'Super Mario' Draghi sụp đổ

Chia sẻ Facebook
16/07/2022 08:19:52

Hôm 14-7, Thủ tướng Ý Mario Draghi thông báo đệ đơn từ chức, khẳng định liên minh đoàn kết dân tộc vốn ủng hộ chính phủ "đã không còn tồn tại".

Thủ tướng Mario Draghi - Ảnh: Reuters


Sự sụp đổ trong chính quyền kỹ trị của ông có thể là ác mộng cho khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Quyết định trên được đưa ra khi Phong trào Năm sao (Five Star Movement - M5S), chính đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền của ông Draghi, trước đó khẳng định không tham gia vào cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở quốc hội.


Ngập trong khủng hoảng

Sự rút lui của đảng này là đòn giáng nặng nề vào tình trạng bất ổn chính trị ở Ý khi chính phủ có thể sụp đổ. Diễn biến này cũng khiến tương lai của nền kinh tế Ý mịt mờ hơn.

Cũng như các nước châu Âu khác, chính trường Ý chao đảo trong bối cảnh lạm phát cao, tác động từ đại dịch COVID-19 còn lơ lửng và cả "bóng ma" về viễn cảnh cắt nguồn cung năng lượng từ Nga, tờ Economist nhận xét.

Nhìn chung, Chính phủ Ý và các nước vướng vào thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc hỗ trợ người dân về chi phí sinh hoạt và nguy cơ về một nền tài chính không khỏe mạnh từ chính việc in tiền cho các gói hỗ trợ.

Cách đây 10 năm, ông Draghi từng được ca ngợi là "Super Mario" sau tuyên bố sẽ "làm mọi giá" để cứu khu vực đồng tiền chung euro.

Nhưng giới quan sát bi quan về khả năng cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) này, với kinh nghiệm đáng ngưỡng mộ trong lĩnh vực tài chính, sẽ một lần nữa đưa nước Ý vượt qua cuộc khủng hoảng nợ.

Thời thế lúc này đã khác 10 năm trước, bởi ông Draghi phải dựa nhiều vào sự ủng hộ của M5S. Đảng này là hiện tượng trên chính trường Ý với phương châm xóa bỏ khác biệt về ý thức hệ chính trị, không phân biệt tả - hữu trong quang phổ chính trị.

Là một nhà kỹ trị và từng làm việc trong Ngân hàng Goldman Sachs, quan điểm kinh tế vĩ mô của ông Draghi đôi khi không thể hòa hợp với các giá trị cánh tả mà M5S theo đuổi.

Ví dụ rõ ràng nhất là việc M5S phản đối kế hoạch ngân sách 26 tỉ euro được bỏ phiếu vừa qua. Lãnh đạo M5S, cựu thủ tướng Giuseppe Conte, khẳng định khoản ngân sách 26 tỉ euro ấy không thể giúp doanh nghiệp và các hộ gia đình.

Bên cạnh đó, nguyên cớ cho màn tẩy chay của M5S nằm trong kế hoạch xây dựng lò đốt rác khổng lồ của chính quyền Rome, cũng thuộc gói 26 tỉ euro. M5S có quan điểm khá cực đoan về sinh thái, vì vậy luôn yêu cầu chú trọng tái chế rác thay vì một dự án xử lý rác như đã nêu.

Ngoài ra, M5S, thường bị giới quan sát gán mác "dân túy", cũng phản đối các kế hoạch ủng hộ Ukraine. Trong tình cảnh kinh tế thảm hại như hiện nay, với nợ công lên đến 150% GDP, việc chính phủ của ông Draghi hỗ trợ Ukraine sẽ dễ hứng chịu tấn công từ phe đối lập.


Nỗi lo của châu Âu

Theo Hãng tin Reuters, cũng trong ngày 14-7, Tổng thống Ý Sergio Mattarella đã bác bỏ đơn từ chức của Thủ tướng Draghi, đồng thời yêu cầu ông Draghi làm rõ bức tranh chính trị trước quốc hội.

Giới cầm quyền Ý muốn tránh tình trạng "rắn mất đầu" trong bối cảnh khó khăn bủa vây hiện nay. Trớ trêu ở chỗ, nếu không thực hiện cải cách, Ý lại càng khó nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU).

Quyết định từ chức của ông Draghi được đưa ra khi đồng euro tiếp tục lao dốc, thậm chí xuống thấp hơn giá USD vào hôm 13-7 (1 euro đổi 0,0998 USD). Điều này khiến các nhà làm chính sách tiền tệ ở châu Âu buộc phải nghĩ tới giải pháp tăng lãi suất.

Nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) muốn tăng lãi suất, câu hỏi được đặt ra là số phận của Ý sẽ ra sao khi chi phí vay của chính phủ nước này sẽ tăng tương ứng, trong lúc gánh nặng nợ công khổng lồ vẫn còn đó.

Nói cách khác, bản thân ECB cũng đối mặt tình huống tiến thoái lưỡng nan. Để "cứu" đồng euro và tình hình lạm phát, họ dự kiến công bố quyết định tăng lãi suất. Nhưng tăng lãi suất như thế nào để cứu nước Ý - một nền kinh tế quan trọng của EU, thì không phải chuyện đơn giản.

Giới quan sát lo ngại cuộc khủng hoảng của Ý sẽ làm rung chuyển khối đồng tiền chung châu Âu. Bên cạnh đó, sẽ khó có khả năng các bên tính tới một gói cứu trợ cho một quốc gia đang gánh khoản nợ chính phủ khổng lồ 2.500 tỉ euro như Ý.

Bà Christine Lagarde, người kế nhiệm ông Draghi ở vị trí chủ tịch ECB, được biết đang thúc đẩy kế hoạch tăng lãi suất cho khối đồng euro, đồng thời duy trì mua trái phiếu chính phủ.

Đây là giải pháp nhằm trấn an thị trường tài chính rằng ECB đang nỗ lực giữ chi phí vay chính phủ ở mức thấp và giúp khu vực đồng tiền chung ổn định. Nhưng một lần nữa, các chuyên gia lo ngại rằng bất ổn chính trị ở Ý sẽ khiến các kế hoạch trên gặp khó khi triển khai.

Nhận định với Telegraph, chuyên gia tại Ngân hàng Rabobank Elwin de Groot cho rằng sẽ có lập luận lo ngại khủng hoảng chính trị càng khiến giải pháp của ECB phức tạp hơn vì phe "diều hâu" có thể nêu bật rủi ro trong các giải pháp ấy hoặc nhấn mạnh rằng ECB bị biến thành con tin chính trị.


Hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone

Hôm 14-7, Ủy ban châu Âu (EC) dự báo kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tăng trưởng ở mức 2,6% trong năm nay và khoảng 1,4% trong năm 2023 - thấp hơn các mức dự báo trước đó. Đây được xem là hệ quả từ tác động xấu, bao gồm tình hình Ukraine và việc giá năng lượng tăng cao.

Về phía Ý, EC dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm nay. Con số này cũng thấp hơn dự báo 2,4% đưa ra hồi tháng 5. Sang năm sau, kinh tế Ý được cho sẽ tăng trưởng 0,9%, thấp hơn so với mức 1,9% của dự báo cũ.

Lạm phát hằng năm của Ý đã chạm mốc 8% trong tháng 6, mức cao nhất kể từ con số 8,2% trong tháng 1-1986, theo báo cáo của Viện Thống kê quốc gia Ý (ISTAT) ngày 15-7.

Số liệu chính thức mới công bố ngày 1-7 cho thấy lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu (euro) đã tăng lên mức cao kỷ lục mới, trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine làm tăng giá năng lượng và tác động xấu đến nền kinh tế châu Âu.

Chia sẻ Facebook