Suy thoái ngăn Trung Quốc trở thành quốc gia có thu nhập cao
South China Morning Post: GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng từ 1.053 USD (2001) lên 10.435 USD (2020), xấp xỉ Malaysia, Bulgaria. Còn một chặng đường dài để cường quốc châu Á bắt kịp mức 63.207 USD của Mỹ, 41.059 USD của Anh...
Trung Quốc sắp gia nhập câu lạc bộ thu nhập cao, nhưng suy thoái lại làm dấy lên bóng ma về bẫy thu nhập trung bình tại quốc gia này. Bên cạnh những số liệu tích cực, Trung Quốc vẫn có những vấn đề chưa thể giải quyết.
Hồi giữa tháng 5, ông Han Wenxiu, một quan chức cấp cao của Ủy ban Tài chính và kinh tế trung ương Trung Quốc, đã tổng kết gần một thập kỷ thành tựu dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ngày 20-7, báo South China Morning Post đưa tin ông Han công bố một loạt số liệu đáng kinh ngạc trong một cuộc họp báo về nền kinh tế số 2 thế giới.
Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc là 114.000 tỉ nhân dân tệ (17.000 tỉ USD) vào năm ngoái, chiếm 18% GDP toàn cầu (tăng từ 11,4% vào năm 2012). Nền kinh tế Trung Quốc cũng đóng góp 30% tăng trưởng GDP toàn cầu trong cùng thời kỳ.
Về mặt thống kê, Trung Quốc đứng trước ngưỡng cửa gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập cao - những nước được Ngân hàng Thế giới (WB) xác định có tổng thu nhập quốc dân trên đầu người trên 12.695 USD vào năm 2021. Năm ngoái, chỉ số này của Trung Quốc là 12.551 USD.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã nói về việc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới, làm nghiêng cán cân quyền lực về phía có lợi cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế từ dịch bệnh COVID-19 đã khơi lên những suy đoán về một viễn cảnh kém tươi sáng hơn: bẫy thu nhập trung bình.
"Bẫy thu nhập trung bình" mô tả quá trình chuyển đổi thất bại sang nền kinh tế thu nhập cao của một quốc gia, do chi phí tăng và khả năng cạnh tranh giảm.
Giới quan sát nhận định Trung Quốc đang có dấu hiệu kẹt lại, dù tăng trưởng cao hơn nhiều so với các nền kinh tế tiên tiến. Điển hình là chi phí lao động tăng cao, các nhà sản xuất chuyển đến Đông Nam Á, tăng trưởng giảm tốc kể từ năm 2011 và mô hình tăng trưởng dựa trên vay nợ kéo theo nhiều rủi ro tiềm tàng.
"Trung Quốc chắc chắn phải tránh bẫy thu nhập trung bình. Điều quan trọng là khi nào vượt qua nó và làm thế nào để tiến về phía trước tốt hơn sau đó. Chúng tôi tự tin tìm được sự cân bằng giữa cải cách, phát triển và ổn định", ông Tập nói với các lãnh đạo doanh nghiệp tại một hội nghị ở Bắc Kinh vào tháng 11-2014.
Theo South China Morning Post , có một vài con số mà các quan chức ở Bắc Kinh không muốn thảo luận công khai.
Những con số này phản ánh xu hướng đáng lo ngại đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bao gồm sự suy giảm tiêu dùng trong ngắn hạn, tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao hơn các nước phương Tây, vấn đề già hóa và tỉ lệ sinh thấp kỷ lục trong 60 năm qua.
"Mặc dù tăng trưởng chậm, Trung Quốc sẽ có thể đủ điều kiện để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào cuối năm nay. Nhưng triển vọng về tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc không mấy khả quan trong trung hạn", ông Houze Song, một nhà nghiên cứu của Viện Paulson (Mỹ), cho biết.
Báo Wall Street Journal (WSJ) dẫn các nguồn tin cho hay Trung Quốc chuẩn bị phạt ứng dụng gọi xe Didi hơn 1 tỉ USD liên quan đến các vi phạm an ninh dữ liệu sau cuộc điều tra kéo dài 1 năm qua với công ty này.