Sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam

Chia sẻ Facebook
18/09/2022 15:17:48

Báo chí và các chuyên gia quốc tế tuần qua đã có các bài viết đánh giá về sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam.

Những năm gần đây, Việt Nam ngày càng hấp dẫn với tư cách là một trung tâm sản xuất. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's mới đây đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định.

Việc được các hãng tín nhiệm đánh giá tích cực trong bối cảnh hiện nay một mặt thể hiện uy tín, năng lực cạnh tranh của Việt Nam, mặt khác là cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn đầu tư.


Theo báo The Straits Times của Singapore, điểm đến đầu tư nước ngoài ưa thích của các công ty khởi nghiệp Singapore là Việt Nam - nơi có lực lượng lao động và thị trường lớn, chi phí lao động thấp.

Trang Sohu.com của Trung Quốc nêu ra những lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực về thu hút đầu tư đó là tỷ giá hối đoái ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh nước ngoài không ngừng được cải thiện.

"Tôi cho rằng sức hút với FDI vài năm qua của Việt Nam chủ yếu tới từ trọng tâm chính sách trong hình thành và hỗ trợ các khu công nghiệp. So sánh với các quốc gia khu vực như Thái Lan, Malaysia, hay Trung Quốc, Việt Nam có mặt bằng giáo dục khá cao trong khi chi phí nhân công lại khá cạnh tranh. Chưa kể những hỗ trợ về thuế và chính sách khuyến khích trong giai đoạn đầu của các dự án cũng là điểm cộng. Tuy nhiên, một số hạn chế cần cân nhắc bao gồm sự bão hoà về nguồn cung lao động và hiệu quả logistics", ông Nishad Majmudar - chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm Quốc gia Việt Nam, Moody's đánh giá.

Ảnh minh họa.

Bài viết trên Nikkei cho biết tập đoàn Lotte của Hàn Quốc coi Việt Nam là "quốc gia có tiềm năng tăng trưởng cao nhất ở châu Á". Việt Nam đang trở thành thị trường lớn thứ ba của Lotte sau Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ông Shimizu Akira - Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nhận định: "Cho đến nay, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, tuy nhiên động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng này là do mở rộng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp. Để làm được điều này, cần có một xã hội ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng phát triển. Theo tôi, ODA vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng là động lực tăng trưởng của Việt Nam".

"Kinh tế Việt Nam đi ngược lại xu hướng chững lại của châu Á" - đây là bài viết trên trang mạng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Theo bài viết, chính phủ đang thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh, cùng với đó là sản lượng sản xuất cao và phục hồi trong hoạt động bán lẻ và du lịch.


Đối với các thách thức trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, các nhà điều hành kinh tế của Việt Nam cần điều hành cân đối giữa chính sách phục hồi nền kinh tế với kiểm soát lạm phát và những yếu tố bất ổn trong nền kinh tế, đồng thời cần có một chính sách tài khóa hợp lý để có thể xử lý và phát huy hiệu quả hơn nữa những khoản đầu tư công.

Chia sẻ Facebook