Suy sụp vì không có tiền mua nhà, bạn gái đi lấy người khác
90% những người tham gia một cuộc khảo sát do Tạp chí Kinh tế Hồng Kông và một trang web về bất động sản thực hiện cảm thấy căng thẳng, và 80% xuất hiện vấn đề về tâm lý vì vấn đề nhà cửa.
Yêu nhau đã nhiều năm, nhưng vì không đủ tiền mua nhà nên bạn gái kết hôn với người khác, vì chuyện này mà Vương Đông (tên nhân vật đã được thay đổi) bị sốc và phải nhập viện. Một nhà tâm lý học cho biết, những người trẻ gặp áp lực tâm lý vì chuyện nhà cửa như Vương Đông trong những năm gần đây đã không còn là hiếm. Một cuộc khảo sát đã diễn ra: "Bạn có phải là thế hệ bị nhà cửa làm cho "phát điên" không?" Theo đó, gần 90% người tham gia cho biết họ cảm thấy bị áp lực bởi các khoản vay thế chấp, và gần 80% trong số họ có các triệu chứng như lo lắng và trầm cảm do áp lực.
Không có tiền mua nhà, bị bạn gái bỏ và mắc bệnh trầm cảm
Hiện tại, Vương Đông ngày nào cũng nằm trên giường, nhìn lên trần nhà, không hiểu tại sao phải mua một ngôi nhà lớn chỉ vì để nở mày nở mặt trong khi sống trong một căn hộ vài chục mét vuông là đủ rồi! Tại sao có những người chỉ vì một ngôi nhà mà có thể không quan tâm người sống cùng mình trong ngôi nhà đó là ai?
Vương Đông sinh ra tại một thị trấn nhỏ, năm nay 29 tuổi, bố mẹ là công nhân đã nghỉ hưu, lương hưu của 2 người rơi vào khoảng 10 triệu/tháng. 10 năm trước, Vương Đông đến Thanh Đảo học đại học, ở đó, anh gặp bạn gái của mình, cô gái là mối tình đầu của anh. Cuộc sống đại học vô lo vô tư, sau khi tốt nghiệp, cả hai ở lại Thanh Đảo để làm việc.
Người nhà và bạn học đều nghĩ rằng cả hai sẽ có một cái kết đẹp, sẽ kết hôn, sinh con, nhưng không ai ngờ nguyên nhân khiến cả hai chia tay lại chính là việc mua nhà. Cha mẹ Đông biết mối quan hệ của hai con luôn tốt đẹp nên họ mong hai con sớm kết hôn, sinh con đẻ cái. Nhưng khi tiến tới hôn nhân, cha mẹ của bạn gái đề nghị đằng trai mua nhà trước. Gia đình Đông đồng ý mua một căn nhà, nhưng cộng cả tiền của Đông, tiền dành dụm của bố mẹ với tiền vay mượn của người thân và bạn bè cũng vẫn chưa đủ để trả tiền thanh toán đợt đầu cho một ngôi nhà.
Người bạn gái thì luôn muốn có một ngôi nhà lớn và khang trang, trong khi Đông thì không có đủ tiền, cứ như vậy, hai người bắt đầu cãi vã, giá nhà càng tăng, hai người càng cãi nhau nhiều hơn.
Cãi vã là vậy, nhưng bản thân Đông hàng ngày vẫn luôn đắn đo suy nghĩ làm sao để mua được một căn nhà to đẹp để làm hài lòng gia đình bạn gái, tuy nhiên, điều mà anh không bao giờ ngờ tới là bạn gái lại nói chia tay. Thì ra, khi mối quan hệ giữa hai người căng thẳng vì chuyện mua nhà, một người khác - người vẫn luôn theo đuổi bạn gái anh, đã thừa cơ hội "tấn công".
Trong lúc Đông nghĩ rằng bạn gái rồi sẽ hồi tâm chuyển ý thì anh nhận được thông tin về cuộc hôn nhân nhanh tới không ngờ của bạn gái. Không lâu sau khi bạn gái cũ chuyển đến ngôi nhà lớn mà cô hằng ao ước với người chồng hiện tại, Đông được đưa vào trung tâm điều trị tâm thần thành phố, nơi anh cần uống thuốc hàng ngày để giảm bớt tình trạng trầm cảm đang ngày một tồi tệ hơn của mình.
Lương giảm, áp lực tiền nhà lớn, không đêm nào ngủ ngon
Lý Siêu tốt nghiệp một trường đại học ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, anh tìm được một công việc tốt, thu nhập hàng tháng khoảng 20 triệu.
Ban đầu, Siêu sống rất thoải mái, thu nhập hàng tháng của anh với bạn gái cộng lại cũng được gần 40 triệu. Anh đi ăn nhà hàng mỗi tuần để cải thiện cuộc sống, và thỉnh thoảng lại cùng bạn học đi đây đi đó để thư giãn. Tuy nhiên, cùng với tuổi tác, chuyện cưới xin, mua nhà dần dần trở thành ưu tiên.
Siêu và bạn gái dành ra tới nửa năm để xem nhà, so sánh nhiều căn nhà mới với cũ, thấy giá nhà bắt đầu có dấu hiệu tăng, Siêu nghiến răng, bỏ ra hơn 2 tỷ để mua lại một căn hộ cũ hơn 60m2, để trả lãi ít hơn, họ chọn thời hạn trả nợ là 15 năm. Số tiền phải trả hàng tháng là 15 triệu, tuy cao nhưng nếu hai người tiết kiệm thì vẫn có thể lo được. Một người bạn khi biết chuyện anh có ý định mua ngôi nhà này đã nói rằng tiền trả hàng tháng như vậy là khá nhiều, áp lực lớn, nhưng Siêu lại cho rằng có áp lực mới có động lực chăm chỉ hơn.
Không ngờ rằng sau đó công ty làm ăn không thuận lợi, thu nhập của hai vợ chồng đều bị giảm mạnh. Trừ đi tiền nhà, cả hai vợ chồng chỉ còn khoảng 10 triệu. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng có em bé, tiền bỉm sữa cho con thôi hàng tháng cũng tốn một khoản kha khá. Hiện tại, cái gì cũng tăng giá, 10 triệu chẳng mấy mà tiêu hết, lo lắng, Siêu thường xuyên nằm mơ rằng mình không trả được tiền nhà.
Chất lượng giấc ngủ kém khiến tinh thần của Siêu ngày càng sa sút, khó tập trung, anh thường xuyên bị hốt hoảng và ù tai. Còn chưa 30 tuổi mà sao đã bị như vậy? Siêu đến bệnh viện khám, vốn nghĩ chắc chỉ cần uống thuốc giúp dễ ngủ là được, nhưng bác sĩ nói rằng đây không phải là vấn đề giấc ngủ mà là một biểu hiện của những cảm xúc tiêu cực như lo lắng do căng thẳng quá mức. Siêu được chẩn đoán mắc trầm cảm nhẹ.
Siêu và Đông chỉ là hai trong số ít những người bị áp lực nhà cửa đánh gục. Mặc dù đang sống trong thời đại no đủ và tiên tiến hơn, nhưng dường như những áp lực về kinh tế cũng đang ngày một bị khuếch đại hơn. "Nhà", thay vì là một tổ ấm, một nơi "an cư", thì ở một góc độ nào đó, nó lại đang dần trở thành những áp lực vô hình khiến nhiều người trẻ "vỡ òa".
Theo Sohu