Sửa quy định về dầu khí, có góp phần tự chủ năng lượng, xăng dầu?
Việc sửa đổi các quy định của Luật Dầu khí tập trung vào khâu thượng nguồn có thể góp phần đảm bảo nguồn cung, an ninh năng lượng song cần phải được rà soát và hoàn thiện các quy định liên quan đến khâu trung và hạ nguồn.
Ngày 3-6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), khẳng định việc xây dựng luật là hết sức cần thiết, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư.
Mặc dù thời gian qua các quy định luật đã giúp thúc đẩy phát triển ngành dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền, song Bộ trưởng Công thương cho rằng hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập do quy định chưa đồng bộ.
Do đó, dự thảo luật nêu ra các quy định bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật như quy định về điều tra cơ bản, trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí; khung chính sách cho việc thực hiện dự án; ưu đãi đầu tư và ưu đãi đặc biệt; công tác kiểm toán, kế toán, quyết toán, xử lý chi phí hoạt động; cơ sở hạ tầng ngành dầu khí; quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN)…
Thẩm tra dự thảo, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đồng tình về sự cần thiết ban hành dự luật, song ông cho rằng cần có báo cáo đánh giá tác động của các hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn trong việc xây dựng chuỗi giá trị dầu khí và việc quản lý toàn diện, đồng bộ hoạt động dầu khí.
"Một số ý kiến nhất trí phạm vi điều chỉnh chỉ giới hạn hoạt động dầu khí thượng nguồn, gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ quyền biển đảo quốc gia. Đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thực hiện theo quy định tại các luật khác có liên quan" - ông Thanh nhấn mạnh.
Nêu ý kiến, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng hệ thống pháp luật hành thì đã có đủ quy định về điểu kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ có liên quan: kinh doanh khí, xăng, dầu, gas, hoá chất.
Do đó, vấn đề lớn nhất hiện nay cần làm rõ tại sao lại có đặc thù và xử lý được ranh giới rõ ràng trong quy định Luật Dầu khí với các luật có liên quan về điều tra cơ bản, triển khai dự án đầu tư, đấu thầu. Theo đó, cần quy định rõ thế nào là đặc thù, tránh nguyên tắc chung chung, không rõ ràng, cũng như hướng đến cơ chế ưu đãi đầu tư thế hệ mới, cơ chế ưu đãi đặc biệt.
Đặc biệt, trước yêu cầu tự chủ năng lượng, với cơ chế thu hút đầu tư, ưu đãi đầu tư, khai thác hiệu quả thì có thể góp phần đảm bảo nguồn cung, an ninh năng lượng.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng để thực hiện được việc này cần rà soát quy định liên quan tới trung nguồn và hạ nguồn, kết hợp với Luật Dầu khí và các quy định khác tạo ra hệ thống năng lượng tự chủ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng dầu khí và xăng dầu.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng việc dự luật quy định rõ trách nhiệm của PVN để tăng cường tính tự chủ là cần thiết, song phải đảm bảo trong khuôn khổ các quy định của pháp luật, khuôn khổ của những chuẩn mực về quản trị.
"Đây là một doanh nghiệp rất quan trọng, liên quan đến một ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân, liên quan đến những vấn đề an ninh, quốc phòng và quan trọng đến vấn đề đảm bảo tự chủ của nền kinh tế" - ông Lộc nói.
Trong tuần làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 3 (từ ngày 30-5 đến 3-6), Quốc hội khóa XV thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự và các hoạt động được phát thanh, truyền hình trực tiếp.