“Sức khỏe” kinh tế Mỹ có đang ổn?

Chia sẻ Facebook
16/11/2022 14:34:12

Những thông tin kém tích cực từ thị trường việc làm và những yếu tố chưa chắc chắn về lạm phát đang khiến không ít người cảm thấy lo ngại: Kinh tế Mỹ liệu có đang ổn?


Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ lạm phát hạ nhiệt


Trong phiên giao dịch đêm qua (15/11) theo giờ Việt Nam, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trở lại, khi các báo cáo mới công bố cho thấy áp lực lạm phát tại nước này tiếp tục có dấu hiệu hạ nhiệt.


Những báo cáo kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp bán lẻ Mỹ cũng góp phần thúc đẩy xu hướng đi lên của thị trường trong phiên này.

Chốt phiên chỉ số công nghệ Nasdaq dẫn đầu đà tăng của thị trường với mức tăng 1,45%, đóng cửa ở mức 11.358,41 điểm. Các chỉ số Dow Jones và S&P 500 cũng đồng loạt ghi nhận mức tăng điểm nhẹ. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 56,22 điểm, tương đương 0,17%, lên 33.592,92 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,87% lên 3.991,73 điểm.


Các số liệu mới công bố cho thấy, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 10 chỉ tăng nhẹ 0,2% so với tháng 9, thấp hơn mức dự báo 0,4% của giới chuyên gia. Kết quả này, cùng với số liệu lạm phát tiêu dùng thấp hơn dự kiến hồi tuần trước, càng làm gia tăng những kỳ vọng của nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm giảm nhịp độ tăng lãi suất.

Nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ ghi nhận kết quả tích cực trong phiên này, sau khi các tên tuổi lớn như Walmart, HomeDepot lần lượt công bố các kết quả kinh doanh tốt hơn dự kiến.


Sức khỏe kinh tế Mỹ


Tuy nhiên, đà tăng của thị trường phần nào bị hạn chế, bởi những lo ngại liên quan đến thị trường lao động, khi các hãng công nghệ lớn như Twitter, Meta hay Amazon liên tiếp có động thái sa thải nhân viên với số lượng lớn.

Nhiều người cho rằng lạm phát trong ngắn, trung và dài hạn sẽ tăng trở lại. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)


Tuần trước, từ người tiêu dùng tới nhà đầu tư ở Mỹ thở phào khi biết tin lạm phát tháng 10 đã xuống mốc 7,7%. Họ chắc mẩm FED sẽ sớm dừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản như vậy.


Nhật báo phố Wall vừa có bài trích phát biểu của ông Christopher Waller, thành viên Ban Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ rằng dù lạm phát tháng 10 có đang chậm lại, FED vẫn phải tăng lãi suất tiếp để kiểm soát nó tốt hơn. Biên bản cuộc họp vừa qua cho thấy FED có thể sẽ giảm mức tăng nhưng điều đó không có nghĩa là sắp dừng hẳn.


Thực tế, người dân Mỹ cũng đã lường trước điều này. Khảo sát của Ngân hàng Trung ương chi nhánh New York cho thấy khá nhiều người nghĩ lạm phát trong ngắn, trung và dài hạn sẽ tăng trở lại. Số người tin tỷ lệ thất nghiệp trong 1 năm tới sẽ tăng cao đã lên tới mức ngay trước khi bùng dịch. Điều này đã kéo cả niềm tin tiêu dùng của tháng 11 đi xuống.


Triển vọng công việc và đi vay tiền chi tiêu ngày càng khó trong khi lạm phát vẫn có thể quay lại mức cao bất cứ lúc nào đã khiến nhiều người thắt chặt hầu bao. Thắt chặt hầu bao khiến các hãng giảm nguồn thu, giảm thu buộc phải cắt việc làm. Cái vòng luẩn quẩn này đang khiến nhiều người lo cho kinh tế Mỹ thời gian tới.


Theo Bloomberg , các công ty công nghệ đang phải co gọn nhân sự và giảm tuyển dụng khi đối mặt với lãi suất cao và chi tiêu tiêu dùng trong nước giảm sút. Còn ở nước ngoài, đồng USD mạnh lên cũng khiến hàng hóa của doanh nghiệp Mỹ kém cạnh tranh.

Tính riêng trong tháng 10, ngành công nghệ đã phải cắt hơn 9.500 vị trí việc làm, mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 11/2020.


Trang tài chính CNN đặt câu hỏi: "Làn sóng sa thải của các hãng công nghệ nói lên điều gì về kinh tế Mỹ?". Báo cáo việc làm mới đây cho thấy, nền kinh tế Mỹ trong tháng 10 vẫn có thêm 261.000 việc làm mới. Số lượng công việc hàng đầu và lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp cho thấy kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn ổn. Tuy nhiên thực tế, nhiều công ty sẽ khó tránh khỏi tác động trước nhu cầu giảm sút từ người tiêu dùng và các hãng công nghệ không phải ngoại lệ.


Khảo sát của FED New York cho thấy, cơ hội tìm thấy việc làm mới sau khi vừa nghỉ việc cũ đã tăng thêm 0,7 điểm %, lên mức 58%. Điều này một lần nữa cho thấy những gì đang diễn ra dường như chỉ tác động tới một bộ phận nhất định của nền kinh tế Mỹ.

Thị trường việc làm tiếp tục ổn định, GDP tăng trưởng trở lại cùng lạm phát quay đầu giảm nhiệt là những tiến triển tích cực từ nền kinh tế Mỹ.

Chia sẻ Facebook