Tài chính khí hậu - vấn đề then chốt tại COP27

Chia sẻ Facebook
05/11/2022 21:27:39

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP27) sẽ khai mạc tại Ai Cập vào ngày 6/11.


Một trong những vấn đề nổi cộm tại COP27 chính là cam kết tài chính xanh . Theo đó, mỗi năm các nước phát triển vốn thải nhiều khí CO 2 vào khí quyển sẽ dành một khoản cam kết 100 tỷ USD dành cho các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu .

Cam kết này lẽ ra phải được thực hiện từ năm 2020 nhưng đã không đạt được. Theo tính toán cập nhật mới nhất, các nước giàu mới chỉ cam kết chi 83,3/100 tỷ USD. Các nhà kinh tế lo ngại rằng với sự giảm tốc của kinh tế thế giới, dịch bệnh COVID-19 còn dai dẳng và đặc biệt là nhiều nước đang phải quay trở lại với điện than, khí đốt…trong bối cảnh lạm phát giá năng lượng, việc cam kết hỗ trợ tài chính 100 tỷ USD sẽ khó có thể đạt được tại COP27 năm nay, mà phải chờ đợi tới 2025.

Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP) hàng năm có ý nghĩa quan trọng vì đây là nơi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau thảo luận về những vấn đề biến đổi khí hậu và cùng đưa ra hành động. Năm nay, việc huy động nguồn tài trợ để giúp các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu được kỳ vọng là chương trình nghị sự quan trọng tại Hội nghị COP27 lần này.

Hội nghị COP 27 được tổ chức tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập, dự kiến từ ngày 6-18/11/2022. (Ảnh: Reuters)

Trong đợt ngập lụt kinh hoàng tại Pakistan vào mùa hè vừa qua, 1/3 diện tích của Pakistan bị chìm trong nước, 1.700 người chết. Pakistan chịu thiệt hại kinh hoàng từ thiên tai, nhưng nước này chỉ góp 1% vào lượng khí thải toàn cầu.

Những nước dễ bị tổn thương như Pakistan đang kêu gọi các nước phát triển xả thải nhiều phải chi trả cho tổn thất họ phải chịu từ biến đổi khí hậu. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ từ đại diện của Liên Hợp Quốc.

Những người dễ bị tổn thương phải là ưu tiên hàng đầu của danh sách vì họ trực tiếp chịu tác động của biến đổi khí hậu. Pakistan đã thiệt hại hàng tỷ USD sau thảm họa lũ lụt vừa rồi. Làm thế nào để họ phục hồi? Những cơ chế nào sẽ giúp họ? Chỉ riêng nguồn lực của chính phủ Pakistan là không đủ để giúp người dân phục hồi sau một thảm họa lớn như vậy

Làm thế nào để ràng buộc các nước phát thải nhiều - tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước phát thải ít là chủ đề được quan tâm tại COP27 lần này. Đây là vấn đề được thảo luận tại hầu như mỗi hội nghị COP, nhưng các nước hy vọng COP27 sẽ đạt được bước tiến trong việc thiết lập một cơ chế chính thức.

Bên cạnh đó, các nước phát triển cũng cần hỗ trợ nhiều hơn, để giúp các quốc gia khác chuyển đổi sang công nghệ xanh. Có như vậy nỗ lực ứng phó toàn cầu với biến đổi khí hậu mới phát huy tác dụng.

Tiến sĩ Tara Shine, chuyên gia tư vấn về kinh tế và khí hậu, nhận định: "Các nước đang phát triển cần nguồn tài chính và công nghệ từ các nước phát triển để đầu tư dài hạn và cả ngắn hạn ứng phó với biến đổi khí hậu. Dòng tiền phải chảy, sự phối hợp cần phải được thực hiện. Hãy nhớ trong cuộc khủng hoảng này không quốc gia nào có thể một mình tìm ra lối thoát".

Giới quan sát kỳ vọng, COP27 sẽ cung cấp một nền tảng để triển khai các công cụ tài chính sáng tạo, có thể thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu ở nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới.

COP27 sẽ thống nhất hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu COP27 - hội nghị thường niên lần thứ 27 của Liên Hợp Quốc về khí hậu sẽ khai mạc tại Ai Cập vào Chủ nhật tuần này.

Chia sẻ Facebook