Sự thiếu hụt nửa triệu lao động gen Z: Tại sao không đi làm?
Các nhà kinh tế đang đau đầu tìm ra nguyên nhân vì sao ngày càng ít người từ độ tuổi 20-24 đi làm hoặc tìm kiếm việc làm.
Lực lượng lao động Mỹ đang dần quay trở lại thị trường việc làm sau những tháng ngày khó khăn bởi đại dịch. Thế nhưng, có một nhóm người vẫn vắng bóng một cách kỳ lạ: Những người ở độ tuổi đầu 20.
Gen Z từ 16-19 tuổi hăng hái, lớn hơn một chút thì không
Đối với những người trên 15 tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tức là tỷ lệ những người có việc làm hoặc đang tích cực tìm kiếm việc làm, đã giảm từ mức trung bình 63,1% vào năm 2019 xuống 61,7% vào năm 2021 và phục hồi lên 62,2% vào tháng 10 năm nay.
Nhưng đối với những người từ 20-24 tuổi, tỷ lệ tham gia trung bình là 72,1% vào năm 2019, và chỉ ở mức 70,8% vào tháng 10 năm 2022. Điều đó tương đương với sự thiếu hụt khoảng nửa triệu lao động ở độ tuổi đầu 20 khi so sánh quy mô hiện tại của lực lượng lao động này với năm 2019.
Sự tham gia lực lượng lao động của những người trên 55 tuổi cũng thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Một phần lý do của tình trạng đó có thể là vì nhiều người lựa chọn nghỉ hưu sớm, dù là tự nguyện hay do khó tìm được công việc phù hợp ở chặng cuối của con đường sự nghiệp.
Tuy nhiên, những lý do này không thể áp dụng cho những người đang ở độ tuổi 20 – độ tuổi để bắt đầu sự nghiệp của đa số chúng ta.
Nhu cầu về người lao động rất lớn. Khi các bang mở cửa trở lại nền kinh tế của họ vào năm 2021, các nhà tuyển dụng cạnh tranh gay gắt để thu hút nhân lực. Tiền lương tăng mạnh và cơ hội việc làm trở nên nhiều vô số kể. Một số nhà tuyển dụng thậm chí còn giảm yêu cầu tuyển dụng.
Đó là mẹo để thu hút những người từ 16-19 tuổi tham gia vào lực lượng lao động và họ đã đạt được mức tăng lương nhanh nhất so với bất kỳ nhóm tuổi nào vào năm ngoái. Tỷ lệ tham gia của nhóm này trung bình là 36,2% vào năm 2021, cao nhất kể từ năm 2009 và từ đó đã tăng lên 36,6% trong năm nay cho đến tháng 10.
Muốn trải nghiệm, muốn bằng cấp
Các nhà kinh tế đã nêu ra một số khả năng giải thích cho việc tại sao nhiều người ở độ tuổi 20 vẫn đứng ngoài cuộc.
Trước đây, sự suy giảm tham gia lực lượng lao động ở những người trẻ tuổi thường xảy ra đồng thời với sự gia tăng tỷ lệ nhập học của họ. Điều này phản ánh yêu cầu tương đối cao đối với người lao động. Họ cần phải có trình độ hoặc kỹ năng cao, đặc biệt là trong một thị trường lao động yếu kém, các nhà kinh tế cho biết. Đó là những gì đã xảy ra trong cuộc Đại suy thoái nhưng lần này thì không giống thế.
Theo National Student Clearinghouse, một tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục, có ít hơn 1,5 triệu sinh viên đăng ký vào đại học vào mùa thu này so với trước đại dịch. Tuy nhiên, tỷ lệ đăng ký học sau đại học trong độ tuổi từ 21-24 cao hơn 8,5% trong cùng thời kỳ. Nhóm tuổi đó gần như đã hoàn toàn thúc đẩy tỷ lệ nhập học sau đại học tăng 1,6% từ năm 2020 đến năm 2022.
Andria Smythe, một nhà kinh tế tại Đại học Howard, cho biết dựa vào con số trên có thể chỉ ra rằng một số người lao động ở độ tuổi ngoài 20 không đi làm vì họ đang theo học các chương trình sau đại học, một số trong đó có thể vừa học vừa làm.
Những người lao động ở độ tuổi đầu 20 có thể đã quyết định tiếp tục đi học vì sự gián đoạn của đại dịch vào năm 2020, khi các trường học chuyển sang dạy trực tuyến.
“Đối với đại đa số sinh viên, vào đại học là để có thêm trải nghiệm cũng như có bằng cấp. Vì vậy, nếu hướng giải thích này đúng thì họ đang tìm cách để không bỏ lỡ những gì mình muốn,” Ron Hetrick, một nhà kinh tế học tại công ty phân tích dữ liệu Lightcast cho biết.
Không trả thêm tiền thì đừng mong làm việc chăm chỉ
Bên cạnh đó, có một số người ở độ tuổi ngoài 20 không đi học cũng không đi làm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, một nhóm liên chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đã theo dõi tỷ lệ những người không làm việc, không học tập hay tham gia các chương trình đào tạo nào cả. Và những người này được gọi là NEET (Not in Education, Employment or Training).
Tỷ lệ NEET đối với lao động Hoa Kỳ từ 20-24 tuổi đã tăng từ 14,67% vào năm 2020 lên 18,27% vào năm 2021, cao nhất kể từ năm 2014.
Theo Alejandra Grindal, tỷ lệ NEET có thể đã tăng lên, đặc biệt là đối với những người lao động từ 20-24 tuổi vì một số người trong số họ có thể đã bỏ học trong những ngày đầu của đại dịch khi họ là học sinh trung học phổ thông.
“Tỷ lệ NEET luôn cao hơn nhiều ở những người thậm chí còn không có trình độ học vấn trung học phổ thông,” bà Grindal nói.
Những người này dường như bị ngắt kết nối và không có khả năng làm việc vì nhiều lý do khác nhau như chăm sóc trẻ em, chịu ảnh hưởng của hậu Covid, sợ mắc Covid khi đi ra ngoài hay mắc phải các vấn đề về tâm lý.
Suy cho cùng, những người ở độ tuổi 20 có thể chỉ đơn giản là đang chờ đợi cơ hội việc làm thích hợp đến với mình, dù cho đây là một mong muốn xa xỉ trong một thị trường lao động vẫn còn eo hẹp của nước Mỹ.
“Họ có thể chỉ đưa ra quyết định phù hợp nhất với bản thân và không muốn cứ nhất thiết phải lao đầu vào thị trường lao động để có được công việc đầu tiên ở đó,” nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Giáo dục và Lực lượng Lao động của Đại học Georgetown Nicole Smith cho biết.
Tỷ lệ tuyển dụng bắt đầu tăng vọt vào năm 2021 và đến năm nay vẫn đang ở mức cao trong lịch sử. Số lượng người lao động bỏ việc cũng tiếp tục tăng cao, thể hiện sự tự tin trong việc tìm kiếm một công việc mới.
“Những phong trào như “được trả bao nhiêu thì làm bấy nhiêu” và “bỏ việc trong im lặng” đã thể hiện rất rõ những sự thay đổi trong lối suy nghĩ của những người lao động trẻ tuổi. Họ nghĩ mình có nhiều khả năng thương lượng hơn nên một số trở nên kén chọn hơn,”, nhà kinh tế học tại Viện Công nghệ Stevens ở Hoboken, N.J. là Justine Hervé cho biết.
“Được trả bao nhiêu thì làm bấy nhiêu” và “bỏ việc trong im lặng” là cả hai cụm từ phổ biến trong năm nay.
Tham khảo WSJ