Sự thật về phái Jacobin và cuộc cách mạng Pháp
Nhưng còn một biểu tượng nữa của cuộc cách mạng Pháp mà rất nhiều người cố tình không nhắc tới đó là chiếc máy chém (guillotine) được...
Khi nhắc tới cuộc cách mạng Pháp, người ta thường nhắc đến sự kiện ngục Bastille ở Paris bị phá như một biểu tượng của việc nổi dậy đập tan chế độ quân chủ chuyên chế, và khẩu hiệu nổi tiếng “liberté, égalité, fraternité” (Tự do, bình đẳng, bác ái).
Nhưng còn một biểu tượng nữa của cuộc cách mạng Pháp mà rất nhiều người cố tình không nhắc tới đó là chiếc máy chém (guillotine) được bác sĩ Joseph-Ignac Guillotin chế tạo để hành quyết các phần tử được xem là “phản cách mạng” trong giai đoạn mà các sử gia thường nhắc tới cái tên “reign of terror” (Nền cai trị khủng bố) (1793-1794). Lý do để chiếc máy chém này ra đời đơn giản là vì có quá nhiều người bị tình nghi và xử tử trong thời gian đó khiến cho các đao phủ làm việc không ngơi tay và kém hiệu quả.
Sau khi lật đổ vua Louis XVI và chế độ quân chủ chuyên chế, nước Pháp rơi vào tình trạng hỗn loạn tranh giành giữa các phe phái và sự dòm ngó của các quốc gia châu Âu khác. Ngày 2/9/1792, công tước xứ Brunswick (Phổ) tiến đánh và bao vây Paris và cắt đường lương thực của thành phố. Để cứu vãn tình thế, Jean-Paul Marat, một lãnh đạo của phe cực tả Jacobin đã ra lệnh giết hết tù nhân trong các ngục tù ở Paris để khỏi phải tốn cơm nuôi họ và nhằm ngăn chặn việc tù nhân nổi loạn một khi thành Paris bị quân Phổ phá. Từ ngày 2 đến ngày 7 tháng 9 năm 1792, gần 1500 tù nhân bị lôi ra khỏi ngục và hành quyết tập thể bất kể tội nặng hay nhẹ trong đó có hơn 100 cha xứ, 33 trẻ vị thành niên và rất nhiều phụ nữ. Hàng trăm tù nhân ở các tỉnh thành khác khắp nước Pháp cũng bị lôi ra chém như thế. Cuộc hành quyết tập thể kinh hoàng đó được lịch sử Pháp gọi là cuộc thảm sát tháng 9 (The September Massacre).
Tháng 3 năm 1793, khi phái cực tả Jacobin lên nắm quyền, lãnh đạo tối cao Maximillien Robespierre tuyên bố sẽ dùng khủng bố và bạo lực để trấn áp tất cả những phần tử phản cách mạng và “chống lại nhân dân” . Robespierre cho rằng: “Nếu đạo đức là phẩm chất của chính quyền thời bình thì bạo lực là phẩm chất của chính quyền thời loạn vì đạo đức mà không đi kèm theo bạo lực sẽ là thứ đạo đức vô dụng” . Cùng với Georges Danton và Jean-Paul Marat, Robespierre lập nên những cơ quan khủng bố như Ủy ban công an (Committee of Public Safety) và Tòa án cách mạng (Revolutionary Tribunal) cũng như thông qua Luật tình nghi (Law of Suspects) để tận diệt những người thuộc phe bảo hoàng, những thành viên của đảng phái Girondin đối lập và tất cả những kẻ mà phái Jacobin cho là phản cách mạng. Hàng ngày có hàng chục đến hàng trăm người trên khắp nước Pháp đặc biệt là ở Paris bị vô cớ bắt bớ tra tấn và xử tử bằng máy chém mà không qua xét xử hoặc chỉ được xét xử cho có lệ trong đó có những nhân vật xuất chúng như nhà hóa học Antoine Lavoisier, người được xem như cha đẻ của hóa học hiện đại. Bị Jean-Paul Marat buộc tội là biển thủ tiền quỹ và gian lận trong việc buôn thuốc lá sợi, Lavoisier bị bắt, đưa ra xét xử hết sức sơ sài, không được kháng cáo, không có luật sư bào chữa và bị xử tử ngay chiều hôm đó. Trước khi chết, nhà hóa học lỗi lạc này còn xin quan tòa cho mình thực hiện nốt thí nghiệm quan trọng còn dang dở của mình. Quan tòa đã khước từ lời đề nghị đó một cách mỉa mai rằng: “Cách mạng và nền cộng hòa không cần những nhà khoa học.” Khi đầu của Lavoisier rơi xuống đất, nhà toán học Joseph Louis Lagrange đã than rằng: “Người ta chỉ cần một vài giây để chém đầu Lavoisier nhưng nước Pháp cần cả trăm năm mới có được một cái đầu như thế.” Khắp nước Pháp, không khí căng thẳng bao trùm. Ai cũng sợ mình là nạn nhân tiếp theo của tòa án cách mạng. Chỉ cần một lời nói, một cử chỉ sơ xuất cũng có thể bị buộc tội phản cách mạng và bị bêu đầu ngay. Thậm chí những người được coi là quá nhiệt tình với cách mạng cũng bị xử tử.
Ngày 13/7/1793, Jean-Paul Marat, một trong bộ ba lãnh đạo cao cấp của Jacobin, bị cô gái Charlotte Corday ám sát tại nhà riêng khi cô này giả làm phóng viên tới phỏng vấn ông ta. Ngày 30/3/1794, Georges Danton, nhân vật quyền lực thứ hai của phái Jacobin và những người ủng hộ ông bị bắt và kết tội tham nhũng và bị xử tử ngày 5/4/1794. Là người thấy được sự nguy hại của việc cai trị bằng khủng bố, Danton chủ trương biện pháp ôn hòa và khoan dung trong cải cách khiến Robespierre tìm cách khử luôn ông. Điều này đã biến Robespierre trở thành người duy nhất lãnh đạo phái Jacobin thâu tóm mọi quyền lực trong tay mình. Khi trở thành kẻ độc tài, Robespierre càng điên cuồng thanh trừng những kẻ tình nghi là chống đối lại mình không thương tiếc. Từ một người được xem như biểu tượng của cách mạng, Robespierre đã trở thành kẻ thù số một của công chúng. Những người lúc đầu ủng hộ Robespierre cũng bắt đầu tìm cách ngăn chặn quyền lực của con người này vì họ sợ mình cùng chung số phận với Danton.
Ngày 27/7/1974, khi Robespierre đang diễn thuyết trước quốc hội về việc cần phải tiếp tục xử tử những kẻ tình nghi phản bội lại nền cộng hòa, một nghị viên đã đứng dậy cắt ngang lời của ông bằng cách hô lớn: “Hãy bắt giữ kẻ phản cách mạng Robespierre!” Lập tức cả hội trường bùng nổ tiếng hô: “Đả đảo tên độc tài!” Robespierre mặt tái đi vì bất ngờ và sợ đến mức không thốt nên được lời nào. “Sao, máu của Danton đã chặn họng mày à?”, một nghị viên khác quát vào mặt của Robespierre. Robespierre thoát khỏi tòa nhà quốc hội và trở về nhà mình cố thủ nhưng bị bắt cùng với ba người em của mình ngay trong ngày hôm đó. Một sĩ quan đã bắn vỡ xương hàm của Robespierre trong khi đấu súng (có tài liệu cho rằng ông bị vỡ xương hàm khi dùng súng lục tự sát nhưng không thành công) và bắt sống ông. Bị bỏ mặc với vết thương không ngừng chảy máu suốt đêm, ngày hôm sau, Robespierre bị lôi ra chém đầu trong tiếng reo hò vui mừng của công chúng. Khi đó ông mới có 36 tuổi. Thời đại khủng bố chính thức kết thúc.
Trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi chưa đầy hai năm của mình. Maximilien Robespierre đã bắt giữ hơn 200,000 người và xử tử hơn 40.000 người trên khắp nước Pháp. Trong đó có hơn 2500 người bị xử tử bằng máy chém và khi máy chém hoạt động không kịp, hàng ngàn người khác bị đem lên những chiếc phà lớn ra giữa biển rồi nhấn chìm. Đó là chưa tính số người bị tra tấn và bỏ đói đến chết trong các tù ngục. Với khẩu hiệu “vì nền cộng hòa và người dân Pháp” , trên thực tế số lượng những kẻ “phản cách mạng” gồm quý tộc phe bảo hoàng và tăng lữ chỉ chiếm chưa tới 20% số người bị bắt và bị giết. Gần 80% nạn nhân của thời kì này là công nhân và nông dân, đối tượng mà chế độ Robespierre nhân danh để làm cách mạng.
Nhiều sách giáo khoa lịch sử thường ca ngợi Robespierre, cho rằng ông ta là nhà cách mạng kiên cường, người không thể thỏa hiệp hoặc mua chuộc, mà chẳng bao giờ nhắc tới sự cai trị bằng khủng bố máy chém của ông. Một nửa ổ bánh mì thì vẫn là bánh mì, còn một nửa sự thật thì đâu phải là sự thật. |
Huỳnh Chí Viễn (Giáo viên, Dịch giả)
Đăng tải dưới sự đồng ý của tác giả.
Theo facebook Vien Huynh
Mời xem video :