Tác hại khôn lường khi sử dụng điện thoại lâu trong nhà vệ sinh
Sử dụng điện thoại lâu trong nhà vệ sinh sẽ khiến cơ thể không thể tập trung vào việc đi tiêu. Kết quả là bạn có thể mắc bệnh trĩ, táo bón, viêm da.
Hiện nay có rất nhiều người sử dụng điện thoại lâu trong nhà vệ sinh mà không ý thức được thói quen này sẽ mang đến rất nhiều tác hại cho sức khỏe.
Theo hai cuộc khảo sát về thói quen sử dụng điện thoại di động, cứ 10 người Mỹ thì có 7 người sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh.
Theo kết quả từ cuộc khảo sát của NordVPN từ tháng 3 năm 2022, 70,8% người Mỹ thừa nhận họ có sử dụng điện thoại thông minh khi đi vệ sinh. Vào tháng 6 năm 2021, cuộc khảo sát người tiêu dùng do Vioguard, Inc. (công ty vệ sinh thiết bị UV-C có trụ sở tại Washington) thực hiện cho thấy kết quả 73% người Mỹ sử dụng điện thoại khi đi vệ sinh. Nếu chỉ tính những người tham gia khảo sát ở độ tuổi từ 18 đến 29 thì con số này tăng lên 93%.
Tiến sĩ Aleece Fosnight (bác sĩ tiết niệu tại Aeroflow Urology) cho biết điện thoại và các thiết bị giải trí tương tự có thể mang đến cho người đi vệ sinh khoảng thời thư giãn thoải mái nhưng đồng thời cũng khiến cơ thể mất nhiều thời gian hơn để bài tiết chất thải. Hiểu một cách đơn giản, sử dụng điện thoại khiến não của bạn không tập trung vào mục đích chính – đi vệ sinh.
Đi vệ sinh lâu có thể gây ra bệnh trĩ và táo bón
Theo tiến sĩ Fosnight, thường xuyên ngồi lâu trong nhà vệ sinh có thể khiến các cơ quan vùng chậu phải chịu áp lực quá mức, dẫn đến bệnh trĩ, rối loạn chức năng bài tiết và nguy cơ sa tử cung. Tiến sĩ cũng nói thêm rằng ngồi toilet lâu có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ, sưng tĩnh mạch hoặc sưng nhóm tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn.
“Vì bệ toilet có một cái lỗ lớn nên phần đáy của xương chậu sẽ không có điểm tựa, kết quả là trực tràng phải hạ xuống thấp hơn cơ mông. Khi quá trình này xảy ra, trọng lực tác động xuống và máu bắt đầu tích tụ ở phần thấp nhất của cơ thể – trực tràng. Khi máu tụ lại ở khu vực này, các mạch máu giãn ra và hình thành các cục máu đông, đây chính là lúc bạn bước vào giai đoạn đầu của bệnh trĩ”, tiến sĩ Fosnight giải thích.
Nếu bạn vốn đã mắc bệnh trĩ mà vẫn thường ngồi lâu trong nhà vệ sinh thì tình trạng bệnh sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, ngồi toilet lâu còn làm bạn bị táo bón. Khi bạn không tập trung vào nhu cầu đi tiêu, bạn không thể thư giãn cơ vòng trực tràng, dẫn đến kết quả là chất thải bị nghẽn lại do không có đường ra. Áp lực sẽ tăng lên ở các mấu lồi của cơ thể (như phần xương hình chữ V ở đáy xương chậu), dẫn đến tình trạng tê bộ phận sinh dục, chân, bàn chân (sẽ tệ hơn nếu bàn chân của bạn không chạm tới sàn).
Sinh ra các vấn đề về cơ xương
Tiến sĩ Grant Radermacher (bác sĩ chỉnh hình tại Ascent Chiropractic có trụ sở tại Brookfield, Wisconsin) nói với Fox News Digital rằng ngồi lâu trong phòng tắm có thể gây tổn hại cho cơ, xương, khớp và mô liên kết. Ngồi trong thời gian dài có thể khiến bạn đau vùng mông hoặc xương chậu.
“Tình trạng như vậy được gọi là viêm bao hoạt dịch ụ ngồi. Ischium (ụ ngồi) chịu phần lớn trọng lượng của bạn khi bạn ngồi xuống và ngồi trên bồn cầu cứng sẽ gây áp lực trực tiếp lên chúng, khiến chúng bị kích thích và sưng tấy. Những người bị viêm bao hoạt dịch ụ ngồi thường bị đau cục bộ ở đùi trên và mông dưới, khó duỗi hông, đôi khi cơn đau sẽ lan xuống chân”, tiến sĩ Grant Radermacher cho biết.
Ông cho biết, những người bị viêm bao hoạt dịch ụ ngồi có thể làm dịu sự khó chịu bằng cách sử dụng nước đá, uống thuốc chống viêm không steroid và hạn chế thời gian đi vệ sinh.
Bạn có thể bạn kích ứng da
Thường xuyên ngồi trên bệ toilet trong thời gian dài có thể gây kích ứng da. Bác sĩ da liễu Erum N. Ilyas nói với Fox News Digital rằng bệ ngồi làm bằng nhựa và bằng gỗ là nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc – tình trạng phát ban ngứa xảy ra khi da tiếp xúc trực tiếp với chất kích thích hoặc chất gây dị ứng. Phát ban thường xảy ra dọc theo mông và đùi sau nếu bồn cầu là nguồn gây viêm da tiếp xúc.
“Các chất tẩy rửa và các sản phẩm được sử dụng trên bệ ngồi bồn cầu có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc kích ứng của bạn. Nếu bạn tiếp xúc lâu với bệ, dư lượng còn sót lại trên đó có thể phá vỡ kết cấu da khiến bạn bị kích ứng đáng kể”, bác sĩ Ilyas nói.
Vậy chúng ta nên đi vệ sinh trong bao lâu?
Các chuyên gia không thể đưa cho chúng ta một con số cụ thể, nhưng hầu hết họ đều nhất trí rằng mọi người chỉ nên ngồi trong nhà vệ sinh vài phút. Tiến sĩ Fosnight nói với Fox News Digital rằng mọi người không nên vội vã đi vệ sinh vì làm như vậy có thể gây rối loạn chức năng bài tiết (tức là sau này bạn có thể sẽ thường xuyên thấy cảm giác cấp bách phải đi vệ sinh và tần suất đi cũng tăng lên). Tiến sĩ khuyên chúng ta nên giới hạn thời gian đi vệ sinh không quá 8 đến 10 phút. Bạn cũng nên tiêu thụ thêm chất xơ, uống nước, thực hành các kỹ thuật thở bằng bụng để có thể đi tiêu dễ dàng, không cần phải rặn.
Tiến sĩ Michael Valente (bác sĩ phẫu thuật đại trực tràng tại Phòng khám Cleveland) thì cho rằng thời gian tối đa chúng ta nên ở trong nhà vệ sinh là 5 phút. Ông khuyên mọi người không nên mang theo thiết bị di động hay sách báo vào nhà vệ sinh để cơ thể có thể đi tiêu mà không bị phân tâm.
Tiến sĩ Maria Alexies Samonte (bác sĩ nhi khoa được hội đồng chứng nhận ở Scranton, Pennsylvania) nói rằng thời gian đi vệ sinh chỉ nên giới hạn trong 10 phút, đặc biệt đối với trẻ nhỏ đang ngồi bô.
Minh Minh/ Theo FoxNews
Khi chơi điện thoại di động vào ban đêm, hãy chú ý 6 điều này
Nghịch điện thoại di động bị ảnh hưởng bức xạ, tuy nhỏ nhưng khi tích tụ lâu ngày sẽ có thể kích thích lên hệ thần kinh, đặc biệt là đôi mắt.