Tác động từ cuộc đối đầu khí đốt Nga - châu Âu

Chia sẻ Facebook
03/04/2022 23:33:16

Yêu cầu mua khí đốt bằng đồng ruble của ông Putin đẩy châu Âu vào thế khó và có nguy cơ bị cắt năng lượng, nhưng Nga cũng chịu thiệt hại.

Người dân nhiều nước châu Âu hôm qua thở phào, khi dòng chảy khí đốt từ Nga tới châu lục không bị cắt như sắc lệnh đã được Tổng thống Vladimir Putin ký. Sắc lệnh này quy định nếu khách hàng từ các quốc gia mà Nga coi là "không thân thiện" không thanh toán bằng đồng ruble từ 1/4, họ sẽ không còn được cung cấp khí đốt.

Các nước châu Âu, điển hình là Đức, đã kiên quyết từ chối yêu cầu này, khiến cuộc đối đầu năng lượng với Nga càng thêm căng thẳng. Kịch bản phải thanh toán hợp đồng bằng ruble thay vì đôla Mỹ hay euro sẽ đẩy châu Âu vào tình thế khó khăn hơn, trong bối cảnh châu lục đang đau đầu giải quyết bài toán giá khí đốt tăng vọt vì chiến sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Nga.

Tàu chở khí hóa lỏng Nikolay Urvantsev tại cảng Boilbao, Tây Ban Nha hôm 10/3. Ảnh: Reuters.

Châu Âu vẫn chưa hết nguy cơ bị cắt khí đốt Nga. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua giải thích nước này tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu theo những hợp đồng đã ký kết. Yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble sẽ "được thực hiện vào nửa cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5", ông Peskov nói.

Châu Âu nhập khẩu phần lớn khí đốt từ Nga cho hệ thống sưởi ấm, sản xuất điện và nguyên liệu, nhiên liệu cho một số ngành công nghiệp quan trọng. Nguồn cung này quan trọng đến mức Liên minh châu Âu (EU) từ chối áp đặt lệnh cấm ngay lập tức với năng lượng Nga, do lo ngại tác động quá lớn đến nền kinh tế và nguy cơ sụp đổ chuỗi sản xuất, cung ứng.

Khoảng 60% nhập khẩu khí đốt của châu Âu được trả bằng euro. Với kế hoạch Moskva công bố, đối tác nước ngoài cần mua ruble để thanh toán hợp đồng cho nhà cung cấp là tập đoàn nhà nước Nga Gazprom.

Trong kịch bản EU vẫn kiên quyết duy trì quan điểm của mình và Nga thực hiện sắc lệnh của Tổng thống Putin vào cuối tháng 4, châu Âu có nguy cơ mất hơn 1/3 nguồn cung khí đốt.

Đức, nước phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt Nga, đã kích hoạt kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể phải sử dụng khí đốt dè xẻn hơn cho hệ thống dịch vụ dân sinh và hạ tầng công nghiệp quốc gia trong thời gian tới, trong đó có kịch bản phân phối theo hạn mức cho từng hộ gia đình và mức độ ưu tiên của cơ sở sản xuất.

Christian Kullmann, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Hóa chất Đức, cảnh báo nếu các nhà máy hóa chất dừng hoạt động vì thiếu khí đốt, chúng sẽ không thể nối lại sản xuất trong nhiều tháng tiếp theo. Kullmann nói rằng điều này sẽ "gây ra hiệu ứng domino rất lớn với phần lớn ngành công nghiệp".

Chủ tịch hiệp hội công nhân hóa chất IG BCE Đức Michael Vassiliadi gọi ngành hóa chất là "mẹ của nhiều ngành công nghiệp Đức" và cho rằng kịch bản các nhà máy hóa chất Đức bị cắt khí đốt sẽ khiến chuỗi sản xuất công nghiệp ở châu Âu sụp đổ nhanh chóng, gây hậu quả khắp toàn cầu.

Các nhà phân tích từ tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở ở Brussels cho rằng nếu Nga cắt khí đốt vào tháng 5, các nước châu Âu vẫn có thể chống chọi được do thời tiết đã ấm lên giúp hạn chế nhu cầu sưởi ấm. Nguồn khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu kết hợp với các biện pháp hạn chế những ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều khí đốt sẽ giúp họ vượt qua thời kỳ khó khăn.

"Nhưng nếu quyết định ngừng cung cấp của Nga kéo dài sang mùa đông năm sau, châu Âu sẽ chật vật hơn rất nhiều", tổ chức tư vấn này nhận định.

Ngay cả các quốc gia ít phụ thuộc hơn vào khí đốt Nga như Anh, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha nhờ nguồn tự khai thác hay LNG nhập khẩu từ khu vực khác, họ cũng sẽ đối mặt tình trạng cạnh tranh khốc liệt hơn, khi các nước trong khu vực đều có nhu cầu mua khí đốt cao. Điều đó có thể khiến giá cả tăng vọt, dẫn đến tình trạng lạm phát nghiêm trọng hơn.

Nga cho rằng để tránh kịch bản tồi tệ này, EU phải thanh toán hợp đồng bằng ruble. Nhưng dù chấp thuận yêu cầu đó, EU cũng sẽ gặp vô vàn khó khăn khi thực hiện hợp đồng.

Một số ngân hàng Nga đã bị chặn giao dịch với Mỹ và phương Tây do loạt trừng phạt tháng qua, hoặc bị loại khỏi hệ thống SWIFT hỗ trợ thanh toán quốc tế, khiến lựa chọn thanh toán của châu Âu sẽ bị thu hẹp đáng kể.

"Khi thanh toán khí đốt Nga bằng ruble, một đồng tiền đang giảm giá trị, các công ty nhập khẩu nước ngoài sẽ được lợi hơn. Tuy nhiên, tìm mua ruble và thanh toán cho ngân hàng không vướng lệnh trừng phạt phương Tây lại rất khó", Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại thuộc Đại học Cornell, Mỹ, nhận định.

Prasad cho rằng nếu châu Âu thanh toán bằng ruble, Nga sẽ lách được một phần lưới trừng phạt của phương Tây về cấm vận tài chính. Giá ruble có thể tăng thêm và nền kinh tế Nga được bảo vệ. Nhưng nếu châu Âu từ chối, Nga sẽ mất đi nguồn thu quan trọng từ xuất khẩu khí đốt.

Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông tại Warsaw, Ba Lan, cho rằng Moskva đang muốn chuyển dòng ngoại tệ từ tập đoàn Gazprom sang một hệ thống ngân hàng do nhà nước quản lý. Bằng cách này, chính phủ Nga sẽ kiểm soát ngoại tệ tốt hơn, vốn đang ngày càng khan hiếm khi phương Tây đã đóng băng nhiều tài sản và dự trữ của Nga ở nước ngoài.

Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp với Hội đồng An ninh Nga hôm 3/3. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, đây lại là con dao hai lưỡi. Tập đoàn Gazprom sẽ rơi vào tình trạng không có ngoại tệ mạnh để thanh toán những khoản nợ nước ngoài hay tự mua trang thiết bị phục vụ quá trính sản xuất khí đốt. Gazprom trong hơn một tháng qua cũng đã bán 80% ngoại tệ họ dự trữ cho Ngân hàng Trung ương Nga, trong loạt biện pháp ứng phó khẩn cấp của Moskva sau các lệnh trừng phạt phương Tây.

Giới chức Đức khẳng định sẽ tiếp tục thực thi quy định thanh toán bằng đôla Mỹ và euro theo các hợp đồng đã ký với Nga. Phó thủ tướng Đức Robert Habeck nhấn mạnh "mọi bộ trưởng G7 hoàn toàn nhất trí" rằng quyết định của Nga là "một chiều và vi phạm hợp đồng hiện hành".

Carl Weinberg, chuyên gia kinh tế tại New York, nhận định Tổng thống Putin không có nhiều lựa chọn trong cuộc đấu khí đốt với châu Âu khi Đức và các nước khác từ chối thanh toán bằng ruble.

Theo Weinberg, phương án duy nhất của Nga để gây sức ép với châu Âu là từ chối cung cấp sản phẩm, nhưng điều này khó xảy ra. Nga không thể nhanh chóng chuyển hướng đường ống tới các khách hàng khác cũng như không thể đóng mỏ khai thác, nên nếu khí đốt tới châu Âu bị chặn, năng lực dự trữ của Nga sẽ nhanh chóng bị quá tải.

"Thế nên tôi cho rằng đây chỉ là một đòn gió của Nga", Weiberg nói. "Nga không thể ngừng chuyển khí đốt, cũng giống như Đức và EU không thể ngừng mua".


Trung Nhân (Theo RT , AP , Reuters , Guardian )

Chia sẻ Facebook