Sửa quy định tỷ lệ quy đổi tài sản bảo đảm với khoản cho vay đặc biệt
Thông tư 13/2022/TT-NHNN đã sửa đổi, bổ sung quy định tỷ lệ quy đổi tài sản bảo đảm đối với khoản cho vay đặc biệt do Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 13/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2021/TT-NHNN ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Trước đó, Thông tư số 08/2021/TT-NHNN quy định tỷ lệ quy đổi tài sản bảo đảm như sau: Đối với giấy tờ có giá quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, tỷ lệ quy đổi tài sản bảo đảm bằng tỷ lệ tối thiểu giữa giá trị giấy tờ có giá và số tiền cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ; đối với tài sản bảo đảm quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều này, tỷ lệ quy đổi tài sản bảo đảm bằng 170%.
Tuy nhiên, Thông tư số 13/2022/TT-NHNN đã sửa đổi quy định trên. Cụ thể, đối với giấy tờ có giá quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, tỷ lệ quy đổi tài sản bảo đảm bằng tỷ lệ tối thiểu giữa giá trị giấy tờ có giá và số tiền cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ; đối với tài sản bảo đảm quy định tại điểm b, c khoản 1 và khoản 6 Điều này, tỷ lệ quy đổi tài sản bảo đảm bằng 120%.
Bên cạnh đó, trường hợp có tài sản bảo đảm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này dẫn đến tổng giá trị quy đổi của các tài sản bảo đảm đủ điều kiện thấp hơn số dư nợ gốc vay đặc biệt thì bên đi vay phải hoàn thành việc thực hiện quy định tại điểm a khoản 4, điểm a khoản 5 Điều này để tổng giá trị quy đổi của các tài sản bảo đảm đủ điều kiện không thấp hơn số dư nợ gốc vay đặc biệt trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tổng giá trị quy đổi của các tài sản bảo đảm đủ điều kiện thấp hơn số dư nợ gốc vay đặc biệt.
Thông tư số 13/2022/TT-NHNN bổ sung thêm trường hợp bên đi vay đã sử dụng hết tài sản bảo đảm quy định tại khoản 1 Điều này, bên đi vay có thể sử dụng các tài sản sau đây làm tài sản bảo đảm để vay đặc biệt, gia hạn vay đặc biệt hoặc để thực hiện khoản 2 Điều 6 Thông tư này và không phải áp dụng các quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều này đối với các khoản vay đặc biệt còn dư nợ: Thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng); thế chấp quyền tài sản là khoản lãi phải thu phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng).
Bên cạnh đó, trường hợp bên đi vay có tiền thu hồi từ quyền đòi nợ, khoản lãi phải thu làm tài sản bảo đảm cho khoản vay đặc biệt, trong thời hạn 5 ngày làm việc đầu tháng, bên đi vay phải trả nợ gốc của khoản vay đặc biệt này theo thứ tự từ khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất, số tiền trả nợ bằng tổng số tiền thu hồi nợ phát sinh trong tháng trước liền kề.
Bên cạnh đó, Thông tư 13/2022/TT-NHNN đã bãi bỏ điểm d khoản 1 Điều 12 của Thông tư 08/2021/TT-NHNN quy định việc thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cho vay của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng). Đồng thời, thay thế Phụ lục III, Phụ lục IV, Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-NHNN bằng Phụ lục III, Phụ lục IV, Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.
Về hiệu lực thi hành, Thông tư 13/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 28/10/2022. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, đối với khoản vay đặc biệt phát sinh từ ngày 27/10/2021 và còn số dư đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, trên cơ sở áp dụng tỷ lệ quy đổi tài sản bảo đảm quy định tại Thông tư này, tổ chức tín dụng được sử dụng tài sản bảo đảm đang thế chấp tại Ngân hàng Nhà nước để tiếp tục vay đặc biệt, bảo đảm tổng giá trị quy đổi của các tài sản bảo đảm đủ điều kiện không thấp hơn tổng số tiền vay đặc biệt.
Tuệ Minh