Sức khỏe những người tiếp xúc ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam hiện ra sao?

Chia sẻ Facebook
04/10/2022 09:31:28

Ngay sau khi phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam, cơ quan y tế đã điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, cách ly, điều trị bệnh nhân.

Bên cạnh tình trạng của bệnh nhân đầu tiên, nhiều người quan tâm đến sức khỏe của những người tiếp xúc với ca bệnh này.

PGS.TS Phan Trọng Lân

Trả lời phỏng vấn báo chí, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Đây là trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ở nước ngoài, sau 4 ngày thì về Việt Nam, ghi nhận các biểu hiện lâm sàng ngày 18/9. Ngày 22/9 bệnh nhân về Việt Nam, ngày 23/9 đã chủ động đến khám ở Bệnh viện Từ Dũ. Sau đó được tư vấn vào Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh, tiếp theo được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Toàn bộ quá trình chuyên môn kỹ thuật tại các cơ sở điều trị đã được khuyến cáo.


Trường hợp này khi về Việt Nam đã tới ngay cơ sở khám chữa bệnh. Các trường hợp có tiếp xúc, bao gồm những người trong gia đình và cán bộ y tế ngay từ đầu đã có sự theo dõi, giám sát. Đến nay, sau hơn 10 ngày, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân không có biểu hiện mắc bệnh đậu mùa khỉ .

Về nguồn lây, đây trường hợp đã ở nước ngoài hơn 60 ngày và có biểu hiện ở nước ngoài, tức là mắc bệnh từ nước ngoài, chứ không phải mắc bệnh tại Việt Nam. Kể từ khi phát hiện nghi ngờ, bệnh nhân đã được coi như một trường hợp dương tính, vì vậy Bộ Y tế và TP Hồ Chí Minh đã xử lý toàn bộ các khâu giám sát, xét nghiệm, khoanh vùng... theo hướng dẫn khuyến cáo.

Trả lời câu hỏi về nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam sau ca bệnh này? GS.TS Phan Trọng Lân nhận định: Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân trên, ngay từ đầu đã được giao các viện, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khoanh vùng xử lý, nguồn lây từ nước ngoài là bệnh nhân cũng đã được cách ly, điều trị. Vì vậy, rất khó có khả năng trường hợp này lây ra cộng đồng tại Việt Nam.

Bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đã ghi nhận ở trên 106 nước ngoài vùng lưu hành bệnh (châu Phi). Với tần suất mắc cao, địa bàn rộng, việc giao lưu đi lại không hạn chế thì nguy cơ xâm nhập bệnh tại Việt Nam là hiện hữu.

Tuy nhiên, dù sự xâm nhập có hay không, chúng ta cũng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng từ sớm. Các cơ sở y tế luôn phải nâng cao cảnh giác. Và mỗi người dân khi có biểu hiện nghi ngờ thì đến ngay các cơ sở y tế khai báo sớm để bản thân được phát hiện bệnh sớm và được tư vấn, điều trị sớm, đồng thời tránh lây nhiễm cho người khác.

Chia sẻ Facebook