Sức khỏe 18 trẻ ở Hà Nội bị tiêm nhầm vắc xin COVID-19 hiện ra sao?

Chia sẻ Facebook
21/03/2022 20:46:33

Chiều tối 16/11, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) đã họp đánh giá lại tình hình sức khỏe của 18 trẻ nhỏ từ 2 – 6 tháng tuổi ở huyện Quốc Oai, Hà Nội sau sự cố tiêm nhầm vắc xin COVID-19, theo Vietnamnet.

Theo đó, thời gian qua, trong quá trình theo dõi sức khỏe, 18 trẻ đã được làm xét nghiệm 3 lần vào các mốc thời gian: ngày thứ 3, thứ 7 và ngày thứ 10.

Đến nay, sau 2 tuần theo dõi, hiện các cháu ổn định sức khỏe, ăn, bú, ngủ tốt, chơi ngoan, các phản ứng viêm, sưng tấy tại chỗ tiêm đều đã hết. Chỉ có một vài cháu còn rối loạn tiêu hóa, sổ mũi nhẹ, viêm da cơ địa, chàm.

Các chuyên gia thống nhất cần tiếp tục theo dõi lâm sàng, xét nghiệm cho các cháu đến ngày thứ 28 tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Nếu tình trạng sức khỏe ổn định, các cháu sẽ được cho về nhà; cứ 1 tháng kiểm tra sức khoẻ lại 1 lần đến hết 12 tháng sau tiêm nhầm.

Sự cố tiêm chủng xảy ra tại Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ngày 3/11, Trạm Y tế xã Yên Sơn tổ chức tiêm chủng cho trẻ em độ tuổi từ 1 đến 6 tháng tuổi. Trong quá trình tiêm xảy ra sự cố tiêm nhầm vắc xin COVID-19 Pfizer cho 18 cháu nhỏ từ 2 đến 6 tháng tuổi.

Sau khi nhận được thông tin trên, TP Hà Nội đã chỉ đạo khẩn trương chuyển toàn bộ trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cơ sở chuyên khoa đầu ngành về nhi của TP để chăm sóc y tế trong điều kiện tốt nhất. Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo Bộ Y tế và tham vấn ý kiến chuyên môn của các giáo sư hàng đầu trong nước, chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF.


Theo thông tin từ Bộ Y tế , Vắc xin Pfizer được WHO phê duyệt, khuyến cáo sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên. Bộ Y tế Việt Nam cũng đã phê duyệt, chỉ định tiêm cho người lớn và đối tượng trẻ em từ 12-17 tuổi.

Tham khảo tài liệu từ WHO cũng như ghi nhận từ nhà sản xuất và một số nước đã triển khai tiêm chủng cho thấy, các phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin Pfizer gồm có: đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng đỏ tại vị trí tiêm, buồn nôn, mẩn đỏ tại vị trí tiêm.

Các phản ứng không phổ biến là mất ngủ, đau tứ chi, ngứa chỗ tiêm, nổi hạch. Phản ứng rất hiếm gặp là liệt mặt ngoại biên cấp tính, viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.

Chia sẻ Facebook