Suy hô hấp do Adenovirus ở trẻ nhỏ: Chuyên gia chỉ cách phòng bệnh

Chia sẻ Facebook
25/10/2022 14:18:15

Sau khi nhiễm Adenovirus, sức đề kháng hô hấp của trẻ kém nên dễ bị vi khuẩn tấn công gây suy hô hấp.

Chị N.T.Linh (quận Long Biên, Hà Nội), cho hay con trai chị sốt cao gần 1 tuần qua. Gia đình cũng đã đưa cháu đi thăm khám tại một cơ sở y tế, nhưng vẫn chưa xác định được chính xác bệnh. Tới khi chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nghi ngờ con mắc Adenovirus , gia đình được bác sĩ chỉ định xét nghiệm PCR và nhận được kết quả dương tính.


“Cháu sốt liên tục 6 ngày liền, 39 - 40 độ, kể cả uống thuốc hạ sốt cũng chỉ xuống 38 độ. Sau đó, cháu ho nhẹ và ăn gì nôn đấy, kể cả ăn cháo hoặc ăn đồ loãng, dễ tiêu nhưng sau khoảng vài tiếng là cháu lại nôn.


Do biểu hiện chỉ là sốt và nôn nên gia đình nghĩ là cháu bị bệnh về đường ruột hoặc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, triệu chứng của cháu ngày một nặng hơn nên gia đình cho cháu kiểm tra Adenovirus. Kết quả, cháu bị bội nhiễm viêm phổi do Adenovirus”, chị N.T.Linh nói.

Adenovirus có thể gây ra biến chứng suy hô hấp ở trẻ.


Không chỉ riêng gia đình chị Linh, chị Trần Thị Thu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cho con nhập viện để điều trị Adenovirus. Chị Thu cho hay: “Bé nhà tôi trước khi nhập viện có biểu hiện sốt cao và ho liên tục, kèm theo viêm kết mạc mắt. Ban đầu, gia đình cũng tự đi mua thuốc và nghĩ là con chỉ bị ốm thông thường.


Tuy nhiên, sau 2 ngày, con vẫn không đỡ nên gia đình cho con đi khám và được xác định là mắc Adenovirus. Dù bé chưa đi học hay tiếp xúc chỗ đông người nhưng vẫn mắc Adenovirus thì tôi nghĩ có thể là do sức đề kháng kém hoặc do thời tiết chuyển mùa nên con dễ mắc bệnh".

Chị cũng bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe của con, nhất là sau khi mắc Adenovirus, sức đề kháng của trẻ còn yếu, có thể dễ dàng bị bội nhiễm vi khuẩn, đồng thời gây viêm phổi nặng, thậm chí là suy hô hấp.

TS.BS Nguyễn Văn Tùng - Phó Chủ nhiệm Khoa nhi - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trẻ sau mắc Adenovirus, sức đề kháng còn yếu, tạo cơ hội cho vi khuẩn gây bệnh xâm nhập. Những vi khuẩn dễ tấn công nhất sau khi nhiễm Adenovirus là các vi khuẩn gây ra viêm đường hô hấp , có thể làm cho trẻ bị viêm phổi, dẫn đến suy hô hấp.

Trẻ điều trị tại Bệnh viện Quân đội 108.

Theo thống kê từ CDC Hà Nội, số ca mắc Adenovirus phân bố ở 30/30 quận, huyện, thị xã. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng ghi nhận một số trường hợp nhập viện do Adenovirus từ đầu mùa dịch tới nay. Cùng với Adenovirus, rất nhiều loại virus khác như virus cúm A, cúm B hoặc virus hợp bào hô hấp,... có thể dễ dàng “tấn công” trẻ và khiến tình hình dịch bệnh ở trẻ em càng phức tạp.


" Phần lớn trường hợp khi mắc Adenovirus có biểu hiện chủ yếu thông qua đường hô hấp và viêm dạ dày, ruột. Trong đó, những vi khuẩn dễ tấn công nhất là vi khuẩn gây ra viêm đường hô hấp, đặc biệt là viêm đường hô hấp dưới, dẫn đến tình trạng viêm phổi, viêm phế quản phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp ở trẻ. Nếu chúng ta không phát hiện và điều trị kịp thời những bội nhiễm này thì tình trạng sức khỏe của trẻ có thể bị ảnh hưởng nặng nề", BS Tùng nói.

Để phát hiện sớm tình trạng bội nhiễm vi khuẩn sau mắc Adenovirus ở trẻ, bác sĩ khuyên ba mẹ nên chú ý đến một số biểu hiện thay đổi của con như khi khởi phát bệnh, trẻ bị ho khan và sốt nhẹ, sau đó trẻ chuyển sang ho có đờm và sốt tăng lên. Ba mẹ có thể đưa trẻ đi kiểm tra các dấu hiệu của cận lâm sàng, chụp X-quang,.. để phát hiện sớm tình trạng nhiễm trùng. Ngoài ra, qua kiểm tra, nếu chúng ta thấy được những tổn thương và đặc điểm tổn thương đó do vi khuẩn gây ra thì có thể kết luận được trẻ đang gặp phải tình trạng nhiễm khuẩn.

TS.BS Nguyễn Văn Tùng - Phó Chủ nhiệm Khoa nhi - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám cho bệnh nhi.

Chúng ta cũng cần tập trung vào các giải pháp phòng, ngừa bội nhiễm nói chung. Trước hết, ba mẹ phải tăng cường sức đề kháng của trẻ và chăm sóc trẻ toàn diện về cả dinh dưỡng và môi trường sống. Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng ly giải vi khuẩn để tạo đề kháng tại chỗ, giúp phòng bệnh về đường hô hấp nói chung và Adenovirus nói riêng tốt hơn.

Ly giải vi khuẩn là hỗn hợp kháng nguyên được chiết tách từ các tác nhân vi khuẩn gây bệnh bị bất hoạt. Do đó, nó sẽ không còn khả năng gây bệnh, mà có thể kích hoạt hệ miễn dịch đặc hiệu trong cơ thể nhằm sản xuất kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Mặt khác, cơ thể chúng ta có khả năng ghi nhớ các tác nhân gây bệnh này. Vì vậy, ly giải vi khuẩn sẽ xây dựng cho cơ thể khả năng đề kháng kéo dài theo thời gian nhất định.

Khi trẻ được hỗ trợ điều trị bệnh sớm, tăng cường sức đề kháng hô hấp đúng cách, sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.


Theo Tiểu Cương

Chia sẻ Facebook