Sức ép tăng lãi suất ngày càng lớn

Chia sẻ Facebook
30/09/2022 14:43:04

Các ngân hàng thương mại cam kết sẽ nỗ lực tiết giảm chi phí để giữ ổn định lãi suất cho vay.

Tính đến ngày 29-9, hầu hết các ngân hàng (NH) thương mại trong nước đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng lên mức tối đa 5%/năm. Lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn dài cũng được đẩy lên cao nhất tới 8,2%/năm.


Lãi suất tiền gửi vượt 8%/năm

Cụ thể, trong biểu lãi suất mới nhất, NH số Cake by VPBank đã tăng lãi suất bậc thang lên mức cao nhất 8,2%/năm đối với các khoản tiền gửi của khách hàng trên 300 triệu đồng và kỳ hạn gửi 36 tháng. Mức lãi suất 8%/năm cũng xuất hiện nhiều hơn khi khách hàng chọn các kỳ hạn gửi dài trên 18 tháng với khoản tiền gửi từ 50 triệu đồng tại NH này.

Cũng có mức lãi suất huy động cao vượt trội là NH Bản Việt. Theo đó, khách hàng gửi lãi suất trực tuyến các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng được hưởng lãi suất tối đa 5%/năm; gửi từ 12-18 tháng được hưởng lãi suất 7,3%/năm và khi gửi dài 24 tháng, khách hàng được NH trả lãi cao nhất tới 7,5%/năm.

Hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, có nơi tăng tới 8,2%/năm với kỳ hạn dài Ảnh: TẤN THẠNH

Trước đó, một loạt NH thương mại tư nhân như SHB, OCB, VPBank, SCB, Eximbank, Sacombank, ACB… cũng đồng loạt tăng lãi suất huy động ngay sau khi NH Nhà nước điều chỉnh các lãi suất điều hành. Ở nhóm NH thương mại nhà nước, đến thời điểm này, tất cả 4 "ông lớn" gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đều tăng lãi suất ở các kỳ hạn. Hiện mức lãi suất cao nhất tại các NH này là 6,4%/năm khi khách hàng gửi kỳ hạn dài từ 12 tháng.

Trên thị trường liên NH, lãi suất giao dịch giữa các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng cao. Cụ thể, ngày 27-9, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm lên 5,16%/năm, 1 tháng lên 5,86%/năm, 3 tháng lên 6,9%/năm…

Đại diện một NH thương mại giải thích, các NH đang phải cạnh tranh về lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn dài bảo đảm cân bằng cho dòng tiền ra vào dịp cuối năm, đồng thời bù đắp cho việc từ đầu năm đến nay NH đã sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn.


Lo lãi suất tăng, room tín dụng vẫn khó

Khi lãi suất đầu vào tăng, lãi suất cho vay được nhận định sẽ chịu sức ép lớn trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chia sẻ tại hội thảo triển vọng thị trường Việt Nam ngày 29-9 do HSBC Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện lạnh (REE), cho biết với xu hướng lãi suất điều hành tăng, hạn mức (room) tín dụng hạn chế nên DN cũng gặp khó khăn nhất định trong hoạt động kinh doanh.

Giải thích thêm với Báo Người Lao Động, bà Mai Thanh cho biết khi tín dụng bị hạn chế, DN phải chuyển sang huy động vốn qua kênh cổ phiếu, trái phiếu. Tuy nhiên, dù huy động vốn qua kênh nào thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là DN có dự án thật sự khả thi. "Về lãi suất, dù lãi suất huy động có tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn được kiểm soát ở mức phù hợp sẽ hỗ trợ tích cực cho DN và nền kinh tế" - bà Mai Thanh nói.

Ông Trần Chín, chủ một DN nhỏ ở TP HCM, cho biết NH đã tăng lãi suất vay vốn lưu động thời hạn vay 6 tháng từ 7,5% lên 9%/năm. Đồng thời, ràng buộc thêm điều kiện là sau khi vay 3 tháng sẽ điều chỉnh theo thị trường và trong bối cảnh này, có thể lãi vay sẽ còn tăng thêm.

Một lãnh đạo NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết so với 3 tháng trước, lãi suất tiết kiệm đã tăng khoảng 1-1,5 điểm %, còn lãi suất cho vay tăng 1 điểm %. Hiện Eximbank đang cho vay vốn lưu động (thời hạn vay 6 đến 12 tháng) với lãi suất 8%-9,4%/năm. Tuy nhiên, trước sức ép lãi suất đầu vào tăng, các NH sẽ nỗ lực duy trì lãi suất cho vay như hiện nay hoặc có thể tăng nhẹ trong thời gian tới.

Lãnh đạo NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng cho hay lãi suất bình quân đầu vào đã tăng thêm 1 điểm % đang gây áp lực khiến lãi suất bình quân đầu ra tăng thêm 0,5 điểm %. Tuy vậy, thời gian tới, VietinBank sẽ phải cân nhắc có tăng thêm lãi suất đầu ra hay không để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc NH TMCP Tiên Phong (TP Bank), nhận định lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất đầu ra cũng phải tăng theo nhưng TP Bank cố gắng để hài hòa quyền lợi giữa NH và khách hàng, bảo đảm tiết giảm chi phí, tìm kiếm các nguồn vốn và cơ cấu vốn một cách hợp lý để chi phí vốn thấp. Điều này tạo tiền đề tăng lãi suất một mức hợp lý và thấp nhất để không gây ảnh hưởng tới khách hàng.

Bà Phùng Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cũng cam kết ổn định lãi suất cho vay. Để làm được điều này, Vietcombank đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ như cơ cấu nguồn vốn huy động một cách tối ưu, tăng cường dịch vụ không rủi ro, tăng doanh thu về dịch vụ, giảm chi phí hoạt động…

"Chúng tôi đã đưa vào các chương trình hoạt động dịch vụ số, tiếp cận người dân qua hình thức online nhằm tiết giảm chi phí nhưng vẫn bảo đảm hoạt động kinh doanh đạt kế hoạch đề ra. Vietcombank vẫn tiếp tục chính sách giữ mặt bằng lãi suất ổn định và có đủ khả năng để hỗ trợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế" - bà Hải Yến nói.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Văn Thuận (Trường Đại học Tài chính - Marketing) cho rằng NH tăng lãi suất tiết kiệm đã tạo ra lãi suất thực cao hơn nhiều so với lạm phát mục tiêu là dưới 4%, bảo đảm cho người gửi tiết kiệm hưởng lãi suất thực dương, kích thích họ nắm giữ VNĐ. “Thời gian qua, NH Nhà nước liên tục bán ra ngoại tệ và Việt Nam xuất siêu trong 9 tháng ước tính hơn 6,5 tỉ USD nên cung cầu ngoại tệ vẫn được bảo đảm. Do đó, dù lãi suất tăng tạo gánh nặng lên chi phí kinh doanh của DN nhưng với tỉ giá VNĐ/USD đang ổn định sẽ giúp giá cả hàng hóa nhập khẩu không tăng cao, kìm hãm đà tăng giá hàng hóa trong nước, từ đó góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô” - ông Thuận phân tích.

Chia sẻ Facebook