Sự thật về loài gấu ăn thịt hung tợn trong truyền thuyết Australia

Chia sẻ Facebook
06/07/2024 06:51:24

Tuy có ngoại hình giống với gấu koala, nhưng drop bear lại có tính cách hung tợn và đáng sợ hơn rất nhiều.


Khi đến Australia và hỏi về "drop bear" (tạm dịch: gấu nhảy) , hầu hết người dân Australia sẽ mô tả về một loài săn mồi cực kỳ hung tợn với hàm răng sắc nhọn, có vẻ ngoài gần giống với gấu koala. Họ sẽ kể cho những người tò mò về các nạn nhân thương tích đầy mình, hay thậm chí suýt chết do bị loài ăn thịt hung ác này tấn công, CNN viết.

Thế nhưng, bạn sẽ phải bật cười vì sự sợ hãi của mình sau khi biết được đó chỉ là những lời nói đùa.

Phần lớn các quốc gia đều có những sinh vật sống trong các lời đồn nhưng chưa bao giờ có ai thực sự nhìn thấy chúng. Chúng ta có thể kể đến rồng, người tuyết Yeti, hay quái vật hồ Loch Ness. Gấu nhảy chính là một sinh vật tương tự.

Drop bear (gấu nhảy) - sinh vật hư cấu hung tợn và bí ẩn nhất Australia. (Ảnh: CNN).

Khiếu hài hước của người Australia

Hầu như không có người Australia nào thực sự tin vào sự tồn tại của sinh vật này. Đa số họ sử dụng các truyền thuyết về gấu nhảy chỉ để dọa người, thường là người nước ngoài.


Một người bản địa sẽ nói với khách du lịch ngoại quốc rằng “Coi chừng gấu nhảy” khi họ chuẩn bị khám phá ở những nơi nhiều cây cối, bụi rậm. Khi du khách tò mò về con vật, người Australia sẽ mô tả đó là một sinh vật ăn thịt hung ác, có móng vuốt, và có nhể nhảy xuống người họ từ trên cây bất cứ khi nào.


Ian Coate, tác giả và người sáng lập trang web Mythic Australia cho biết: “Du khách sẽ lo lắng và ngước đầu nhìn lên cây. Đó là một phản ứng khá thú vị. Khiếu hài hước của người Australia chính là vậy đấy”.

Thế nhưng, luôn có những người biết cách đưa trò đùa về sinh vật hư cấu này lên một tầm cao mới. Điển hình, bảo tàng Australia thậm chí đã tạo ra một bản tin giả trên trang web của mình để cảnh báo sự nguy hiểm của con vật không có thật này.


“Một khi ngắm trúng con mồi, drop bear sẽ nhảy xuống từ độ cao 8m và lao vào đầu nạn nhân. Động tác này sẽ làm con mồi choáng váng, giúp con vật dễ dàng cắn vào cổ nạn nhân và hạ gục nó một cách nhanh chóng ”, trang web viết.

Nguồn gốc của huyền thoại

Dù truyền thuyết về gấu nhảy khá nổi tiếng trên thế giới, nguồn gốc thực sự của nó vẫn ít được biết đến.

Theo thư viện quốc gia Australia, gấu nhảy lần đầu được đề cập một cách vô thưởng vô phạt vào năm 1982, trên The Canberra Times, một tờ báo của Australia.


“TAM - Mai mốt hãy cẩn thận với mấy con gấu nhảy đấy, nhớ đấy, thương Clint” , một thông điệp trong mục 21st Birthdays của báo này viết. Không rõ TAM hay Clint là gì hay là ai.


Một số tình tiết về truyền thuyết gấu nhảy xuất hiện lần nữa trong một đoạn phim của danh hài người Australia, Paul Hogan, người được thế giới biết đến chủ yếu với biệt danh “cá sấu Dundee”. Đoạn phim là một phần của chương trình "The Paul Hogan Show" , xuất bản vào thập niên 1970 và 1980.

Trong một cảnh quay, Hogan nhại lại một phân cảnh trong bộ phim Indiana Jones, trong đó, một nhân vật tên Cootamundra Hoges đang khám phá thung lũng Goannas (địa điểm hư cấu) thì bị gấu koala sát thủ tấn công. Những con koala nhào xuống từ trên cây và bắt đầu cào cấu Hogan. Anh ngã xuống đất trong khi bị cả bầy thú bâu kín người.

Hình ảnh photoshop cho thấy một con gấu nhảy đang lao xuống một gia đình đi dạo trong rừng. (Ảnh: Courtesy Mythis Australia).

Tuy nhiên, ông Coate của trang Mythic Australia lại cho biết mình từng nghe cấp trên kể về những con gấu nhảy từ những năm đầu thập niên 70, tức trước khi Hogan lên sóng.


“Khi đi cắm trại, người ta thường kể về gấu nhảy để tránh trại viên rời khỏi khu vực trại quá xa” , ông kể. Coate cũng nói thêm ông cũng được cảnh báo rằng nếu lang thang ở những nơi có nhiều cây cối và bụi rậm, ông sẽ bị gấu nhảy tấn công.


Không rõ từ khi nào, drop bear bắt đầu trở thành các “ông kẹ” khiến trẻ con Australia khiếp sợ, đặc biệt là trẻ em ở nông thôn. Dần dà, các câu chuyện này trở thành các trò đùa hù dọa du khách như ngày nay.

Tuy nhiên, những người nước ngoài đầu tiên bị câu chuyện về gấu nhảy dọa lại không phải là khách du lịch, ông Coate cho biết.

Ông kể, khi ông gia nhập vào quân đội vào cuối những năm 1980, thỉnh thoảng sẽ có lính Anh hoặc Mỹ đến tập trận trong rừng. Thông thường, họ sẽ hỏi lính bản địa cách tránh rắn và nhện độc.


Lính Australia sẽ trả lời rằng: “Quên rắn với nhện đi, gấu nhảy mới là thứ các anh cần cẩn thận” , ông Coate kể lại. Ông nhớ mình từng mách họ cách duy nhất để tránh gấu nhảy là bôi lên mặt Vegemite - một loại bơ của Australia có màu đen, vị mặn và mùi hơi khó chịu.


“Lúc nào cũng thế, chúng tôi sẽ tặng cho lính ngoại đến tập trận một lọ Vegemite. Họ sẽ mất khoảng vài ngày để nhận ra thứ họ trét đầy mặt kia không có tác dụng gì cả” , ông cười.

Trở thành hình tượng văn hóa

Tuy không rõ chính xác thời điểm truyền thuyết gấu nhảy xuất hiện, nhưng thời điểm sinh vật hư cấu này bắt đầu xâm nhập vào văn hóa đại chúng Australia khá rõ ràng.

Năm 1981, tay chơi bass Chris Toms và bạn người New Zealand của ông, Johnny Batchelor, đã thành lập một ban nhạc tên Drop Bears.

Batchelor chia sẻ rằng anh chưa bao giờ nghe về gấu nhảy tại New Zealand. Mãi đến khi tới Australia, anh mới được nghe bạn mình, Toms, luyên thuyên về nó. Toms vốn lớn lên ở vùng nông thôn của bang New South Wales và được nghe nhiều về sinh vật đáng sợ này. Anh mô tả đó là một câu chuyện ma của Australia.


“Cậu ấy bảo rằng người ta kể chuyện gấu nhảy để dọa người, như lũ trẻ chẳng hạn” , Batchelor kể.

Ban đầu, cả hai khá hào hứng với cái tên. Tuy nhiên, Batchelor cho biết ông dần cảm thấy mệt mỏi vì nó. Dù đi quay hay đi diễn ở bất cứ đâu, họ đều phải trả lời câu hỏi “Gấu nhảy là con gì?”


“Nó giống như một gánh nặng vậy. Đây không phải là điều chúng tôi muốn” , ông nói.

Ảnh photoshop mô phỏng drop bear. (Ảnh: Wikimedia).

Batchelor cho rằng sự phổ biến của hiện tượng gấu nhảy không chỉ gắn liền với khiếu hài hước của người Australia và còn là biểu hiện tự hào của nước này đối với các sinh vật bản địa nguy hiểm của họ.

Ngay cả khi không có gấu nhảy, Australia vẫn nổi tiếng với những sinh vật chết chóc, bao gồm nhiều loài cá mập, rắn và hai loài nhện độc nhất thế giới.


Ông nói: “ Họ thích gây ấn tượng với người nước ngoài (bằng những con vật nguy hiểm của họ). Giờ thì trẻ con ở Australia ít khi bị dọa bởi những câu chuyện thế này, khách du lịch mới là người bị dọa nhiều hơn”.

Nếu ban nhạc Drop Bears được thành lập vào năm 2000, có lẽ họ đã không phải giải thích tên của mình thường xuyên như vậy. Trong thời đại của Internet, truyền thuyết gấu nhảy ngày càng phổ biến.

Tháng 1/2020, theo Google Trends, các tìm kiếm về gấu nhảy đã vượt qua cả quái vật hồ Loch Ness và thỏ sừng nai của Mỹ. Điều này một phần là nhờ drop bear đã bắt đầu xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông và văn hóa Australia.

Năm 2004, hãng rượu Bundaberg Rum phát hành một quảng cáo trong đó một nhóm người bản địa đang cố bắt chuyện với một số du khách người Đức bằng cách cảnh báo họ về kẻ săn mồi chết chóc kia.


Năm 2013, tạp chí Australian Geographic đã xuất bản một bài báo nhân ngày Cá tháng Tư với tiêu đề Drop bears target tourists, study says (tạm dịch: Nghiên cứu cho thấy gấu nhảy thích tấn công khách du lịch).

Tháng 1/2020, video về một nhà báo người Anh làm việc cho ITV lan truyền trên mạng xã hội. Trong video, cô đã bị nhân viên tại một khu bảo tồn động vật hoang dã trêu đùa. Họ đã trang bị cho nữ phóng viên một bộ đồ bảo hộ trước khi để cô ôm một con gấu nhảy chết chóc. Thực chất, đó chỉ là một con gấu koala vô hại. Dĩ nhiên, phóng viên người Anh đã thật sự lo lắng trước khi ôm con gấu.

Trò đùa về gấu nhảy ngày nay đã xuất hiện nhiều trên các trang web về du lịch, khiến nó trở nên nổi tiếng nhanh chóng hơn bao giờ hết.



Nữ phóng viên người Anh mặc đồ bảo hộ khi ôm một con gấu koala vì nghĩ drop bear có thật. (Ảnh: ITV News).

Thấy được tốc độ lan truyền của truyền thuyết gấu nhảy, Batchelor, thành viên nhóm nhạc Drop Bears, cho rằng sinh vật hư cấu này đang dần mất đi sức hút cũng như sự bí ẩn khi nó ngày càng được nhiều người biết đến.


“Sức mạnh của nó có thể sẽ thay đổi. Khi người ta đã thấy và đọc về nó quá nhiều trên Internet, các câu chuyện về sinh vật này sẽ trở nên nhạt nhẽo. Sẽ thú vị hơn nhiều nếu ai đó kể cho bạn về một sinh vật đáng sợ mà bạn nghĩ đó là thật” , ông nhận xét.


Tuy nhiên, trong khi mọi người bắt đầu tin rằng tất cả câu chuyện về gấu nhảy chỉ là hư cấu, lại có một “cú twist” bất ngờ xảy ra. Gần đây, đã có nhiều phát hiện cho thấy rất có thể Australia từng có một loài săn mồi chết chóc nhảy từ trên cây xuống để vồ mồi.


Các bằng chứng khảo cổ hướng đến một loài sư tử có túi thời tiền sử , có tên khoa học là thylacoleo carnifex . Loài này được cho là đã sống và săn bắt tại Australia cách đây hàng nghìn năm. Chúng có khả năng leo trèo và nhảy tốt. Nhiều người cho rằng đây chính là nguồn gốc thật sự của truyền thuyết drop bear.

Chia sẻ Facebook