Tác hại tiềm ẩn từ thói quen đi tiểu khi tắm

Chia sẻ Facebook
26/04/2022 15:04:28

Đi tiểu trong khi tắm là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên không phải ai cũng biết thói quen này có thể dẫn đến những tác động xấu đối với cơ thể.


Một cuộc khảo sát của Angie's List cho thấy, có đến 80% người đi tiểu trong khi tắm, trang Shape thông tin. Thế nhưng, thói quen này có thể khiến bạn gặp rắc rối về sau. Theo Tips-and-tricks , dưới đây là những tác hại khôn lường khi bạn đi tiểu trong khi tắm.

Kiểm soát bàng quang kém đi

Việc thường xuyên đi tiểu dưới vòi hoa sen có thể khiến bạn cảm thấy mình cần đi tiểu mỗi khi nghe thấy tiếng nước chảy.

Theo đó, nếu bạn đi tiểu khi mở vòi sen, hoặc ngay cả ngồi tiểu trên bồn cầu trong khi mở vòi nước hoặc mở nước vòi sen, bạn đang tạo ra một mối liên kết trong não giữa tiếng nước chảy và việc đi tiểu, bác sĩ Alicia Jeffrey Thomas, tiến sĩ vật lý trị liệu, thành viên Hiệp hội Vật lý trị liệu Mỹ, giải thích.

Theo tiến sĩ Jeffrey Thomas, điều này có liên quan đến phản xạ có điều kiện. Bàng quang dựa vào các tín hiệu mà nó nhận được - từ sự căng giãn của thành bàng quang khi bàng quang đầy nước, cũng như các tín hiệu từ não cho nó biết khi nào cần co lại để đi tiểu.

Sự liên kết tiếng nước chảy hoặc việc ngâm mình trong nước với việc đi tiểu, có thể khiến cho tiếng nước chảy - như vòi nước rửa tay hoặc vòi nước rửa chén hoặc khi bạn đang ở trong nước - kích hoạt phản xạ đi tiểu. Không phải tất cả mọi người đều gặp vấn đề trên, nhưng một số người có thể rơi vào tình thế khó xử do phản xạ có điều kiện này.

Nhà vật lý trị liệu vùng chậu Ylenia Degli Esposti giải thích thêm, không nên bật vòi nước để cố gắng làm cho mình muốn đi tiểu. Điều này có ảnh hưởng đến não và bàng quang. Ngoài ra, việc đi tiểu dưới vòi hoa sen hàng ngày có thể dẫn đến tổn thương thần kinh và dẫn đến việc kiểm soát bàng quang kém đi.

Tư thế đi tiểu đứng không tốt cho xương chậu

Cơ xương chậu chỉ thực sự thư giãn khi ngồi xuống. Điều này làm bàng quang rỗng hoàn toàn khi tiểu xong.


Lý giải này đặc biệt đúng đối với phụ nữ vì cấu trúc giải phẫu của nam giới cho phép họ đi tiểu dễ dàng hơn khi đứng. Tuy nhiên họ cũng nên đi tiểu khi ngồi xuống.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Như đã nói ở trên, bàng quang chỉ thực sự rỗng khi đi tiểu ngồi. Điều này cực kỳ quan trọng để giảm nguy cơ mắc các vấn đề về bàng quang.

Nếu bàng quang không rỗng hoàn toàn có thể dẫn đến nhiễm trùng bàng quang vì không thải hết vi khuẩn ra ngoài. Những vi khuẩn này có thể ở lại bàng quang và gây nhiễm trùng đường tiết niệu.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook