Sức khoẻ của người chồng bị vợ và người tình ở Phú Thọ pha thuốc chuột vào sữa đầu độc giờ ra sao?

Chia sẻ Facebook
30/04/2022 12:51:20

Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết sau một tuần điều trị, tình trạng đông máu của bệnh nhân Quất Văn B. đã ổn định, các chỉ số xét nghiệm về bình thường.

Người bệnh là nạn nhân của vụ việc vợ cùng người tình tại Thanh Ba, Phú Thọ pha thuốc chuột vào sữa nhằm đầu độc. Rất may cùng với sự nỗ lực của y bác sĩ đã thành công cứu sống bệnh nhân.

Người bệnh Quất Văn B (Sinh năm 1985) ở Thanh Ba – Phú Thọ được đưa vào Khoa Cấp cứu – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng: Tỉnh, đi đại tiểu tiện ra máu đỏ tươi.

Bệnh nhân Quất Văn B. đã qua cơn nguy kịch

Qua khai thác tiền sử, bệnh sử được biết khoảng một tuần trước khi vào viện, người bệnh xuất hiện tình trạng đại tiểu tiện ra máu đỏ tươi kèm theo chảy máu chân răng và chảy máu các vết thương khó cầm cùng các vết bầm tím rải rác dưới da.

Gia đình đã đưa người bệnh vào Trung tâm Y tế huyện điều trị nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm nên đã chuyển xuống tuyến tỉnh.

Tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ sau khi xem xét tình trạng bệnh đã định hướng đến người bệnh bị rối loạn đông máu nặng, có thể do ngộ độc các thuốc kháng vitamin K hoặc hóa chất diệt chuột loại kháng Vitamin K.

Người bệnh được chỉ định làm các xét nghiệm chẩn đoán. Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh có tình trạng rối loạn đông máu nặng, chỉ số PT dưới 10%, INR > 10, yếu tố IX giảm nặng, yếu tố V và VIII bình thường, tiểu cầu bình thường.

Căn cứ vào các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị rối loạn đông máu nặng do ngộ độc hóa chất diệt chuột loại kháng vitamin K. Người bệnh được điều trị theo hướng ngộ độc thuốc diệt chuột loại kháng vitamin K bằng truyền huyết tương vitamin K liều cao.

Sau một tuần điều trị, tình trạng đông máu của người bệnh đã ổn định, các chỉ số xét nghiệm về bình thường. Người bệnh được ra viện và về dùng thuốc vitamin K đường uống 2 tháng và được hẹn khám lại.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, những năm gần đây, Trung tâm tiếp nhận cấp cứu rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới.

Nếu các thuốc diệt chuột thế hệ cũ cách đây 10-20 năm, hầu hết nhập lậu từ Trung Quốc, gây co giật, hôn mê, loạn nhịp tim, đã bị cấm và ít xuất hiện trở lại, thì ngày nay các loại thuốc thế hệ mới gây chảy máu do kháng vitamin K.

Những chất này gây độc diễn biến âm thầm và trong 3 ngày đầu, bên ngoài biểu hiện bình thường nhưng sau thời điểm này xuất hiện các dấu hiệu chảy máu ở răng, mũi, da, tiêu hóa...

Có những người chỉ chảy máu nặng khi sau chấn thương, va chạm, sau các thủ thuật tác động qua da khi đi khám chữa bệnh (tiêm, chọc, tán sỏi,…).

TS. BS Trung Nguyên nhấn mạnh, các thuốc diệt chuột thế hệ mới rất phong phú, đa dạng về hình thức, chủng loại, màu sắc: Có dạng viên giống viên kẹo màu xanh, hồng, đỏ, trắng; có dạng dung dịch giống siro hay dạng bột…

Người dân có thể dễ dàng mua các loại thuốc diệt chuột này ở các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật hay các xe bán hàng rong. Ai cũng có thể mua được thuốc diệt chuột ở bất cứ đâu. mua từ người bán rong đến mua ở quầy bán các đồ gia dụng, thú y, vật dụng làm vườn,… Việc sử dụng không an toàn, tràn lan, lạm dụng, tự tử,…rất dễ gây ngộ độc.

Các hóa chất diệt chuột thuộc nhóm kháng vitamin K (gây chảy máu) có rất nhiều, cổ điển là warfarin (tác dụng ngắn, thường chỉ vài tuần hết tác dụng), nay có nhiều hóa chất mới được gọi là superwarfarin (như bromadiolone, flocoumafen, brodifacoum, diphacinone,…).

Các hóa chất này lại thường được gọi dưới cái tên rất nhẹ nhàng “thuốc diệt chuột sinh học”. Thực tế, tất cả vẫn là các hóa chất thế hệ mới có độc tính còn cao hơn rất nhiều, thậm chí rất cao.

Khi các chất này vào cơ thể chuyển hóa và thải trừ rất chậm, trong 72 giờ đầu có thể chưa biểu hiện gì, nhưng âm thầm chỉ theo dõi xét nghiệm đông máu hàng ngày mới biết, tác dụng cũng rất dài, độc tính kéo dài thường nhiều tháng, có thể tới hàng năm.

Thường các bệnh nhân sau khi được cấp cứu, dùng thuốc giải độc ổn định, cần duy trì đơn thuốc và hẹn khám lại nhiều lần, có khi cả năm thì ngộ độc mới đỡ dần và hết.

Tuy nhiên, các bệnh nhân thường chủ quan hoặc bận rộn với cuộc sống nên hết thuốc lại không đi khám tiếp lấy đơn thuốc trong khi chất độc vẫn còn trong người, kết quả là lại bị chảy máu và vào viện cấp cứu tiếp.

Trung tâm chống độc khuyến cáo, người dân cần rất thận trọng với các loại hóa chất diệt chuột và hậu quả ngộ độc hiện nay:

Về phát hiện, điều trị ngộ độc các hóa chất diệt chuột loại gây chảy máu:

-        Khi phát hiện có người uống hóa chất diệt chuột:

+       Cần đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

+       Tại bệnh viện, các bác sỹ sẽ cấp cứu, đặc biệt khi mới uống xong trong vòng 6 giờ thì cần cho người bệnh uống than hoạt tính, rất an toàn và hiệu quả, giảm được độc tính kéo dài cho bệnh nhân.

+       Sau uống hóa chất diệt chuột chưa có biểu hiện gì thì không được chủ quan, vẫn cần theo dõi và điều trị tại bệnh viện ít nhất 72 giờ, bác sỹ sẽ xét nghiệm lại và quyết định cho ra viện hay điều trị tiếp.

+       Bệnh nhân khi đã được xác định bị ngộ độc, không được tự bỏ thuốc mà phải tuân thủ đúng theo đơn và khám lại theo hướng dẫn. Bác sỹ là người điều chỉnh và quyết định khi nào việc chữa ngộ độc hoàn tất (thường mất nhiều tháng).

-         Với các cơ sở y tế: cảnh giác với các bệnh nhân rối loạn đông máu, chảy máu, đặc biệt khi các nguyên nhân không rõ ràng.

Sự việc xảy ra vào ngày ngày 19/4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Ba (Phú Thọ) ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lê Thị Xuân (SN 1984, trú tại xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba) và Lê Đăng Khải (SN 1980, trú tại xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa) về hành vi giết người.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Ba nhận được đơn tố giác của gia đình anh Quất Văn B. (SN 1985, trú tại xã Hanh Cù) về việc anh B. bị vợ là Lê Thị Xuân đầu độc bằng thuốc diệt chuột.

Tại cơ quan công an, Lê Thị Xuân khai nhận cuộc sống vợ chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn, Xuân thường xuyên bị chồng đánh đập. Ngoài ra, Xuân có mối quan hệ tình cảm với Lê Đăng Khải.

Sau khi nghe Xuân tâm sự, Khải và Xuân đã bàn bạc mua thuốc diệt chuột để đầu độc anh B. Chiều 1/4 và sáng 2/4, Xuân 2 lần pha thuốc diệt chuột vào sữa rồi đưa cho chồng uống. Sau đó, anh B. có biểu hiện ngộ độc.

Ngày 5/4, anh B. được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba khám và được đưa đi Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu, điều trị. Bị gia đình chồng tra hỏi, Xuân khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Sau đó, gia đình anh B. làm đơn tố cáo Xuân lên cơ quan công an.


N. Huyền

Chia sẻ Facebook