Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân sát với thực tiễn
Theo chuyên gia, quá trình thực tiễn phát triển đã có nhiều thay đổi, thì Luật thuế thu nhập cá nhân cũng cần phải sửa để tương thích với điều kiện sống của người dân.
Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân sát với thực tiễn
Gánh nặng người nộp thuế
Theo các chuyên gia, chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay có nhiều bất cập, chưa theo kịp mức sống của người dân và lạm phát. Trong đó, có hai bất cập của Luật thuế TNCN đang được quan tâm đó là cách tính thuế lũy tiến theo 7 bậc và quy định về mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp thực tế.
Cụ thể, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, phụ cấp, trợ cấp, số còn lại là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.
Cùng với đó, cách tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có thuế suất tương ứng: Mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống chịu thuế suất 5%; mức 5-10 triệu đồng 10%; mức 10-18 triệu đồng 15%; mức 18-32 triệu đồng 20%; mức 32-52 triệu đồng 25%; mức 52-80 triệu đồng 30% và từ 80 triệu đồng/tháng trở lên 35%.
Nhiều ý kiến đánh giá, việc quy định biểu thuế TNCN lũy tiến với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế là quá dày cộng với thuế suất cao, khiến gánh nặng không nhỏ đối với người nộp thuế, bởi thu nhập vừa mới nhích lên đã rơi vào bậc thuế cao hơn. Vì vậy, Luật Thuế TNCN sửa đổi nên giảm bậc chịu thuế xuống còn 3-5 bậc và hạ thuế suất của các bậc xuống. Còn với mức thuế suất ở bậc cao quy định như hiện nay, chỉ có tính “cào bằng”, chưa thể hiện được tính công bằng.
TS. Lê Quang Cường, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cho rằng, nên cân nhắc lại mức thuế suất đối với thuế thuế TNCN và nới lỏng khoảng cách giữa từng bậc thuế.
"Mức độ thuế suất đỉnh của chúng ta là 35%, ngang bằng với những nước phát triển hơn mình. Nên chăng là rút cái đỉnh đó thấp hơn. Mức thuế suất cao nhất hiện tại còn cao hơn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%.
Về mô hình giảm trừ gia cảnh, hay mức giảm trừ thuế ở một số nước phát triển, ví dụ như Mỹ đưa ra mức giảm trừ 15.000 USD nhưng cho 2 cách thức. Cách 1 có thể chọn ngay mức giảm trừ này. Cách 2 có thể chọn trừ theo chi phí (nhà cửa, đóng học cho con cái,... ) rồi trừ theo chi phí đó và cái hay là lấy hoá đơn thì người bán sẽ không thể trốn thuế”, TS. Lê Quang Cường chia sẻ.
Sửa Luật sát với thực tiễn
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS . Bùi Thị An, Nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII cho biết, trong suốt 15 năm qua, có hai lần tăng mức giảm trừ gia cảnh với thuế TNCN là quá chậm. Bởi vì cơ sở để tính giảm trừ gia cảnh và thuế TNCN dựa theo chỉ số giá tiêu dùng, trong khi chỉ số giá tiêu dùng đã tăng, ví dụ thời gian vừa qua giá xăng tăng phi mã chỉ trong vòng vài tháng. Chủ trương của Đảng và Chính phủ là mọi chính sách đều phải lấy người dân làm trung tâm, do đó mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không phù hợp nữa, thậm chí là quá chậm đối với cuộc sống thực của người dân. Vì vậy cần phải có sự điều chỉnh thích hợp, hoặc có những điều khoản trong Luật để có quyền điều chỉnh khi giá tiêu dùng tăng nhanh.
“Theo tôi, việc căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng là đúng, nhưng cục Thuế nên tính toán dựa trên những mặt hàng thiết yếu với người dân. Ngoài ra, trong quá trình phát triển thực tiễn có nhiều vấn đề không nói trước được, vì thế cần phải có sự dự báo, xây dựng các kịch bản chuẩn bị sẵn, giả định khi các trường hợp xảy ra thì có phương án ứng phó, không để bị động mà Nhà nước và nhân dân đều không bị bất lợi”, PGS.TS . Bùi Thị An đề nghị.
Như các chuyên gia phản ánh, ngoài mức khởi điểm chịu thuế quá thấp thì Luật thuế TNCN hiện hành còn có những bất cập như khoảng cách giữa bậc thuế quá dày hay cào bằng ở mọi đối tượng, vùng miền. Vấn đề này, vị PGS cũng phân tích, thực tế chúng ta có các phụ cấp khu vực khác nhau và căn cứ vào tiêu thực tiễn để đưa ra các quyết định. Đởn cử một sản phẩm nông sản ở nông thôn có giá thành thấp, nhưng ở thành thị chịu mức giá cao hơn, do đó, cơ quan tính thuế không nên cào bằng với mọi đối tượng, khu vực. Nếu không thể chi tiết đến 100% thì cũng phải đại thể một cách phù hợp.
Một điểm nữa là mục tiêu của Chính phủ là nâng cao đời sống của người dân, trong khi lương tối thiểu đã tăng lên rồi, chất lượng cuộc sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần cũng đã tăng cao, nên phải tính toán chi phí của người dân ở mức tương xứng cho việc tính thuế. Việc sửa đổi Luật cần có tầm nhìn dài hạn, tránh lạc hậu, đừng để năm nay tăng mức giảm trừ gia cảnh, sau một năm, hai năm thấy không phù hợp lại phải điều chỉnh tiếp. Những vấn đề này thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, nên có dự báo, tính toán trước và ở thời điểm này vẫn còn kịp mà không gây hại gì.
“Câu hỏi đặt ra là thuế TNCN cần điều chỉnh thế nào để phù hợp với mức sống của người dân mà không chịu áp lực thì trước hết phải nói, mức chi tiêu cho cuộc sống hiện nay khá cao, tiêu biểu như chi phí đi lại trong bối cảnh giá xăng dầu nhiều biến động, nhưng hệ thống giao thông công cộng ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, cần phải xem xét lại về mức chịu thuế TNCN cần tăng lên ở mức nào là thích hợp, để năm sau không phải xem xét lại hay tăng lên tiếp. Ngoài căn cứ thực tiễn, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của trong khu vực hay nhiều nước trên thế giới.
Đặc biệt, để những điều luật đi vào cuộc sống nhanh nhất và giảm độ trễ thấp nhất cũng không hề đơn giản. Theo tôi, sửa đổi luật cần phải đạt được các mục tiêu về tuổi thọ cao, sát thực tiễn, có tính khả thi. Trong trường hợp này, không ai muốn sửa luật nhưng quá trình thực tiễn phát triển đã có nhiều thay đổi, thì chúng ta cần phải sửa để tương thích với điều kiện sống của người dân.
Trong quá trình làm luật cũng nên có sự mở ngoặc, ví dụ thuế TNCN giảm trừ bằng ngày gia cảnh, nhưng trong trường hợp chỉ số tiêu dùng tăng thì đề nghị có cho phép Chính phủ điều chỉnh ngay trong phạm vi cho phép, điều đó không sai vì đã có giám sát của Quốc hội. Quá trình làm luật cần chặt chẽ, nhưng có những vẫn nên có điều kiện mở ngoặc gắn với điều kiện thực tế”, PGS.TS . Bùi Thị An nhấn mạnh.
Diễm Ngọc
Diễn Đàn Doanh Nghiệp