Tác động từ quyết định nâng lãi suất của FED
Việc FED tăng lãi suất 0,75 điểm % lần thứ ba liên tiếp được dự báo sẽ khiến nền kinh tế Mỹ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới.
FED kiên quyết hành động để ngăn lạm phát
Cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã kết thúc với kết quả đúng như dự báo trước đó của thị trường. Tất cả các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của FED đã đồng ý với mức tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, nhằm ứng phó với đà tăng mạnh của lạm phát. Từ chỗ đứng ở mức gần 0 cách đây 6 tháng, các mức lãi suất tại Mỹ sau đợt điều chỉnh mới, sẽ dao động trong biên độ từ 3,0% đến 3,25% - mức cao nhất kể từ năm 2008.
Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp của Mỹ trong năm nay, đồng thời cũng là lần thứ 3 liên tiếp FED tăng lãi suất với mức 0,75 điểm %. Biện pháp này đánh dấu tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất kể từ khi FED bắt đầu sử dụng lãi suất cơ bản làm công cụ chính sách chủ chốt hồi đầu những năm 1990.
Tuyên bố của FED cho biết, trong cuộc họp vừa diễn ra, giới chức FOMC đã đi đến kết luận rằng không thể mạo hiểm để lạm phát tiếp tục leo thang, gây tổn hại đến người lao động và doanh nghiệp. Lạm phát tại Mỹ hiện đang gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 40 năm qua. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8/2022 đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,1% so với tháng trước.
Phát biểu trong buổi họp báo diễn ra sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, "Việc khôi phục sự ổn định về giá cả có thể đòi hỏi phải duy trì lập trường chính sách trong một thời gian. Lịch sử đã có nhiều bài học về việc nới lỏng chính sách quá sớm. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang sẽ hành động quyết liệt để giảm tỷ lệ lạm phát về mức mục tiêu 2% và sẽ giữ lãi suất ở mức cao cho đến khi mục tiêu này hoàn tất".
Ngoài ra, FED cũng hạ thấp đáng kể các dự báo về tăng trưởng kinh tế, theo đó, nền kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 1,7% trong năm 2022, giảm 0,2 điểm % so với dự báo được đưa ra hồi tháng 6 vừa qua. Tỷ lệ lạm phát vào cuối năm được dự kiến vẫn ở mức cao (5,4%), trước khi giảm xuống gần mức bình thường trong năm 2022.
Về khả năng tăng lãi suất trong tương lai, các quan chức FED đã nhấn mạnh về mức tăng thêm 0,75 điểm % và 0,5 điểm % tại 2 cuộc họp còn lại trong năm. Tuy vậy, mọi động thái tăng lãi suất đều sẽ phụ thuộc vào những diễn biến của nền kinh tế. Các dự báo cũng cho thấy lãi suất sẽ tăng nhẹ trong năm 2022, trước khi giảm xuống vào năm 2024.
Những rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ
Động thái nâng lãi suất quyết liệt của FED được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về việc ngân hàng trung ương này đang khiến nền kinh tế Mỹ giảm tốc quá nhanh và giới doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình sẽ sớm phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ quyết định này.
Cho đến nay, thị trường việc làm và chi tiêu tiêu dùng - hai động lực quan trọng của nền kinh tế Mỹ vẫn phục hồi tốt, bất chấp các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của FED. Thị trường lao động đã ghi nhận thêm 315 nghìn việc làm mới trong tháng 8, một điểm sáng trong nền kinh tế vốn vừa phải trải qua hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Tuy nhiên, điều này được dự báo sẽ sớm thay đổi.
Theo trang Politico, động thái tăng lãi suất của FED được thiết kế để loại bỏ lạm phát, nhưng nó đồng thời cũng sẽ loại bỏ tăng trưởng kinh tế và việc làm của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Janelle Jones – cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Bộ Lao động Mỹ cho biết, "Ngày hôm nay, FED đã quyết định mạo hiểm đánh cược rất nhiều việc làm để tiến hành cuộc chiến chống lạm phát. Việc nâng lãi suất và đẩy nền kinh tế vào nguy cơ suy thoái, sẽ khiến hàng triệu lao động đối mặt với khả năng mất việc làm hoặc bị cắt giảm lương".
Trên thực tế, các dự báo kinh tế mới được công bố vào chiều 21/9 dẫn dự báo từ giới chức Mỹ đã nhận định tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế Mỹ, hiện ở mức 3,7%, sẽ tăng lên mức 3,8% vào cuối năm nay, trước khi tiếp tục tăng lên mức 4,4% vào cuối năm 2023. Cần lưu ý, việc tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm 0,5 điểm % sẽ là tín hiệu cảnh báo về một cuộc suy thoái kinh tế diễn ra ngay sau đó.
Trong một ghi chú mới đây, Joe Brusuelas – chuyên gia kinh tế trưởng tại RSM đã đưa ra những nhận định bi quan hơn về thị trường việc làm. Ông ước tính, nếu lạm phát giảm xuống 3% - vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của FED, tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 4,7% và khiến 1,7 triệu người mất việc làm. "Để đưa tỷ lệ lạm phát trở lại mức 2%, số người mất việc có thể lên trên 5,3 triệu, và dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp là 6,7%". Brusuelas kết luận.
Thị trường bất động sản cũng đang chịu tác động lớn từ các động thái của FED. Doanh số bán nhà sẵn có tại Mỹ trong tháng 8 đã ghi nhận tháng giảm thứ 7 liên tiếp, trong bối cảnh lãi suất vay thế chấp tăng cao, khiến nhiều người mua nhà tiềm năng buộc phải rời khỏi thị trường. Chuyên gia kinh tế Daniel Vielhaber tại công ty Nationwide cho biết, "Thị trường nhà đất là lĩnh vực nhạy cảm nhất đối với các chính sách lãi suất của FED. Mục tiêu giảm nhu cầu thị trường của FED bằng cách tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đầu tiên tới doanh số bán nhà".
Trong tuyên bố của mình, chính Chủ tịch FED Jerome Powell cũng thừa nhận, khả năng kinh tế Mỹ suy thoái là điều hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là khi FED tiếp tục phải hành động quyết liệt. "Không ai biết, liệu quá trình này có dẫn tới suy thoái kinh tế hay không, và nếu có, mức độ nghiêm trọng của cuộc suy thoái đó sẽ lớn tới đâu".
Trước đó, hôm 11/9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đánh giá nền kinh tế nước này đang đối mặt với "nguy cơ" suy thoái do biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát có thể làm chậm đà tăng trưởng, song khẳng định nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có thể tránh được kịch bản suy sụp nghiêm trọng.
Tâm lý lo ngại bao trùm Phố Wall
Mặc dù động thái của FED đã được dự báo từ trước, thị trường chứng khoán Phố Wall vẫn phản ứng khá tiêu cực, khi cả 3 chỉ số chính đều ghi nhận mức giảm mạnh trên 1,7% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư. Ở chiều ngược lại, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm đã tăng lên 4,1% - mức cao nhất kể từ năm 2007, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,6%.
"Bạn có thể chèo lái con tàu đi về phía cơn bão trong một thời gian dài, nhưng rồi cuối cùng cũng sẽ đến lúc, mọi thứ đạt đến giới hạn. Và với việc FED tăng lãi suất 0,75 điểm % lần thứ 3 liên tiếp trong vòng 4 tháng qua, giờ là lúc những nhà đầu tư nên xem xét cách thức bảo đảm an toàn trước cơn bão sắp ập đến," Charlie Ripley – chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Allianz Investment Management khuyến cáo.
VIX - chỉ số đo lường trạng thái biến động chung của thị trường chứng khoán Mỹ, đồng thời, cũng thường được xem là chỉ báo nỗi sợ hãi của nhà đầu tư cũng ghi nhận biến động mạnh nhất kể từ giữa tháng 6. "Đó là dấu hiệu cho thấy rủi ro đang gia tăng vào thời điểm hiện tại", Chris Murphy – trưởng bộ phận chiến lược phái sinh tại Susquehanna International Group nhận định.
Các nhà giao dịch trên thị trường tài chính hiện cũng tỏ ra cảnh giác rằng các động thái của FED, kết hợp với các động thái của các ngân hàng trung ương khác, đang hướng nền kinh tế toàn cầu tới một cuộc suy thoái. FED nằm trong số ít nhất 8 ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tăng chi phí đi vay trong tuần này và các nhà kinh tế đang ngày càng lo lắng rằng nền kinh tế của nhiều quốc gia sẽ không thể chịu được sự suy giảm nghiêm trọng như vậy.
Dẫu vậy, Kevin Mahn – Chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư quỹ quản lý tài sản Hennion & Walsh kỳ vọng giới chức FED có thể sẽ có quan điểm ít cứng rắn hơn trong các cuộc họp chính sách vào tháng 11 và 12, với các đợt tăng lãi suất thêm 0,5 và 0,25 điểm %. "Đó không hẳn là thái độ ôn hòa, mà chỉ bớt diều hâu hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ là đủ để giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán, khi khiến nhà đầu tư nghĩ rằng, rốt cuộc điều tồi tệ nhất đã ở lại phía sau".
Thế "tiến thoái lưỡng nan" của FED
Các nhà hoạch định chính sách của FED hiện vẫn bày tỏ hy vọng rằng, họ có thể thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát mà không ảnh hưởng quá lớn đến tăng trưởng của nền kinh tế, trước khi dần dần kiềm chế việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, điều này được cho là không thực tế vào thời điểm hiện tại
"Bạn có thể sẽ nghĩ đến giai đoạn chuyển tiếp vào một thời điểm nào đó". Nhưng đây không phải là vấn đề cần cân nhắc vào thời điểm hiện tại, mà là trong tương lai", chủ tịch FED chi nhánh Cleveland Loretta Mester cho biết trong một tuyên bố hồi đầu tháng 9.
"Họ vẫn sẽ cố gắng tránh suy thoái", cựu chủ tịch FED chi nhánh New York William Dudley nhận định. "Vấn đề là không gian chính sách để làm điều đó gần như không tồn tại vào thời điểm này".
Dự báo chính sách của FED
Chuyên gia Kathy Bostjancic thuộc Oxford Economics cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục là yếu tố chi phối chính sách tiền tệ của FED, bất chấp rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ gia tăng trong năm 2023. Cụ thể, tình trạng lạm phát cao vẫn sẽ còn kéo dài, buộc FED tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ. Sự kết hợp giữa biện pháp này và tác động lan tỏa tiêu cực từ tình trạng suy yếu của nền kinh tế toàn cầu, có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nhẹ trong quý 1/2023.
Theo kết quả khảo sát của Thời báo Tài chính, các nhà kinh tế học hàng đầu dự báo FED nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất cơ bản lên mức trên 4% và duy trì mức độ này cho đến sau năm 2023 nhằm kiềm chế lạm phát. 68% số chuyên gia được hỏi cho rằng áp lực giá cả giảm nhẹ, bất ổn thị trường tài chính và thị trường lao động xấu đi là những lý do có thể khiến FED tạm dừng chiến dịch thắt chặt tiền tệ, nhưng sẽ không có việc FED cắt giảm lãi suất trước năm 2024.
Giới phân tích nhận định FED đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa hai mục tiêu kiểm soát lạm phát và duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, kiểm soát lạm phát vẫn sẽ là mục tiêu chính sách hàng đầu của Mỹ trong giai đoạn hiện nay và lộ trình của FED cho thấy tốc độ tăng lãi suất sẽ không sớm dừng lại. Do vậy, nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân Mỹ sẽ tiếp tục phải chuẩn bị để đương đầu với một cơn bão sắp ập đến.
Nguồn: Reuters, CNBC, Bloomberg, Financial Times, AP, Washington Post, Politico