Suốt 8 năm canh sóng bám biển, kịp thời cứu người
Nhiều năm gắn bó với nghề, anh Quyết không nhớ được bao nhiêu trường hợp du khách được đội cứu thoát khỏi đuối nước.
Dịp hè, "cung đàn trời" Thiên Cầm nơi dải đất miền Trung ken đặc khách du lịch đến tắm biển giải nhiệt. Từ trên bờ, anh Phạm Văn Quyết (32 tuổi) lia ống nhòm về phía xa quan sát hoạt động tắm biển của du khách để kịp thời phát hiện, cảnh báo, ứng cứu du khách gặp nạn.
Đó là công việc gắn bó với đội trưởng đội cứu hộ - cứu nạn Khu du lịch Thiên Cầm (Hà Tĩnh) suốt 8 năm qua. "Mới đầu giúp được 1 người, 2 người, về sau công việc "ăn vào máu". Đến giờ, lúc nào hết khách du lịch ở biển thì mình mới trở về nhà" - anh Quyết mở đầu câu chuyện.
Lúc giúp đỡ người ta, mình cảm thấy vui, cảm giác rất lạ mà không thể diễn tả được.
Đội trưởng PHẠM VĂN QUYẾT
Duyên với nghề
Ở vùng quê biển, hầu hết người trẻ đều lựa chọn rời quê đi làm ăn xa. Tốt nghiệp ra trường, có công ăn việc làm ổn định ở TP.HCM nhưng anh Quyết vẫn hướng về quê nhà. Năm 2015, anh quyết định trở về đảm nhận nhiệm vụ ở tổ cứu hộ - cứu nạn, sau này tổ được đổi tên thành đội cứu hộ - cứu nạn và kết nạp thêm nhiều thành viên khác nhằm nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ cứu nạn trên biển.
Mỗi ngày công việc của đội bắt đầu từ 5h sáng và chỉ kết thúc khi đêm xuống, không còn bóng dáng khách du lịch nào ở trên bãi biển. Anh chia sẻ, trước dịp khai trương mùa du lịch, các thành viên trong đội tiến hành đi kiểm tra, cắm cọc ranh giới cứu hộ trên biển.
Cao điểm dịp lễ 30-4 và 1-5 cũng là thời điểm anh em trong đội căng mình bám biển, thường xuyên túc trực trên bãi biển để nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện các tình huống bất thường và triển khai công tác cứu hộ - cứu nạn nhằm đảm bảo an toàn cho du khách đến tắm biển.
Trong đội, hầu hết anh em thành viên đều là "ngư dân lão làng" gắn bó với vùng biển, thạo bơi lội, biết được đặc điểm con nước, con sóng để kịp thời cảnh báo cho du khách khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. Riêng đội trưởng 9X trẻ nhất đội, có sức trẻ, sức khỏe để làm nhiều việc hơn vì sự an toàn của người dân.
Mỗi ngày anh đều dành thời gian ra biển quan sát, từ dịp lễ đến nay đều đích thân bao quát công việc ở bãi biển. "Có lẽ cái duyên đưa mình trở về quê hương và chọn mình làm công việc cứu hộ - cứu nạn trên biển" - anh Quyết bộc bạch.
"Giúp được người, cảm giác lạ lắm"
Giữa bãi biển đông nghịt người, bóng dáng áo xanh của đội cứu hộ - cứu nạn khiến khách du lịch và người dân an tâm hơn phần nào. Chị Dương Thị Mỹ (37 tuổi, quê Hà Tĩnh) chia sẻ mỗi lần ra tắm biển đều thấy các anh ở đội cứu hộ - cứu nạn sẵn sàng giúp đỡ du khách. "Các anh rất chịu khó, làm việc rất có trách nhiệm" - chị Mỹ cho biết.
Gắn bó công việc này suốt 8 năm qua, đội trưởng Quyết chia sẻ làm công việc liên quan trực tiếp đến tính mạng con người đòi hỏi phải tìm được người thực sự có tâm huyết, thấu hiểu về công việc mới có thể làm tốt được. Ở vùng biển miền Trung những ngày hè "nắng cháy da cháy thịt", mùa đông mưa gió bão bùng, đội cứu hộ - cứu nạn vẫn quyết tâm canh sóng, bám biển để bảo vệ an toàn cho người dân và du khách.
Anh Quyết cho biết đặc điểm ở bãi biển Thiên Cầm vào dịp hè ít khi xảy ra trường hợp đuối nước, nhưng sau dịp lễ 2-9 hoặc 20-11 là thời điểm giao mùa, thường hay có sóng lớn, đặc biệt sau mỗi trận mưa bão thì người dân thường hay chủ quan xuống tắm biển nên dễ dẫn đến sự cố.
Cũng có trường hợp một số du khách say xỉn vẫn lao xuống tắm biển để giải nhiệt dễ dẫn đến đột quỵ, hay một số khách du lịch không chấp hành quy định mặc áo phao mà bơi ra tắm biển ở ngoài khu vực cắm mốc cảnh báo... Với những trường hợp này, anh em trong đội huy động tổng lực để kêu gọi người dân vào bờ để tránh tai nạn.
Nhiều năm gắn bó với nghề, anh Quyết không nhớ được bao nhiêu trường hợp du khách được đội cứu thoát khỏi đuối nước. Nhớ nhất là mùa hè năm 2017, khi đang đi canô kiểm tra trên biển, Quyết cùng một thành viên trong đội bắt gặp 2 khách du lịch tắm xa bờ bị hụt chân vào vũng xoáy. Với kinh nghiệm và phản xạ của mình, cả hai cùng lao xuống biển và cứu được 2 du khách lên bờ.
Giữa tháng 11 cùng năm đó có một nhóm học sinh đến biển tắm thì bị đuối nước, anh cùng một số chủ nhà hàng ở bãi biển đã lao xuống biển ứng cứu, nhưng đáng tiếc vì sóng quá to nên chỉ cứu được 1 trong số 3 em gặp nạn.
Anh Quyết kể người em họ của anh cũng gặp nạn trên bãi biển này. Những trường hợp đáng tiếc đó khiến anh em trong đội luôn canh cánh trong lòng. Đó cũng là lý do khiến chàng trai 9X gắn bó với công việc cứu hộ cứu nạn suốt thời gian qua.
Không chỉ làm nhiệm vụ cứu hộ - cứu nạn trên biển, anh em trong đội còn tích cực tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành các quy định ở bãi biển để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách đến tham quan Khu du lịch Thiên Cầm.
Thời gian tới, người đội trưởng bày tỏ mong muốn công tác cứu hộ - cứu nạn được quan tâm và đầu tư hơn nữa, được trang bị các vật dụng cứu hộ - cứu nạn hiện đại nhằm đảm bảo an toàn tốt nhất cho du khách.
Nghe tiếng la thất thanh của cô gái kêu cứu, Chung lập tức cầm ván lướt và phao lao ào xuống biển đêm. Anh nhanh hay chậm vài giây là sự sống hay cái chết của nhóm du khách đang chới với sắp chìm...