Tái chế tận lực như người Ấn: Bã mía làm bát, đầu lọc thuốc lá nhồi gấu bông, hoa cúng thành hương cúng

Chia sẻ Facebook
15/10/2022 12:10:42

Bã mía, thuốc lá, hoa cúng bỏ đi đều ‘ra tiền’ được


Bã mía biến thành hộp cơm


Ấn Độ là nhà sản xuất đường lớn thứ hai thế giới với sản lượng hơn 25 triệu tấn mét trong năm 2020. Đến mùa, nhà máy đường KM ở Ấn lại cho ra 3.500 tấn bã mía mỗi ngày.


Công ty Yash Pakka hơn bốn mươi năm nay đã sản xuất giấy từ bã mía. Nhận ra rằng bột bã mía có thể được ép khuôn thành nhiều sản phẩm khác nhau, từ năm 2017 họ bắt đầu sản xuất hộp cơm dùng một lần mang thương hiệu Chuk. Mỗi năm, Ấn Độ tạo ra 3,5 triệu tấn rác thải nhựa. Dây chuyền tái chế này nhằm phần nào thay thế lượng rác ấy bằng những sản phẩm phân hủy được.

Những xe tải chở bã mía tới nơi tái chế


Công ty bố trí cơ sở gần các nông trường mía và nhà máy đường để tiết kiệm chi phí cũng như giảm thải các-bon. Khi mía vào mùa, mỗi ngày có đến một trăm xe tải chở bã mía tới nhà máy. Mỗi xe mất hai tiếng để dỡ. Họ phải làm ẩm bã mía để giữ cho sợi xơ được dai. Sau đó công nhân sẽ rửa sạch và tiến hành đun áp suất. Tiếp theo, họ dùng dung dịch có tính kiềm để rửa trôi bớt độ dính, từ đó mới đem đi đóng khuôn được. Bã mía được rửa lại lần nữa để loại bỏ hóa chất còn sót lại trước khi được phân tới các khuôn ép khác nhau, từ đó tạo hình và ép ra hết nước. Mỗi ngày, nhà máy có thể cho ra đời một triệu sản phẩm.

Hộp cơm ép từ bã mía


Các công ty khác trên thị trường thường tẩy trắng hoàn toàn sản phẩm vì thị hiếu của người Ấn Độ. Nhưng Yash Pakka thì kiên quyết trung thành với tiêu chí thân thiện với môi trường và tránh xa hóa chất càng nhiều càng tốt. Công ty còn đóng gói sản phẩm bằng túi tinh bột phân hủy được thay vì túi ni lông.


Hương từ hoa cúng


Mỗi ngày, trước cửa các đền thờ, có hàng triệu tín đồ đạo Hindu thả hoa xuống sông Hằng để bày tỏ lòng thành. Hoa này dùng trong nghi lễ nên nếu vớt lên bỏ lại vào thùng rác sẽ bị coi là 'bất kính'. Cứ thế, ngày nào cũng có hơn một nghìn tấn hoa được thả xuống sông. Chưa kể nhiều loại còn chứa các hóa chất có hại như thạch tín, chì, cadmi hay thuốc trừ sâu.

Số hoa này rồi sẽ được thả xuống sông Hằng

Công ty Phool của Ấn Độ nhìn ra tiềm năng kinh tế từ nguồn hoa này. Tại thành phố Kanpur nằm cạnh sông Hằng, công ty thu gom hoa cúng trôi sông bằng mười chín chuyến xe mỗi ngày. Tại cơ sở tái chế, họ cân và tách hoa khỏi các thành phần khác như chỉ xâu, vải và ni lông. Thợ phân loại hoa bằng màu sắc và chỉ giữ lại cánh hoa để làm hương. Đài và cuống sẽ được chuyển đi sản xuất phân hữu cơ. Họ rải cánh hoa lên các tấm bạt lớn để phơi, sau đó sẽ nghiền thành bột, nhào nặn thủ công với nước và tinh dầu. Khi hỗn hợp đã có độ dẻo như đất sét, công nhân lăn đều vào que để làm thành hương. Mỗi tiếng đồng hồ, nhà máy sản xuất được bốn trăm nén.

Thợ lựa hoa thủ công và phân loại theo màu


Trên thị trường, hương thường chứa thành phần là than. Nhưng đốt than sẽ thải ra lưu huỳnh dioxit và các hóa chất xy-len rất độc. Do vậy, việc tái chế hoa cúng thành hương, cũng lại là một sản phẩm tín ngưỡng quan trọng, không những tránh được tiếng 'bất kính' mà còn giải quyết được cùng một lúc nhiều vấn đề môi trường khác.

Những nén hương là sản phẩm cuối cùng của quy trình này


Nhồi gấu bông bằng đầu thuốc lá


Không khí ở Ấn Độ đang bị ô nhiễm, nhưng nhiều người vẫn không bỏ được thói quen hút thuốc. Mỗi năm, người dân nơi đây vứt ra đường đầu lọc của 4,5 nghìn tỉ điếu thuốc. Người ta tưởng rằng đầu thuốc lá là bông nên phân hủy được. Nhưng thật ra chúng là những mẩu nhựa khó phân hủy, được tẩm formaldehyde, nicotine và hàng đống hóa chất khác.


Công ty Code Effort ở thành phố Noida phía bắc Ấn Độ đang tái chế vô cùng hiệu quả loại rác thải đâu đâu cũng gặp này. Công ty có một mạng lưới thu thập đầu thuốc lá trên các con phố ở Noida với giá 300 rupee mỗi cân, tương đương với khoảng 90.000 đồng Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Công ty chở đầu thuốc lá đến cơ sở tái chế để phân tách đầu lọc, giấy bọc và lá thuốc. Mỗi tháng, công nhân dùng máy dò kim loại quét khoảng bảy triệu đầu thuốc lá để chắc chắn rằng không có tạp chất gây nguy hiểm lẫn vào.

Đầu thuốc lá được gom lại để tái chế


Phần lá thuốc được chuyển đến các trang trại gần đó để phân hủy. Giấy thì được xay thành bột, xử lý bằng chất kết dính hữu cơ, đóng khuôn, phơi khô, cắt, đóng gói và bán online hay ở các cửa hàng lân cận. Loại giấy này còn tồn lưu nicotine nên khi đốt sẽ có tác dụng xua đuổi muỗi. Loại hương muỗi tái chế này được đặt cho nhãn hiệu là NMOSQ.

Giấy bọc đầu thuốc lá được tái chế thành hương muỗi dạng tấm


Phần sợi nhựa từ đầu lọc thì được đưa vào máy nghiền rồi ngâm trong hóa chất khử trùng trong 24 giờ để trông giống như bông. Hóa chất này là bí mật thương mại nhưng đã được chứng nhận độc lập là an toàn. Loại bông này sau đó được dùng để nhồi thú bông, gối và bán ra thị trường.

'Bông' từ đầu lọc dùng để nhồi gấu


Sneaker 'hóa thân' từ ni lông và chai nhựa


Công ty ThaelyTex chuyên sản xuất giày sneaker từ rác thải ni lông và nhựa. Mỗi đôi giày được làm từ mười chiếc túi ni lông và mười hai chai nhựa. Người ta rửa túi ni lông bằng nước nóng, không pha bất cứ hóa chất nào. Sau đó, họ chồng các tấm ni lông lên nhau rồi ép nhiệt. Đây sẽ là nguyên liệu làm vỏ giày và được chuyển đến nhà máy giày Nitush.

ThaelyTex là các tấm nguyên liệu được ép nhiệt từ nhiều lớp ni lông

Tại đây, các tấm nhựa ThealyTex sẽ được cắt theo khuôn. Các chi tiết khác được cắt từ vải rPET, một loại vải dệt từ nhựa tái chế. Thợ sẽ làm phần thân giày từ hai nguyên liệu trên. Đế giày được làm từ cao su công nghiệp vụn, được mài thô để ăn keo hơn. Thân và đế được gắn vào với nhau rồi đem chiếu dưới một loại tia UV đặc biệt và xử lý nhiệt để thêm phần kết dính. Dây giày cũng được làm từ nhựa tái chế.

Lookbook sản phẩm giày Thaely


Mỗi đôi giày có giá khoảng 100 đô la Mỹ (khoảng 2,5 triệu đồng Việt Nam ở thời điểm hiện tại), có thể vận chuyển toàn cầu.


Tham khảo từ: Business Insider


Thùy An

Chia sẻ Facebook