'Ta không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris khi nguồn lực có hạn'

Chia sẻ Facebook
06/01/2023 16:38:45

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, quy hoạch cần đảm bảo khả thi, có cơ chế và làm rõ nguồn lực thực hiện. Dù học kinh nghiệm các nước, nhưng không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris trong khi nguồn lực có hạn.

'Ta không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris khi nguồn lực có hạn'

Sáng 6.1, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Đánh giá về quy hoạch, đại biểu Trần Hoàng Ngân (tổ TP.HCM ) cho rằng, ban soạn thảo đã chuẩn bị công phu, có nhiều nét lớn đột phá, lồng ghép được nhiều quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đất và biển mà trước đó chưa được đề cập rõ. Ngoài ra, quy hoạch cũng đề cập tới không gian ngầm, phù hợp với xu thế phát triển hiệu quả và bền vững.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (tổ TP.HCM). Gia hân

“Nhưng đọc vào thì cũng lúng túng. Vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, trục hành lang... nên xác định rõ khái niệm quy hoạch theo thứ tự ưu tiên nào. Cái nào cũng quan trọng, cũng cần phát triển mạnh mẽ cả, nên phân đoạn theo giai đoạn nào ưu tiên gì, tránh dàn trải”, ông Ngân nêu.


Khuyến nghị việc bổ sung trục hành lang Mộc Bài - TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu vào trục hành lang đường bộ Đông - Tây, theo ông Ngân, nếu là hành lang kinh tế biển qua Cần Giờ sẽ phù hợp, trong khi theo hướng qua Đồng Nai sẽ “treo” ngay vì không thực hiện được.


Theo đại biểu đoàn TP.HCM , nhiều khi mới lên ý tưởng đến năm 2050 thì một số nhà dân đã vướng, nên phải công bố rõ để người dân được quyền xây dựng, sửa chữa nhà cửa như bình thường khi dự án chưa làm ngay.

“Quy hoạch phải khả thi, làm rõ nguồn lực để thực hiện; phải theo nguồn lực của Việt Nam, đừng vẽ như New York, Paris rồi không làm được. Đầu tư công hiện nay có hạn, còn dàn trải, không nuôi dưỡng được nguồn thu”, ông Ngân nói.

Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, giai đoạn trước tập trung cho xóa đói giảm nghèo, song hiện nay nguồn lực phải chuyển hướng sang các vùng động lực tăng trưởng, đẩy mạnh hợp tác công - tư.

Nhắc đến câu chuyện sân cỏ Mỹ Đình, theo ông Ngân: “Rất đau xót. Nếu có sự hợp tác liên doanh, giao khu vực tư quản lý khai thác thì câu chuyện có lẽ đã khác”.

Cần chọn kịch bản tăng trưởng cao

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng quy hoạch là vấn đề khó. Chính phủ đã chuẩn bị tờ trình đầy đủ, nhiều ý tưởng và thể hiện được tinh thần của luật Quy hoạch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần chọn kịch bản tăng trưởng cao cho mục tiêu 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển. Gia Hân

Nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch nước phân tích, tầm nhìn của quy hoạch đặt ra rất dài với 30 năm, trong một thế giới luôn biến đổi thì cần lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển của đất nước.

“Nếu chúng ta chậm, không cập nhật hàng tháng thì sẽ lạc hậu. Đây là vấn đề rất lớn, yếu tố quyết định cho sự phát triển cho nên phải có tầm nhìn trong định hướng của quốc gia”, Chủ tịch nước lưu ý và cho rằng, đi liền với khoa học công nghệ thì phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không có nguồn nhân lực tốt thì không thể nào thực hiện được quy hoạch.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có kinh nghiệm và Việt Nam cần phải đặt vấn đề này để “đi tắt đón đầu”. Chúng ta phải thay đổi nguồn nhân lực một cách căn bản, chất lượng thì mới thực hiện được các chiến lược, những kịch bản tăng trưởng.

Liên quan đến một số mục tiêu cụ thể được đề ra trong quy hoạch, theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao (quy hoạch đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng thấp và cao). Lý do là bởi, chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao, củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.


Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, phải tìm kiếm thị trường mới để mở ra không gian phát triển. Ngoài ra, chúng ta phải có những hành lang mới, đậm nét hơn, trong đó có hành lang kinh tế Đông - Tây. Với các nước trong khu vực như Campuchia, kết nối với Mộc Bài (Tây Ninh), TP.HCM hay Myanmar - Lào - Thái Lan - Việt Nam ra tới Biển Đông.


Đây là những hành lang xuyên tâm. Đặc biệt, với TP.HCM việc kết nối với các nước trong khu vực là vấn đề quan trọng. Về thể chế, phải phù hợp để đất nước hội nhập quốc tế, thể chế mà lạc hậu, chậm trễ sẽ kìm sự phát triển. Đây là biện pháp cần lưu ý trong phát triển đồng bộ.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị TP.HCM tập trung nguồn lực, sức lực, trí tuệ để xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Phát triển đô thị trong trung tâm và hệ thống đô thị phát triển bền vững là những xu hướng của thế giới. Điều này cũng phù hợp với với nghị quyết của Đảng ta về vấn đề phát triển đô thị, trong đó có những đô thị lõi, đô thị trung tâm như TP.HCM , Hà Nội. Cần đặt vấn đề công nghiệp chế tạo ở TP.HCM như một định hướng chiến lược phát triển, vì giá trị gia tăng rất lớn và phù hợp với xu hướng của thời đại.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, cho rằng quy hoạch quan trọng mang tầm quốc gia, nên cần thảo luận kỹ, ghi nhận ý kiến đóng góp để “chín chắn, đầy đủ và thấu đáo hơn”; trong đó, cần xác định phát triển kinh tế mũi nhọn là gì?.

Nếu xác định phát triển Việt Nam là đất nước nông nghiệp thì trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi... đóng góp cho GDP là bao nhiêu để gắn với phát triển vùng miền, từ đó đầu tư cơ sở hạ tầng, con người và thiết bị máy móc. Hay với lợi thế của đất nước ta có tiềm năng về biển, tỉnh nào cũng có biển và phát triển du lịch, cần phải đánh giá kỹ về ngành kinh tế dịch vụ đóng góp GDP như thế nào?.

Lê Hiệp


Thanh niên

Chia sẻ Facebook