Tái cấu trúc ngành thang máy bắt đầu từ chuẩn hóa nhân lực
Với 10.000 thang máy được lắp đặt mỗi năm, thị trường Việt Nam đã cho thấy dư địa về sản phẩm này là rất lớn.
Ngành công nghiệp thang máy đang có rất nhiều tiềm năng và động lực phát triển. Nhưng vấn đề đặt ra là lực lượng lao động phải được đào tạo như thế nào để đáp ứng sự phát triển của ngành thang máy trong thời gian tới?
Dư địa rộng lớn
ASEAN là thị trường đầy năng động của ngành thang máy. Theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc, dân số của 11 quốc gia Đông Nam Á là hơn 681.300.000 người (Cập nhật đến tháng 6/2022), chiếm 8,57% dân số thế giới. Tốc độ phát triển kinh tế tương đối đồng đều, ổn định của các quốc gia trong khối đã tạo nên một bức tranh lạc quan cho ngành bất động sản. Các tòa nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, trực tiếp kích thích sự phát triển nóng của ngành công nghiệp thang máy, cả ở mặt sản xuất lẫn tiêu dùng.
Các số liệu thống kê cho thấy, từ đầu thế kỷ XXI đến nay thì nhu cầu thang máy của loài người tăng bình quân 5,9%/năm.
Năm 2020, tổng giá trị các sản phẩm thang máy được sản xuất mới và đưa vào sử dụng trên toàn thế giới đạt mức 128 tỷ đô la Mỹ (khoảng 3 triệu tỷ đồng). Dự đoán đến năm 2027, quy mô thị trường thang máy thế giới sẽ không ngừng được mở rộng với hơn 1 triệu sản phẩm mới/năm, đưa số thang máy được sử dụng trên thoàn thế giới lên con số 24 triệu chiếc và đem lại nguồn doanh thu khổng lồ cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, lắp đặt và các dịch vụ bảo trì.
Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Nhu cầu lắp đặt thang máy và thang cuốn cũng từ đó tăng cao, đưa đất nước chúng ta trở thành một thị trường đầy tiềm năng. Sau thời gian đầu chỉ đóng vai trò là các công xưởng sản xuất cho các thương hiệu đến từ Đông Á hay châu Âu thì khoảng chục năm trở lại đây, các doanh nghiệp sản xuất thang máy trong nước bắt đầu trỗi dậy, chiếm lĩnh phân khúc riêng và không ngừng tăng trưởng.
Tháng 11/2014, Việt Nam chính thức công bố đưa sản phẩm thang máy vào danh mục Các mặt hàng đã sản xuất được trong nước. Sau hơn 7 năm từ thời điểm này, lĩnh vực thang máy đã có nhiều bước phát triển ấn tượng. Năng lực sản xuất và cung cấp dịch vụ từng bước được cải thiện theo đánh giá của các chuyên gia trong khu vực. Mỗi năm, chúng ta lắp đặt thang mới với số lượng vào khoảng 10.000 chiếc. Con số này cho thấy Việt Nam là mảnh đất đầy hấp dẫn trong lĩnh vực thang máy.
Những thách thức đáng kể
Theo thống kê, hiện nay ở Việt Nam có khoảng hơn 300 công ty hoạt động trong lĩnh vực thang máy bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài (đa phần làm thương mại) và doanh nghiệp trong nước (nhập khẩu thang máy nguyên chiếc; tự sản xuất, lắp ráp). Những doanh nghiệp ngoại có nhiều lợi thế về vốn, chiến lược Marketing, kỹ năng quản trị và các mục tiêu bền vững. Sản phẩm thang máy nhập khẩu do họ phân phối có một số ưu điểm như chất lượng được kiểm soát chặt chẽ, thương hiệu mạnh, mẫu mã đa dạng, công nghệ tiên tiến hiện đại, tính đồng bộ cao… nên thường được ưu ái lựa chọn cho các công trình lớn và trọng điểm.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thang máy trong nước thường bị hạn chế về nguồn vốn (kể cả việc tiếp cận vốn ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn), sản xuất manh mún, chạy theo lợi nhuận ngắn hạn và công nghiệp phụ trợ rất yếu. Điều này dẫn tới việc doanh nghiệp nội vẫn loay hoay với bài toán nội địa hoá để giảm giá thành sản phẩm, chạy theo cuộc cạnh tranh bằng giá (Price competition). Sản phẩm thang máy nội chưa đa dạng, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng bởi những nghi ngại về chất lượng…
Những sản phẩm thang máy được sản xuất trong nước của chúng ta đa phần không được đánh giá cao về chất lượng. Nhân lực ngành không có một chuẩn đào tạo mà đang mạnh ai nấy làm tại các doanh nghiệp. Niềm tin của khách hàng đối với thang máy Việt vẫn ở ngưỡng…khiêm tốn. Nếu những điều này không được cải thiện thì cộng đồng các doanh nghiệp thang máy và phụ trợ cho ngành thang máy vẫn sẽ rời rạc, thiếu tính kết nối, tạo ra nguy cơ kìm hãm sự phát triển của ngành thang máy và có thể khiến chúng ta thua ngay trên sân nhà.
Để giải quyết những thách thức và mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp thang máy Việt Nam, chúng ta cần phải làm gì?
Giải quyết những vấn đề trọng tâm.
Thứ nhất là việc xây dựng các hàng rào phi thuế quan, bảo hộ được sản xuất trong nước cũng như bảo vệ người tiêu dùng nội địa. Nó tạo điều kiện để sản xuất trong nước không bị lép vế trước sản phẩm ngoại.
Thứ hai, cần chính sách cho công nghiệp phụ trợ ngành thang máy, được coi như xương sống của ngành. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thang máy sản xuất trong nước.
Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời kết nối sản xuất trong nước với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ tư, cần những chính sách minh bạch để sản xuất trong nước gắn kết thực sự với mua sắm công. Trong suốt quãng thời gian qua, sản phẩm thang máy trong nước đang phải đứng ngoài cuộc chơi vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan, thiệt thòi cho sản phẩm thang máy nội.
Để giải quyết 4 vấn đề cơ bản này, trước hết chúng ta phải tạo ra "bệ đỡ" bằng việc Quy chuẩn hóa sản phẩm và Tiêu chuẩn hóa con người. Từ đó hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu quốc gia, sản xuất thang máy chất lượng không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.
Hội thảo "Nâng cao chất lượng nhân lực ngành thang máy Việt Nam" sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào sáng ngày 13/7 tới đây tại Hà Nội. Đây sẽ là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, đại diện tổ chức người lao động bàn luận về tính cấp thiết của việc nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành thang máy. Trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia ngành thang máy, làm tiền đề chuẩn hóa các chương trình đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp,…