Sự trỗi dậy của AI mở ra giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến giữa các "Big Tech"
VietTimes – Đằng sau tin đồn về trận đấu tay đôi giữa ông chủ Twitter Elon Musk và CEO của Meta Platform, cuộc chiến khốc liệt giữa các “Big Tech” đã thành hình từ lâu.
Dù cho “Trận quyết đấu trong lồng sắt của Thung lũng Silicon” có thực sự diễn ra hay không, thì những “gã khổng lồ” này cũng đã ở sẵn vị trí đối đầu với nhau từ lâu. Và sự đối đầu này chỉ có thể trở nên căng thẳng hơn sau giai đoạn dịch COVID-19, sự sụp đổ của cổ phiếu công nghệ và sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh.
AI “đang khiến mọi người lo lắng”, Tim Wu, giáo sư đến từ đH Columbia và là trợ lý đặc biệt của Tổng thống Joe Biden về chính sách cạnh tranh và công nghệ, cho hay. “Có khả năng rất thực tế là một công ty không biết từ đâu xuất hiện và vượt qua tất cả những 'tay chơi' lâu năm khác”.
AI sẽ chỉ làm gia tăng sự cạnh tranh giữa những “gã khổng lồ” công nghệ này. Vậy điều gì sẽ xảy ra với thế giới? Có thể là sự tiến bộ trong công nghệ, cũng có thể là “ngày tận thế” do AI gây ra. Sau đây là chi tiết về tình hình cuộc đối đầu hiện tại.
Cuộc đối đầu khốc liệt giữa các “Big Tech”
Nhiều người gọi đây là “Cuộc chiến Công nghệ lớn”, khi mà con người đã trải qua nhiều thập kỷ sáng tạo đổi mới và chiến lược, để rồi dẫn đến các cuộc đối đầu trên nhiều lĩnh vực như hiện nay.
Thứ nhất là tìm kiếm: Thống trị trong lĩnh vực này là Google. Họ nắm giữ đến 93% thị phần công cụ tìm kiếm toàn cầu, trong khi Bing của Microsoft bấy lâu nay chỉ nắm giữ khoảng 3%, theo công ty phân tích dữ liệu StatCounter. Bước đột phá của Microsoft trong lĩnh vực AI với sự ra mắt của Bing tích hợp ChatGPT thế hệ mới đã phần nào tái khởi động lại cuộc chiến công cụ tìm kiếm.
Công cụ tìm kiếm đóng vai trò hết sức quan trọng đối với người dùng trên toàn thế giới, bởi họ cần có những câu trả lời đối với nhiều câu hỏi gặp phải hàng ngày. Điều này cũng rất quan trọng đối với các công ty công nghệ, vì họ kiếm tiền từ các truy vấn tìm kiếm này.
Thứ hai là mạng xã hội: Facebook và Instagram, cả hai đều thuộc sở hữu của Meta ; TikTok, Twitter, LinkedIn, Snapchat. Tất cả những nền tảng này đều tìm đủ cách để giữ chân người dùng bằng cách cung cấp những đoạn văn bản, hình ảnh và video không bao giờ kết thúc. Từ mục đích ban đầu là kết nối người dùng, những nền tảng này giờ tập trung vào việc cung cấp những đoạn video gây nghiện. Và các công ty này đều lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để tranh giành quảng cáo.
Đây cũng là một phần nguyên nhân mà Musk và Zuckerberg hẹn đấu trong lồng sắt. Được biết, Meta đang chuẩn bị cho ra mắt đối thủ cạnh tranh của Twitter, một ứng dụng mới tích hợp với Instagram nhưng tập trung hơn vào những thông tin cập nhật dạng văn bản.
Thứ ba là các nền tảng: Ngày nay, hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google đang thống trị cuộc chiến này. Hai công ty đều muốn khách hàng chi tiền để được gia nhập vào hệ sinh thái phần cứng (điện thoại, máy tính bảng, máy tính), phần mềm (mail, tin nhắn...) và dịch vụ (App Stores, nhạc, phim...) của họ bởi họ kiếm tiền dựa trên những sản phẩm này.
Mặc dù Microsoft không tham gia vào không gian điện thoại di động, nhưng Windows vẫn tham gia cạnh tranh trong không gian máy tính để bàn và laptop. Các đối thủ cạnh tranh, bao gồm Meta và công ty mẹ của TikTok, đều đang trang bị cẩn thận để chống lại Apple trong cuộc chiến nền tảng tiếp theo: tai nghe thực tế hỗn hợp.
Thứ tư là điện toán đám mây: Google Cloud, Microsoft Azure và Amazon AWS được sử dụng bởi nhiều công ty trên khắp thế giới để cung cấp các dịch vụ đám mây, bao gồm các website và hàng loạt công cụ khác. Hầu như vô hình đối với người dùng, những hệ thống này về cơ bản giúp vận hành internet.
Trong tuần trước, Google đã đệ đơn khiếu nại lên Uỷ ban Thương mại Liên bang (FTC) cáo buộc Microsoft có những hành vi không công bằng để loại bỏ sự cạnh tranh trên thị trường điện toán đám mây. Một phát ngôn viên của Microsoft cho hay công ty này đã đưa ra một số sự thay đổi để giải quyết những quan ngại đó và cung cấp thêm cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây.
Sự trỗi dậy của AI làm thay đổi cục diện
Tất cả những lĩnh vực nêu trên đều bị tác động bởi sự trỗi dậy của AI, đặc biệt là trong lĩnh vực tìm kiếm.. Theo WSJ, rất nhiều người hiện nay bỏ qua Google và chuyển sang sử dụng ChatGPT của OpenAI để thực hiện các cuộc tìm kiếm thông tin trên mạng.
Một công cụ khác đến từ Microsoft là Bing, mặc dù đã tồn tại từ lâu nhưng lại được cải biến – và có tiềm năng đe doạ Google. Bing hiện nay đã được tích hợp công nghệ của OpenAI thông qua một thoả thuận đối tác trị giá nhiều tỉ USD. CEO Microsoft Satya Nadella và CEO Google Sundar Pichai không hẹn nhau “đấu tay đôi trong lồng sắt”, nhưng họ vốn đã lao vào một cuộc đối đầu khốc liệt, chủ yếu dùng lời nói chứ không phải nắm đấm.
Google đang gấp rút cho ra mắt các sản phẩm AI tạo sinh, bao gồm chatbot có tên Bard và một trải nghiệm tìm kiếm mới đang trong quá trình thử nghiệm. Tính đến thời điểm này, người dùng là bên được hưởng lợi nhất.
"Thực tế là sự cạnh tranh khốc liệt giữa họ có thể mang lại lợi ích cho người dùng", Jim Bessen, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Công nghệ và Chính sách thuộc Đại học Boston, nhận định.
Đối với các nền tảng và mạng xã hội, Meta đã cho ra mắt nhiều mô hình AI và nghiên cứu. LinkedIn của Microsoft đã được tích hợp các công cụ AI để cải thiện các bài đăng, và Snap đã có chatbot AI trong ứng dụng của nó. Microsoft cũng đã bắt đầu tích hợp AI vào hệ điều hành Windows, Word, Excel và nhiều sản phẩm khác của họ. Google cũng làm điều tương tự với Docs, Sheets và các sản phẩm khác. Giới chuyên gia dự báo rằng Apple cũng sẽ đưa ra động thái tương tự trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đám mây cũng đang tận dụng lợi ích từ AI. Amazon, Microsoft và Google đều đặt AI tạo sinh là trung tâm của các hoạt động bán hàng B2B của họ.
Tuy nhiên, phần thú vị của cuộc đấu giữa các “Big Tech” chính là, những công ty có thể giành thế thống trị trong vòng một thập kỷ tới chưa chắc đã là những “gã khổng lồ” hiện nay.
Cách đây chỉ một năm, gần như chưa có ai nghe về cái tên OpenAI, nhưng giờ nó là cái tên nổi tiếng khắp thế giới. Đương nhiên công ty này được Microsoft đứng sau hậu thuẫn, nhưng nó cũng đang hợp tác với nhiều ứng dụng và dịch vụ khác ngoài Microsoft, tích hợp ChatGPT và nhiều công cụ AI khác.
“Sẽ thật tuyệt vời nếu như sau cuộc cải tổ này, chúng ta có thêm được nhiều thứ mới mẻ”, Tim Wu, nói. Điều đó có nghĩa rằng sẽ có ít những cuộc đấu tay đôi trong lồng sắt hơn, dù là thực tế hay tưởng tượng. “Những doanh nhân thực thụ không có thời gian để làm những thứ như vậy. Họ sẽ cố gắng tìm cách tạo ra những sản phẩm tốt hơn”./.
Theo Wall Street Journal