Sự tráo trở của thơ

Chia sẻ Facebook
08/09/2023 04:29:48

Điều này tôi có thể nhận rõ trong những ngày này, trên mạng xã hội, khi người ta công khai chụp lại hình ảnh những bài (gọi là) thơ của một ông nghị được in trên một tờ báo tỉnh, một tờ báo của Hội thanh niên, một tờ báo của Quốc hội và cả những sapo cùng những lời bình có cánh về những bài (gọi là) thơ ấy.

Marcel Reich Ranicki (1920 – 2013), nhà phê bình văn học người Đức gốc Ba Lan, người được ca ngợi là “Giáo hoàng của văn chương Đức”, sinh thời từng tỏ một thái độ đầy cảnh giác với thơ. Ông nhận định rằng, nói chung, thơ là thứ tráo trở nhất trong các thể loại của văn chương. Nghĩa là, thơ tráo trở hơn truyện ngắn, tráo trở hơn tiểu thuyết, tráo trở hơn bi kịch và hài kịch, tráo trở hơn các loại ký và tiểu luận. Tráo trở hơn tất thảy.


Ranicki không nói rõ sự tráo trở ở đây mang nghĩa cụ thể như thế nào? Và tại sao lại là thơ chứ không phải bất kỳ thể loại nào khác? Nhưng xét ở vị trí hành nghề của ông, một nhà phê bình văn học, hiểu đơn giản là người tiếp nhận và diễn giải các văn bản nghệ thuật ngôn từ, thì sự tráo trở mà Ranicki đề cập, có thể là bởi cái phẩm tính mông lung hoặc trơn chuội, khó nắm bắt, khó định dạng và định giá của các tác phẩm được gọi là thơ. Thơ giống như vốc cát trong bàn tay nhà phê bình, phần giữ lại được thì ít, phần tuột ra khỏi các kẽ tay thì nhiều. Hoặc giả nó như bóng ma, tưởng đã tóm được nó ở đây, thì sau đó nó lại xuất hiện ở kia, với một hình thù khác, và đang lớn tiếng cười nhạo những nỗ lực trước đó của nhà phê bình.

Và nếu vậy, chắc hẳn nhiều nhà phê bình, trong đó có tôi, sẽ chia sẻ được với thái độ của Marcel Reich Ranicki về sự tráo trở của thơ. Rằng thật ra, phê bình thơ là một công việc cực kỳ xương xẩu, bất kể đó là một tập thơ hoặc một bài thơ. Tất cả đều hiện lên trên bề mặt câu chữ, nhưng dường như vẫn có một “cái gì đó” ở bài thơ hoặc tập thơ cứ thoát ra ngoài, lẩn đi, cưỡng chống mọi cố gắng truy đuổi của nhà phê bình. Ấy là chưa kể, các nhà phê bình, bằng hướng tiếp cận, công cụ, quan điểm và cá tính phê bình khác nhau, lại đọc thơ theo các cách khác nhau và có thể cho ra những kết quả cũng rất khác nhau. Lịch sử của việc đọc thơ không vần của Nguyễn Đình Thi, ở thời điểm năm 1948, trong Hội nghị văn nghệ Việt Bắc, và lịch sử của việc đọc thơ Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao trong những năm cuối thập niên 1950, nếu so với sau này, thì quả là một đất một trời. Trước, chúng là thứ bí hiểm tắc tỵ, chỉ đáng vứt đi. Sau, chúng là những đặc phẩm thơ được tắm trong ánh sáng của chủ nghĩa hiện đại, rất hiện đại và đầy tinh thần khai mở.

Marcel Reich Ranicki (1920 – 2013), nhà phê bình văn học người Đức gốc Ba Lan, người được ca ngợi là “Giáo hoàng của văn chương Đức”


Nhưng những ví dụ mà tôi đưa ra để nói về sự tráo trở của thơ, oái oăm thay, lại là thơ của những “đấng, bậc” đích thực trên thi đàn Việt Nam thế kỷ XX. Dù có cố tình vùi dập thơ của họ, vì những lý do này hay khác, hoặc đơn giản chỉ là thấy không hợp, không thích, thì người ta vẫn cứ phải “kiềng” họ, thậm chí vẫn ngấm ngầm công nhận họ là những tài năng. Cho nên, trong trường hợp này, cái gọi là sự tráo trở của thơ thực chất lại là sự tráo trở của những người đọc thơ.

Thật ra gọi nó là thơ hay là gì đấy không phải thơ, không hề điều quan trọng. Miễn nó phải là sản phẩm của nghệ thuật ngôn từ, ít nhất ở mức “sạch nước cản”. Nhưng đây chỉ thuần là những văn bản mang ý hướng ca ngợi, tuyên truyền rõ rệt, đơn nghĩa, thể hiện một năng lực huy động, sai sử tiếng Việt khá nghèo nàn và còn xa mới có thể nói được gì đó về “nghệ thuật ngôn từ” của nó. Cũng chẳng sao.

Theo tôi, trong thi quốc này, không ai cấm ai cái quyền được làm thơ, cũng chẳng ai bắt buộc mỗi người làm thơ dứt khoát phải trở thành một thi sỹ của non sông. Ai thích làm thơ thì cứ việc làm thơ, như một sự bộc bạch với chính mình. Nhưng cái mà người ta, tôi muốn nói đến các tờ báo có trang văn hóa văn nghệ, ít nhất cũng phải đưa lên thành nguyên tắc: Không in thơ chưa “sạch nước cản”, không nương tay, và càng không tìm mọi cách chiều nịnh để biến cát thành vàng.


Tất nhiên là khó. Càng khó hơn cho các Biên tập viên và cho chính ông Tổng Biên tập tờ báo một khi tác giả những bài (gọi là) thơ ấy có lời gửi gắm. Nhưng vẫn buộc phải tìm cách mà thực hiện nguyên tắc thôi. Vì nó là đạo đức báo chí và là lương tri cần cho thơ. Nếu không, sự tráo trở của thơ chưa thấy đâu thì đã thấy sự tráo trở của những người đăng thơ .


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook