi ông Biden cảnh báo ông Tập không ủng hộ Nga trong “ chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Cuộc gặp video hôm thứ Năm (28/7) là điện đàm lần thứ 5 giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức. Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với ông Biden về vấn đề Đài Loan, vốn đã làm gia tăng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong những ngày gần đây do chuyến thăm dự kiến của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan.
Nếu diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Mỹ dưới thời Tổng thống Biden đến hòn đảo. Lần gần nhất một Chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan là khi ông Newt Gingrich đến hòn đảo này năm 1997.
Hai nguyên thủ cũng đã trao đổi quan điểm về cuộc khủng hoảng Ukraine, và “ông Tập Cận Bình nhắc lại quan điểm chủ đạo của Trung Quốc”, theo biên bản cuộc họp do Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington công bố.
Phía Trung Quốc cho biết, cuộc trao đổi diễn ra thẳng thắn. Tuy nhiên, ông Tập đã thúc giục Hoa Kỳ thận trọng đối với các mối quan hệ với Đài Loan, và lưu tâm đến lợi ích của Bắc Kinh trong những vấn đề họ coi là có chủ quyền.
“Những kẻ đùa giỡn với lửa ắt sẽ tự thiêu. Tôi hy vọng phía Hoa Kỳ sẽ tỉnh táo về điều này”, tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc trích dẫn lời cảnh báo của ông Tập với ông Biden qua điện thoại.
Tuyên bố không đề cập đến việc bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan, dù trước đó các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cảnh báo rằng chuyến thăm của bà Pelosi sẽ vượt qua lằn ranh đỏ về sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho mối quan hệ giữa 2 nước.
Ông Biden từ chối trả lời các câu hỏi từ phóng viên vào chiều thứ Năm (28/7) sau khi phát biểu về việc lập pháp trong nước. Trước đó, chính quyền Biden đã tuyên bố, chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan vẫn không thay đổi, và tin rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để bà Pelosi đến Đài Loan.
Trong những tuần gần đây, 2 nước đã phát sinh tranh chấp về thương mại và công nghệ, tâm thái quân sự hiếu chiến của Trung Quốc và một loạt các vấn đề trên toàn cầu.
Ông Biden dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy ông Tập phản đối viện trợ cho Nga. Gần đây, ông Biden đang xem xét loại bỏ một số thuế quan từ thời Trump đối với Trung Quốc. Đây là điều mà Bắc Kinh mong muốn. Tuy nhiên, chính quyền Biden đang bị chia rẽ về việc liệu động thái này có bù đắp được những thất bại chính trị trong nước như dự kiến hay không.
Quan chức Hoa Kỳ và chuyên gia về các vấn đề quốc tế cho biết, chuyến đi của bà Pelosi tới Đài Loan sẽ xác nhận nghi ngờ của Bắc Kinh, rằng sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan ngày càng sâu sắc. Điều này được coi là sự xúc phạm đối với ông Tập Cận Bình trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20.
Bà Bonnie Glaser, Giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marshall của Đức ở Washington, nói với Wall Street Journal (WSJ): “Đây thực sự là thời điểm quan trọng trong nền chính trị Trung Quốc.” “Nếu ông Tập Cận Bình không phản ứng mạnh mẽ trước những thách thức về chủ quyền, ông ấy có thể sẽ bị chỉ trích”.
Bà Glaser cho biết, ĐCSTQ có thể cử máy bay quân sự xâm phạm không phận Đài Loan, hoặc cố gắng can thiệp vào đường bay của chiếc máy bay quân sự Mỹ chở bà Pelosi.
Cuộc chiến Ukraine đã khiến quan hệ Trung-Mỹ trở nên phức tạp hơn. Hai ông Tập Cận Bình và Putin đã xây dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ, cùng nỗ lực làm suy yếu ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên toàn thế giới. Các quan chức Mỹ cho biết, đến nay các lệnh trừng phạt đối với Nga dường như đã ngăn Bắc Kinh cung cấp viện trợ đáng kể cho Moscow.
Bắc Kinh chú ý đến xu hướng của Quốc hội Mỹ
WSJ đưa tin, mặc dù ông Michael McCaul, một thành viên quan trọng của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, xác thực rằng bà Pelosi đã có kế hoạch tới thăm Đài Loan, nhưng bản thân bà vẫn chưa xác nhận điều này.
Một số thành viên Quốc hội và “phe diều hâu” cứng rắn trong cơ cấu an ninh đã thúc giục bà Pelosi đến Đài Loan. Họ nói rằng Bắc Kinh không được phép đặt ra các điều kiện đối với quan hệ Mỹ – Đài Loan.
Ngoài các thành viên của cả 2 đảng trong chính quyền Biden, gần đây các cựu quan chức chính quyền Trump đã đến thăm Đài Loan, gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Thomas Esper và cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Bà Glaser nói rằng nếu Đảng Cộng hòa lật ngược tình thế trong cuộc bầu cử năm 2024 ở Hoa Kỳ, điều đó sẽ khiến Bắc Kinh cảnh giác.
“Đạo luật Chính sách Đài Loan” cũng đang được Quốc hội thông qua. Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng Bắc Kinh đặc biệt lo ngại về dự luật này. Vì nó sẽ yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp vũ khí có thể ngăn chặn các cuộc tấn công của ĐCSTQ, thay vì “vũ khí phòng thủ” như hiện tại; đồng thời sẽ khiến Đài Loan có đủ điều kiện nhận số tiền hàng tỷ USD mua vũ khí và đào tạo, cũng như các đặc quyền dành cho Israel và các đồng minh thân cận khác của Hoa Kỳ.
Trong khi các quan chức Trung Quốc vẫn chỉ trích chính sách của Hoa Kỳ, thì nước này vẫn lưu ý rằng trong tháng qua, tại các cuộc họp giữa các quan chức cấp cao, giọng điệu của Trung Quốc đã mang tính xây dựng hơn.
Khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Bali, Indonesia vào tháng Bảy, ông đã cung cấp danh sách các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, gồm y tế toàn cầu, Triều Tiên và kiểm soát vũ khí.
Bình Minh (t/h)
Ông Michael McCaul nói được bà Pelosi mời cùng đến Đài Loan
Ông Michael McCaul nói với NBC News rằng bà Nancy Pelosi đã mời một nhóm nhỏ các Nghị sĩ lưỡng đảng bao gồm cả ông, đến Đài Loan cùng bà...