Tác hại khôn lường của việc ăn quá nhanh
Ăn quá nhanh không chỉ dẫn đến tăng cân, mà còn có thể gây ra các bệnh như tim mạch, dạ dày và tiểu đường.
Béo phì
Việc ăn nhanh làm tăng nguy cơ béo phì do cơ thể sẽ ngừng tiết hormone có nhiệm vụ thông báo lên não khi dạ dày đã cảm thấy no. Cảm giác no ở dạ dày phải mất 20 phút mới được thông tin đầy đủ đến não. Nếu ăn nhanh, rất dễ xảy ra tình huống là ăn nhiều thức ăn hơn mức cần thiết trước khi nhận ra là mình đã no, sau đó thấy quá no không thể kiểm soát được lượng thức ăn vào cơ thể.
Tiểu đường
Theo các nhà nghiên cứu, tốc độ ăn đã ảnh hưởng đến một số hoạt động của não bộ. Khi con người ăn quá nhanh, cơ thể đã nạp đủ lượng cần thiết nhưng bộ não chưa kịp ghi nhận và phát tín hiệu “đã no” khiến vẫn còn cảm giác muốn ăn và sẽ ăn quá nhiều.
Quan trọng hơn, việc nạp nhanh một lượng thực phẩm sẽ làm biến đổi nồng độ glucose trong máu đột ngột, lâu ngày dẫn đến phản ứng đề kháng insulin chính là lý do gây ra tiểu đường. Vì thế, hãy tìm lại thói quen thư thả tận hưởng những bữa ăn ngon lành và đủ dinh dưỡng.
Hội chứng chuyển hóa
Hội chứng chuyển hóa dùng để chỉ những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim, tim mạch và tiểu đường. Việc ăn quá nhanh lâu ngày có thể dẫn đến phản ứng đề kháng insulin và đây là nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng này.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy những người có tốc độ ăn nhanh dễ có vòng eo lớn và mức độ cholesterol máu cao. Đây cũng là những biểu hiện của hội chứng chuyển hóa.
Viêm dạ dày
Ăn nhanh, ăn vội vàng, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân gây bệnh dạ dày.
Đối với một số thức ăn có nhiều dầu mỡ hoặc cứng, khi con người ăn nhanh và nhai không kỹ khiến dạ dày không thể nghiền nát chúng, như thế sẽ ảnh hưởng đến sự tiêu hóa thức ăn. Điều này không chỉ làm lãng phí chất dinh dưỡng trong thức ăn mà còn làm đau dạ dày.
Ngoài ra, “ăn nhanh” còn dẫn đến ăn quá nhiều và việc này sẽ khiến thức ăn đọng lại trong dạ dày lâu hơn, do đó niêm mạc dạ dày tiếp xúc nhiều hơn với axit dịch vị và từ đó, gây ra các bệnh dạ dày.
Nghẹn
Ăn nhanh, nhai không kỹ khiến cho thức ăn chưa được nghiền nát hoặc chưa thực sự nhỏ, đặc biệt là các loại đồ ăn đặc, nhầy, dai và dính. Phản xạ co bóp nhịp nhàng của thực quản bị rối loạn làm cho thức ăn tạm thời dừng chuyển động gây nên nghẹn.
Vậy nên hãy cố gắng để kiểm soát tốc độ ăn uống của mình. Làm theo những lời khuyên dưới đây để giúp ăn chậm, nhai kỹ: Dùng đũa để gắp thức ăn; Ngồi thẳng, hít thở chậm và sâu khi ăn; Chỉ tập trung cho việc ăn uống, loại bỏ buồn phiền; Dành không gian riêng chỉ để ăn uống; Tự nấu nướng để nâng cao chất lượng bữa ăn hơn.
Duy Phương (theo Clean Eating )