Tả quân Lê Văn Duyệt trong hồi ký của John White và John Crawfurd

Chia sẻ Facebook
05/03/2023 19:42:45

Nhân vật xuất chúng bấy giờ hiển nhiên là Lê Văn Duyệt. Ông White đã tỏ ý rất kính phục Tả quân ngay sau lần hội diện đầu tiên...


Năm 1822, toàn quyền Anh tại Ấn Độ, nhân danh triều đình Anh gởi sang Việt Nam một phái bộ để điều đình việc giao thương. John Crawfurd cầm đầu phái bộ, khi về nước đã cho ấn hành bản nhật ký cuộc du hành đến nước ta, mà khi ấy họ còn gọi là nước Cochin China [1] . Xin giới thiệu với bạn đọc để chúng ta biết thêm người ngoại quốc nhận xét về Tả Quân như thế nào.


…Người Mỹ đầu tiên đặt chân lên đất việt Nam là ông John White, tới Sài Gòn năm 1819. Ông ta rất khâm phục thành Sài Gòn thời ấy [2] . Theo lời ông White ghi chép lại thì “Đi ngược dòng từ Vũng Tàu trở lên, đây là mô đất cao đầu tiên, so với mặt nước sông thì cao hơn chừng 20 thước. Trước đây Sài Gòn là một vùng đồi, có rừng cây bao phủ, nhưng tổ phụ nhà vua Gia Long đã cho san bằng ngọn đồi và đào hào sâu chung quanh, lấy nước sông qua các ngòi lạch dẫn vào hào. Chung quanh thành là một bức tường dày đắp bằng gạch, cao chừng 6, 7 thước. Thành hình chữ nhật, nhưng gần như vuông, mỗi bề độ ba phần tư dặm (khoảng hơn một cây số). Đứng đầu thành này có quan Tổng trấn, hồi ấy là Tả quân Lê Văn Duyệt, dưới trướng có nhiều võ quan khác. Bên trong thành, vườn hoa ngoạn mục, ở giữa là cung điện nhà vua, có hàng rào cao vây quanh. Cung điện là một tòa nhà lớn, một chiều chừng 30 thước và chiều kia khoảng hơn 20 thước, làm bằng gạch, có hành lang bốn phía. Sàn nhà cao hơn mặt đất, lát gỗ, có cầu thang bắc lên cửa chính vào cung điện. Mái nhà lợp bằng ngói tráng men bóng lộn, đắp rồng phượng có màu sắc sặc sỡ. Hoàng Đế không hề vào thăm đất Sài Gòn từ khi bình xong nội chiến và vì thế cung điện không có ai ở, chỉ dùng để cất giữ ấn tín nhà vua và các văn thư. Trong thành có đủ chỗ để đóng tới 50 ngàn quân một cách dễ dàng…”

(Tranh: Fanpage Thú Chơi Sách)


Nhân vật xuất chúng bấy giờ hiển nhiên là Lê Văn Duyệt. Ông White đã tỏ ý rất kính phục Tả quân ngay sau lần hội diện đầu tiên. Ông có ghi lại như sau: “Dáng diệu và phong độ của ông này (Lê Văn Duyệt) có vẻ uy nghi lẫm liệt. Ông có vẻ một đại thần đầy kinh nghiệm nhưng vẫn giữ được đức độ cương trực của con nhà tướng. Tính tò mò muốn hiểu biết và cách thức ông lựa vấn đề đem bàn tỏ ra ông là người có đầu óc phóng khoáng, luôn luôn muốn trau dồi kiến thức. Những lời bàn chính đáng của ông trong nhiều vấn đề tỏ ra ông có một khả năng tự nhiên rất mạnh và tầm kiến thức rất rộng. Chiến sự, chính trị, tôn giáo và những phong tục tập quán của các nước Âu Tây là những vấn đề mà ông bàn cãi đến một cách chăm chú… Khi óc tò mò của ông đã được thỏa về những đặc điểm ấy, thì ông tỏ vẻ khâm phục trí thông minh, tài khéo léo và sức mạnh của “Olan” (Hòa Lan) mà nói đến Hòa Lan tức là ông muốn nói đến Âu Tây. Rồi ông xúc động, như thể lòng tự ái bị tổn thương, ông than phiền về tình trạng tương đối còn thô lậu dã man trong đất nước ông” . Xuống dưới nữa, John White viết: “Sau khi gặp gỡ bậc vĩ nhân đó, ai cũng phải cảm thấy tiếc rằng lịch sử đã không xui khiến để ngôi báu lọt vào tay ông, vì ông mới là người biết dùng quyền lực để bồi đắp sự vinh quang và hạnh phúc của dân tộc, hơn hẳn ông vua độc tài thuở ấy…”.

Đối với những quan lại khác mà ông gặp thì John White chỉ tỏ ý khinh bỉ. John White kể lại rằng họ có những bộ điệu ta đây, làm ra quan trọng, nhưng cư xử như những đồ phàm tục, luôn luôn ngửa tay xin rượu Tây và uống cho đến khi say túy lúy và cãi nhau om sòm. Bọn quan lại này luôn luôn xin quà, bất cứ cái gì họ xin được của người Mỹ là họ đem về nhà. Trong sự giao dịch hành chánh thì họ vừa bất lực vùa tham nhũng, họ đớn hèn đến nỗi có thể đương kiểm tiền của người, mà ăn cắp mấy đồng nhét vội vào tay áo. Khi vị Khâm sai Lê Văn Duyệt không có mặt tại Sài Gòn thì vị quan quyền chức này có cái thói xấu là hay ném pháo để dọa khách khứa và mua tích trữ những số đường lớn để cho giá đường lên cao rồi đem bán cho khách ngoại quốc. White còn tả hệ thống quan liêu rất phức tạp của rất nhiều viên chức. Ai muốn tới buôn bán cũng phải đút lót những viên chức ấy. Nếu không chịu lễ lạc một phần tử nào trong cả guồng máy ấy thì tức thời công việc không những bị đình trệ mà bị những hậu quả trái ngược rất rõ rệt.


…Phái bộ mà toàn quyền Anh ở Bengale gởi qua Thái Lan và Việt Nam để mở liên lạc thương mại với hai nước này đã tới Vũng Tàu vào năm 1822. Ông trưởng phái đoàn này, John Crawfurd, sau này được bổ làm toàn quyền Tân Gia Ba, đã qua Sài Gòn nhưng chỉ ở lại đất Việt mấy ngày. Không như thuyền trưởng Mỹ White đã tới Sài Gòn trước ông ít lâu, Crawfurd cũng qua thăm cả Trung kỳ, đáp tàu men theo bờ biển tới Tourane [3] rồi từ đó dùng đường bộ lên kinh đô Huế. Crawfurd đã giữ một tập nhật ký về chuyến công du này và tôi muốn được trình bày cùng quý vị về những cảm tưởng và ý kiến mà ông đã phát biểu trong tài liệu đó.


Để tàu ở lại Cần Giờ là nơi tất cả thuyền bè ngoại quốc phải tới khai báo với viên chức hữu trách, Crawfurd và phái đoàn của ông lên Sài Gòn bằng những con thuyền nhỏ được cử ra để chở phái đoàn của ông lên Sài Gòn. Từ Sài Gòn, chính quyền địa phương đã phái bốn con thuyền và bảy viên quan ra tiếp phái đoàn Anh. Chất lượng những con thuyền này có thể được lượng định bởi thời gian đi ngược dòng sông lên Sài Gòn mất tất cả 10 giờ đồng hồ [4] . Mỗi con thuyền được chèo bởi 40 thủy thủ, người nào người nấy đều mặc quần áo đỏ và đội những nón lá có điểm thêm lông gà trống.


Bài của Crawfurd mô tả thành phố Sài Gòn cũng tương tự như Sài Gòn của John White. Tuy nhiên, Crawfurd đã nói thành phố này hồi đó gồm hai thị trấn, cái bây giờ gọi là Chợ Lớn thì hồi đó gọi là Sài Gòn, cái bây giờ gọi là Sài Gòn thì hồi đó gọi là Bến Nghé [5] . Một trong những thói tục kỳ lạ ở đó mà White đã không nhắc tới là tục trả lộ phí sang sông. Nhận thấy chỉ đàn bà con gái là phải trả tiền đò, còn đàn ông con trai được miễn tiền, Crawfurd bèn hỏi nguyên do thì được biết rằng tất cả trai tráng được coi như làm việc cho chính quyền nên được miễn đò phí.


Theo Crawfurd thì nhà cửa của thương gia Trung Hoa trông đồ sộ hơn nhà cửa của người Việt nhiều. Đang khi ông đi thơ thẩn trong thành phố thì ba gia đình Trung Hoa loại khá giả nhất đã ra cửa mời ông vào chơi. Bên trong những ngôi nhà của họ trông thật rộng rãi, đồ đạc rất nhiều và tiện nghi cũng đầy đủ. Và Crawfurd lại càng lấy làm ngạc nhiên khi thấy họ đã làm những bữa ăn thịnh soạn để thết đãi không những ông và tuỳ tùng mà cả những quân sĩ Ấn và Việt theo hầu nữa. Những người Trung Hoa đó, tự giới thiệu là con cháu của những người đã di cư từ Trung Quốc sang từ hàng mấy thế kỷ trước, những người đó đã khiến Crawfurd rất cảm phục vì ông đã mô tả họ như những người “rất thông minh và lịch thiệp”.


Điểm đáng chú ý thứ hai trong bản tường trình của Crawfurd là khi ông mô tả phong độ Tả quân Lê Văn Duyệt, Crawfurd đã viết như sau về đức Tả quân: “Ai cũng biết Tả quân xuất thân làm hoạn quan, nhưng nếu không được người khác cho biết thế thì chúng tôi đã không thể nào tự tìm hiểu được điều đó. Đã đành là ông hoàn toàn không có râu, nhưng râu ria người Nam kỳ là điều rất hiếm mặc dầu họ rất ưa để mọc ít nhiều. Giọng nói của ông thì cũng nhỏ nhẹ nhưng không tới độ khiến ta nghi ngờ. Là người đã đóng góp một phần quan trọng trong cuộc chiến và cuộc cách mệnh vừa qua ở Nam kỳ, ông là một nhân vật hoạt bát và thông minh. Ông cũng là một người nhỏ nhắn và mảnh khảnh nhưng trông vẫn khỏe và chẳng hề đau ốm gì trừ bệnh đau răng đã khiến cho ông bị mất gần hết hàm răng. Những vị quan lại khác thì bận những thứ quần áo lụa thêu thùa đủ kiểu, nhưng Tả quân thì trái lại, hình như hoàn toàn không để ý tới cách ăn bận và chỉ mặc một bộ áo dài thâm và vấn quanh đầu một chiếc khăn nhiễu cũng màu đen”.


Tả quân Lê Văn Duyệt đã cho trình bày với phái đoàn Anh mấy trò giải trí trong thành. Theo nguyên văn của Crawfurd thì “rất nhiều người Việt Nam đã tới xem cuộc vui này để được chứng kiến một vụ xung đột giữa hổ và voi. Con hổ này đã được buộc vào một sợi dây thừng lỏng dài chừng 30 thước cho nó có thể đi lại xung quanh một cột gỗ đóng dưới đất.


Mõm con vật đáng phàn nàn này đã được khâu lại trước cuộc tranh tài, môi dưới và môi trên sát hẳn với nhau để nó không thể mở mõm. Móng hổ đã bị rút bằng kìm để cho con vật không làm hại được voi. Tuy nhiên, con hổ đó, một con vật rất lực lưỡng, trông rất khỏe mạnh và giận dữ. Đối diện với hổ ở một khoảng xa là 46 con voi đực to lớn và trên cổ mỗi con voi đều có một anh quản tượng. Khi lệnh đánh được ban ra thì con voi thứ nhất bèn tiến lên hùng dũng và cứ trông con mắt của voi thì chúng tôi cứ tưởng nó sẽ đánh tan xác đối thủ của nó ngay. Vào vòng chiến, con voi bèn lấy ngà húc con hổ và ném hổ ta ra xa tới 6, 7 thước. Nhưng con hổ đâu chịu thua và nhảy lên mình voi định với đánh luôn cả anh quản tượng đang vắt vẻo trên đầu voi. Con voi sợ quá, co cẳng chạy mất. Con hổ đuổi theo cho tới khi bị thừng ngắt lại mới thôi. Con vật chạy trốn, tuy chẳng bị thương tích gì nhưng gầm lên một cách rất thảm thương và người quản tượng không làm được cách nào cho nó tái chiến. Sau đó ít lâu thì chúng tôi thấy một kẻ bị trói do hai sĩ quan đưa lên Tả quân.


Người đó là viên quản tượng xấu số và ngay lúc đó y bị phạt 100 trượng. Kẻ bị đánh bị nọc xuống đất, một người ngồi lên đầu, một người khác giữ chân anh ta và một số quân sĩ khác tiếp tay đánh cho đủ số 100 hèo. Hình phạt cử hành xong thì hai người khác đến khiêng kẻ bị phạt đi vì lúc đó anh ta đã chết ngất. Trong khi hình phạt này diễn ra thì Tả quân vẫn cứ nhìn cuộc đấu giữ voi và hổ một cách bình thản như chẳng có gì đặc biệt xảy ra.


Sau khi 10 hay 12 con voi đã tiến đánh con hổ thì con vật này mới chết, phần lớn là bị voi húc rồi quẳng xuống đất. Sức lực của những giống vật này thật vượt quá những gì tôi có thể tưởng tượng được. Có con đã ném được con hổ xa tới 10 thước khi hổ ta gần chết và không chống cự được nữa. Chúng tôi không khỏi kinh hãi khi nghĩ rằng chính những con vật đó có nhiệm vụ hành quyết những kẻ tội phạm bị án tử hình. Vào những dịp đó thì chỉ cần một cái ném như mô tả ở trên cũng đủ để giết tội nhân. Ai cũng bảo với tôi như thế.”

Đây là một trong những trò giải trí có thể xem được ở Sài Gòn vào thuở ấy. Lại còn một tập quán của người Việt, một tập quán đã mất đi từ lâu, đã được phái bộ Crawfurd chứng kiến khi đi chơi trong thành phố. Ở một đường phố, họ gặp hai người đang cãi nhau dữ dội. Cả hai đều ngồi dưới đất và một người thì níu lấy thắt lưng của người kia. Đó là một chị đàn bà đang giữ một anh hoạn quan và the thé tố cáo anh ta đã lấy đồ vật hay tiền bạc gì của chị ta. Hình như làm vậy tức là chị ta đã làm theo một thói tục của người Việt. Theo thói này thì khi ai muốn tố cáo một người khác lấy của mình bất cứ cái gì thì mình chỉ cần níu lấy thắt lưng của người đó. Và luật pháp buộc người bị níu phải chịu để cho người bắt giữ và không được kháng cự chi cả.

Phái bộ Anh không ở lại Sài Gòn lâu vì Crawfurd rất nóng lòng muốn ra Huế đề nghị liên lạc thương mại với vua Minh Mạng. Trước khi đi, ông ngạc nhiên thấy rằng Tả quân Lê Văn Duyệt đã từ chối những tặng phẩm mang lên biếu người, nói rằng nếu nhận những tặng phẩm thì người nợ phái đoàn Anh một món nợ và phải thúc giục vua Minh Mạng chấp nhận đề nghị của người Anh. Tả quân chủ trương rằng những đề nghị của phái đoàn Anh phải được cứu xét căn cứ trên chân giá trị của chúng và nhà vua có quyết định gì thì sự quyết định đó phải ở bên ngoài sự tán vào của những ông quan đã nhận quà biếu của phái đoàn Anh. Tả quân cũng cho biết rằng ông sẵn sàng nhận quà của phái đoàn Anh một khi cuộc đàm phán giữa hai nước kết thúc. Thái độ của Tả quân càng đáng kính phục khi ta nhớ rằng khi ấy các viên chức khắp châu Á xem những quà biếu như một quyền hạn và lắm lúc còn đòi khách ngoại quốc phải biếu xén họ…


Patrick. J. Honey
Trương Ngọc Phú chú giải
Trích “Tả Quân Lê Văn Duyệt và Vùng Đất Nam Bộ – tạp chí Xưa & Nay”


Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách


Chú thích :

[1] Xem: John Crawfurd, Journal of an embassy from the Governor – general of India to the courts of Siam and Cochin China. Henry Colburn, 1828, London.

[2] Thành này gọi là thành Phiên An, rất kiên cố, đủ cả hào và lũy. Năm 1835, sau sự biến Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng cho san bằng thành này và xây lại thành khác nhỏ hơn ở gần rạch Thị Nghè ( nay là sở Ba Son). Nhưng thành xây sau này cũng bị phá đi khi Pháp chiếm được Gia Định năm 1859. Năm 1877, khi đào móng xây nhà thờ Đức Bà, người ta còn thấy di tích của thành Phiên An cũ, một lớp tàn tro dày chừng 30 phân (theo Lê Đình Chân, sđd, trang 159).

[3] Tức Đà Nẵng ngày nay.

[4] So với phương tiện thủy ngày nay thì vẫn còn quá nhanh.

[5] Năm 1777, quân Tây Sơn vào đốt phá tan tành Nông Nại Đại Phố (cù lao Phố) ở Trấn Biên. Nhóm người Minh Hương bèn di chuyển xuống phía Nam ven hữu ngạn sông Sài Gòn mà lập thị trấn mới, tức Chợ Lớn ngày nay. Còn Sài Gòn là trung tâm hành chánh của Phiên Trấn và lưu dân khắp nơi tụ tập về sinh sống, nhỏ hơn Chợ Lớn nhiều. Qua nhiều đợt tiếp nhận dân nhập cư từ khắp nơi đổ về, Sài Gòn mới có bộ mặt như ngày nay.


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook