Sức mua giảm mạnh nhưng giá vẫn tăng
Dù sức mua giảm 20 - 30% nhưng do chi phí sản xuất tăng cao nên nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng giá bán đối với nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu.
Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm có giải pháp kìm giá nguyên liệu, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi..., nếu không giá bán thực phẩm sẽ còn tăng.
Không gồng gánh được nữa
Theo ghi nhận, giá dầu ăn đang được nhiều cửa hàng, siêu thị tại TP.HCM bán ra với thương hiệu Tường An 60.000 - 160.000 đồng/lít tùy loại, dầu ăn Simply từ 60.000 - 105.000 đồng/lít tùy loại... Mức giá này được người bán cho biết đã tăng khoảng 15 - 20% so với đầu năm và 70 - 90% so với mức tốt năm 2020.
Tương tự, tại nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM, giá trứng gà bán ra đang ở mức 33.000 đồng/chục và trứng vịt là 37.000 - 38.000 đồng/chục.
Mức giá trên tăng khoảng 20% so với đầu năm và gần gấp đôi so với mức tốt của năm ngoái. Việc tăng giá này, theo giới kinh doanh, chủ yếu là do giá thành sản xuất, chi phí vận chuyển... tăng theo giá xăng dầu, thức ăn chăn nuôi.
Ông Trương Chí Thiện - tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt - cho biết dù sức mua đang giảm 20% so với lúc ổn định nhưng do giá đầu vào tăng nên khả năng đơn vị sẽ kiến nghị tăng giá bán trứng gia cầm trong chương trình bình ổn. Đầu tháng 4-2022, mặt hàng này đã được cho tăng 1.500 - 2.000 đồng/vỉ 10 quả.
Trong khi đó, sau thời gian dài gồng gánh và chịu lỗ, Công ty Vissan (TP.HCM) cho biết vừa phải tăng 5 - 15% giá bán các mặt hàng chế biến như xúc xích, đồ hộp, thịt nguội...
Theo ông Phan Văn Dũng, phó tổng giám đốc Vissan, việc tăng giá này là do giá nguyên vật liệu đầu vào, bao bì... hiện đã tăng 20 - 40% so với lúc ổn định.
Với mặt hàng tươi sống tham gia chương trình bình ổn, ông Dũng xác nhận sức mua 4 tháng đầu năm 2022 giảm 25% so với cùng kỳ nên đơn vị chưa tăng giá. Tuy vậy, đơn vị đang gặp áp lực lớn.
Mới đây, do giá đầu vào tăng mạnh, Công ty Saigon Food (TP.HCM) đã cho tăng trên dưới 15% đối với giá bán của hầu hết sản phẩm thực phẩm chế biến.
Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM, cho biết sức mua nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến, khô, gia vị đang thấp hơn 15 - 20% so với thời điểm ổn định. Tuy nhiên, sắp tới nhiều doanh nghiệp có thể phải tăng giá bán do giá đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là các nguyên liệu nhập khẩu.
Cần bình ổn giá đầu vào
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp TP.HCM, với giá xăng dầu và gas ở mức cao kéo dài, nhiều doanh nghiệp đang tính toán hình thành thêm đợt tăng giá bán thực phẩm dù trước đó đã tăng.
"Cần phải có giải pháp kìm giá vật tư nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu... Nếu không việc tăng giá là điều tất yếu, dù nhu cầu tiêu dùng có ở mức thấp. Lạm phát từ đây sẽ tăng cao", ông Hiến nói.
Cũng theo ông Hiến, Nhà nước có thể xem xét giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để giúp bình ổn thị trường, kìm lạm phát.
Đại diện một doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn của TP.HCM cho rằng nếu để hình thành mặt bằng giá mới thì không dễ để giảm lại vì phụ thuộc vào nhiều khâu trung gian. "Chúng tôi cần TP hỗ trợ để giảm hoặc giãn lãi vay ngân hàng, giúp duy trì giá bán tốt hơn", vị này kiến nghị.
Nguy cơ thiếu thịt heo vài tháng tới
Theo ông Phan Văn Dũng, phó tổng giám đốc Vissan, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng đáng kể, Nhà nước cần sớm có giải pháp kìm giá để người nuôi tái đàn. "Nếu không thì nguồn cung heo trong vài tháng tới có thể giảm mạnh, giá heo tăng, kéo theo giá bán nhiều mặt hàng thực phẩm sẽ tăng", ông Dũng nhận định.
Tác động của dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu dùng và khái niệm về các mặt hàng thiết yếu của người dân TP.HCM không còn như trước. Những điều này buộc các nhà bán lẻ muốn bình ổn được giá cả cũng phải có điều chỉnh phù hợp.