Sư Thích Nhật Từ bị phật tử chùa Ba vàng kiện
Bà Phạm Thị Yến (Phật tử Chùa Ba Vàng) kiện ông Trần Ngọc Thảo (sư Thích Nhật Từ, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPG Việt Nam TP.HCM) đòi bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín vì cho rằng sư Từ đã có những phát ngôn bịa đặt trên mạng xã hội.
Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 26/12, HĐXX TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự yêu cầu bồi thường về việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm do bà Phạm Thị Yến (được biết đến là một Phật tử chùa Ba Vàng) khởi kiện ông Trần Ngọc Thảo (sư Thích Nhật Từ) do có những phát ngôn bịa đặt trên mạng xã hội.
Bị kiện vì phát ngôn chưa chính xác
Khi các cơ quan truyền thông đưa thông tin ồn ào về việc thỉnh vong và cúng oan gia trái chủ xảy ra tại Quảng Ninh, ông Trần Ngọc Thảo đã sử dụng pháp danh Thích Nhật Từ cùng 2 kênh YouTube để đăng các bài nói chuyện với Phật tử và nói rằng bà Yến đã phạm tội truyền bá mê tín dị đoan và bị cấm cư trú ở tỉnh Quảng Ninh.
Cụ thể, bản án sơ thẩm do TAND quận 10 thể hiện, trong khoảng thời gian đầu năm 2020, hai kênh YouTube “Đạo Phật ngày nay” và “Thích Nhật Từ Official” đã đăng tải các thông tin khẳng định bà Phạm Thị Yến bị UBND tỉnh Quảng Ninh “phạt 5 triệu đồng tội truyền bá mê tín thông qua tà pháp thỉnh oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng và một số nơi khác trên địa bàn tỉnh” ; “UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấm bà (Phạm Thị Yến) không được quyền tạm trú trên toàn tỉnh Quảng Ninh từ ngày 26/03/2019 và cấm không được thuyết giảng truyền bá mê tín…”.
Đại diện nguyên đơn bà Phạm Thị Yến cho rằng việc sư Thích Nhật Từ phát ngôn các thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt.
Tại bản án sơ thẩm, HĐXX đã bác yêu cầu của bà Yến và cho rằng việc bà Yến bị xử phạt hành chính là có thật và việc sư Thích Nhật Từ chỉ nói lại theo thông tin báo chí nhưng nói chưa chính xác.
Sau đó, khi bà Yến khởi kiện sư Thích Nhật Từ ra TAND quận 10 thì sư Từ đã chỉnh sửa video và cắt những phần nói không đúng khỏi video đã phát.
Sau khi có bản án sơ thẩm, đại diện của bà Phạm Thị Yến đã có đơn xin kháng cáo bản án, đề nghị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để giải quyết lại do bản án vi phạm tố tụng và đưa ra nhận định chủ quan.
Quyết định xử phạt bà Phạm Thị Yến đã được rút?
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện nguyên đơn cho rằng đến thời điểm này bà Yến không hề bị xử phạt như sư Thích Nhật Từ nói.
Về quyết định bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng trước đó do UBND phường Quang Trung (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) ban hành phạt bà Yến thì bà đã khởi kiện ra tòa, sau đó quyết định này đã được rút.
Theo đó, người đại diện cho rằng, việc phát ngôn trên nền tảng mạng xã hội, sư Thích Nhật Từ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với phát ngôn bịa đặt của mình theo Luật an ninh mạng và các nghị định hướng dẫn về sử dụng mạng xã hội.
Tại phiên tòa, đại diện bị đơn cũng khẳng định việc sư Thích Nhật Từ phát ngôn trên mạng xã hội là căn cứ vào các thông tin được đăng tải trên các trang báo và đài truyền hình. Đây là những thông tin công khai.
Đến nay chưa có tờ báo nào đính chính về việc bà Yến được rút quyết định xử phạt. Sư Thích Nhật Từ chỉ nhầm lẫn về chủ thể xử phạt giữa cấp phường và cấp tỉnh.
Đại diện bị đơn còn cho rằng việc sư Thích Nhật Từ phát ngôn trên nền tảng xã hội không ảnh hưởng nhiều đến bà Yến bằng các báo đã đăng với hàng triệu người đọc công khai. Do đó, đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
‘Sư Thích Nhật Từ đổ vạ và trốn tránh trách nhiệm’
Trong phần tranh luận, luật sư của bà Phạm Thị Yến nói rằng bị đơn đã đổ vạ và trốn tránh trách nhiệm khi đổ cho báo chí nói này nói kia. Sư Thích Nhật Từ đã “đơm đặt, vu khống, không có nói có” trong khi ông là người tu hành có chức vụ chứ không chỉ là công dân bình thường.
Đồng thời, theo luật sư thì sư Thích Nhật Từ cũng là người có ảnh hưởng, có học thức nhưng lại lộng ngôn trên mạng xã hội.
Luật sư của bà Yến nói rất tâm đắc với câu nhắc nhở của thẩm phán chủ tọa khi khẳng định Phật hướng con người, từ bi hỷ xả nhưng nhiều người theo Phật mà lòng lại sân si. Đồng thời nói rằng việc làm của bị đơn chính là chia rẽ khối đoàn kết dân tộc và xúc phạm danh dự công dân là thân chủ của ông.
Phiên tòa tạm ngưng để thu thập thêm chứng cứ
Phía nguyên đơn khẳng định rằng quyết định xử phạt bà Phạm Thị Yến (chùa Ba Vàng) không còn hiệu lực nhưng không cung cấp các văn bản liên quan đến thông tin này bởi cho rằng trách nhiệm thu thập chứng cứ là của bị đơn khi bị đơn khẳng định bà Yến bị tỉnh Quảng Ninh xử phạt và cấm cư trú trên địa bàn tỉnh.
Sau khi hội ý, hội đồng xét xử đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để thu thập bằng chứng theo thông tin mà nguyên đơn cung cấp. Dự kiến phiên tòa sẽ mở lại vào ngày 30/01/2023.
Theo Tuổi Trẻ