Sửa Luật Đất đai: Cần có tiêu chí, điều kiện để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ các trường hợp thu hồi đất cũng như nhấn mạnh tính độc lập, khách quan, trung thực trong xác định giá đất.
Rà soát các trường hợp thu hồi đất
Sáng 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 để cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 81 “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” cần được định lượng cụ thể hơn. Cần có quy định hướng dẫn chi tiết bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.
Đồng thời, cần có cơ chế và phân công trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thi hành nguyên tắc này để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị rà soát các quy định về các khoản thu tài chính từ đất đai, điều tiết nguồn thu từ đất. Đề nghị Chính phủ có lộ trình rà soát, tổng kết thi hành Luật Ngân sách nhà nước, luật về thuế sử dụng đất để báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thể chế hóa các yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW và đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi).
Bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xác định giá đất
Bên cạnh đó, quy định của dự thảo Luật chưa làm rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất theo yêu cầu của Nghị quyết số 18. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm.
Về giá đất cụ thể, theo ông Vũ Hồng Thanh để bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực trong xác định giá đất, cần quy định việc thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất là bắt buộc. Thành viên Hội đồng thẩm định giá đất phải là các chuyên gia, cơ quan chuyên môn có liên quan đến hoạt động định giá đất, bảo đảm tính độc lập với cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là giá đất và cơ chế tài chính về đất đai vấn đề khó nhất, quy định làm sao để vận hành trong thực tế. Việc bỏ khung giá đất nhưng vẫn có bảng giá đất, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vai trò của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong việc định giá đất như thế nào… cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Về quan điểm xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), ngoài quan điểm đã nêu trong dự án luật, Tờ trình, Báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các dự án luật khác bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính chất ổn định về pháp luật đất đai qua các thời kỳ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt và được Trung ương khẳng định.
Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay. Cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng, trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể. Trong quá trình xây dựng luật cần tách bạch quan hệ đất đai mang tính chất công với quan hệ đất đai mang tính chất tư.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 156 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.
Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất; sửa đổi nguyên tắc giá đất bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định (Điều 132).
Quy định bảng giá đất, được xây dựng định kỳ hàng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1 tháng 1 của năm phù hợp với cơ chế thị trường và được áp dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí… (Điều 133).
Đối với khu vực đã có bảng giá đất tới từng thửa đất theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn thì việc định giá đất cụ thể được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm định giá (Điều 134).
Bổ sung quy định về điều tiết nguồn thu từ đất của các địa phương về ngân sách trung ương để hỗ trợ cho phát triển; quy định UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tiễn của địa phương quy định mức điều tiết để hỗ trợ cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi và người có đất bị thu hồi (Điều 127).
Đồng thời kiểm soát tình trạng đầu cơ đất đai thông qua công cụ tài chính thuế tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất để đảm bảo quỹ đất được sử dụng hiệu quả (Điều 126).