Sự thật về Bugis - Những người sống cùng cá mập khổng lồ

Chia sẻ Facebook
06/06/2022 09:06:23

Tại khu vực hẻo lánh của vịnh Triton (West Papua, Indonesia), một mối liên kết đặc biệt giữa người và cá mập đã được xây dựng.

4h30, trời còn tối đen như mực, biển lặng và vầng trăng khuyết đang dần mờ đi. Một đàn chim mỏ sừng Papuan bay vút qua con tàu. Âm thanh chúng tạo ra như một chiếc trực thăng bay ngang.


Anita Verde, cây viết của BBC , đến vịnh Triton sau khi được kể về cảnh quan đáng kinh ngạc dưới nước ở nơi đây. Và vịnh Triton cũng nổi tiếng là điểm tuyệt vời cho những nhiếp ảnh gia muốn "săn hình" cá mập voi. Không nhiều điểm đến trên thế giới cho phép lặn biển với cá mập voi. Điều đó càng biến Triton trở nên đặc biệt.

Người sống cùng cá mập voi


Chiếc thuyền đưa Verde đến các giàn câu cá bằng gỗ nổi, được gọi là bagan trong tiếng địa phương. Cá mập voi sẽ xuất hiện ở đây.


Những giàn bagan được tạo bởi bugis - một tộc người có nguồn gốc từ phía nam Celebes, nay là đảo Sulwesi của Indonesia. Họ được biết đến với tên gọ i "hải tặc" hoặc "du mục biển".

Các bugis dành phần lớn cuộc đời lênh đênh trên biển cùng những giàn bagan. Họ phải đi những quãng đường dài để tìm kiếm vùng nước tốt nhất cho việc đánh bắt. Qua nhiều thế hệ, họ đã tạo ra một mối quan hệ đặc biệt với cá mập voi.

Các bagan là nơi duy nhất để tiếp cận với cá mập voi.

Mỗi sáng, chúng tụ lại và kiếm ăn dưới lưới của họ. Thức ăn của chúng là những con cá mòi lọt ra khỏi các khe hở nhỏ trên lưới.

Có nhiều nơi trên thế giới tập trung cá mập voi - chẳng hạn đảo Christmas của Australia và rạn san hô Ningaloo, quần đảo Galapagos, vùng biển ngoài khơi đô thị Donsol (Philippines)... Tuy nhiên, ở những nơi đó, sinh vật khổng lồ này chỉ xuất hiện thoáng qua.

Còn tại vịnh Triton, cá mập voi xuất hiện quanh năm. Bugis và những bagan của họ đi tới đâu, chúng theo đến đó. Lý do? Để nhận được những bữa ăn miễn phí.

Con cá ngu ngốc

Không có dịch vụ đặt lịch lặn với cá mập voi ở đây. Bạn phải tìm những bugis rồi xin phép họ. Aching, một bugis, đã đồng ý cho Verde lên thuyền.

Mọi thế hệ trong gia đình Aching đều theo nghề này. Trong quá khứ, bugis đánh bắt cá chỉ để phục vụ cuộc sống bản thân và buôn bán nhỏ với cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, quy mô ngành công nghiệp này đã lớn hơn nhiều. Họ không chỉ cung cấp cho các thị trường địa phương nữa.

Cá mập voi hiếm khi được bắt gặp ở những vùng nước có nhiệt độ dưới 21 độ C. Chúng chỉ ăn sinh vật phù du, động vật nhỏ và hoàn toàn không gây hại đến con người.

Aching đánh cá suốt đêm và giờ lưới đã đầy ắp. Anh đang thư giãn trong ánh nắng ban mai.


"Anh ta ra hiệu cho chúng tôi quan sát bên dưới biển. Ngay lập tức, chúng tôi nhìn thấy một con cá mập voi khổng lồ. Chúng là loài cá lớn nhất thế giới với cơ thể dài bằng một chiếc xe buýt. Kích thước của nó thật ngoạn mục" , cây viết của BBC kể.

Aching nói thực sự có tới 3 con cá mập voi đang quanh quẩn bên dưới bagan của anh ấy. Do đó, Aching đã để lại một chiếc lưới đầy cá mòi nhỏ dưới nước để chúng kiếm ăn.


Người bugis gọi cá mập voi là ikan bodo (cá ngu ngốc) vì bản tính của chúng khá hiền lánh, ngoan ngoãn. Cộng đồng bugis tôn kính cá mập voi và coi chúng là biểu tượng may mắn.

Qua nhiều thế hệ, gia đình Aching đã "nuôi dưỡng" mối quan hệ của họ với những con cá mập khổng lồ này. Họ hy vọng chúng sẽ đền đáp lại bằng những mẻ lưới đầy ắp cá. Vì thế, mỗi buổi sáng khi giăng lưới, anh luôn để một mẻ dưới nước cho cá mập voi kiếm ăn.


"Chỉ là những con cá nhỏ. Chúng chỉ thích những con nhỏ," anh nói.

Cá mập voi là động vật có xương sống không phải thú lớn nhất còn tồn tại.

Giống cá heo, cá mập voi được xem là biểu tượng may mắn. Và điều này được khẳng định cả dưới góc độ khoa học. Sự hiện diện của cá mập voi quan trọng với người ngư dân.


Chúng sẽ thu hút những loài như cá cơm, cá thu, cá ngừ đến vùng biển mà chúng kiếm ăn. Có thể nói, những con cá heo, cá mập voi là một trong những chỉ số quan trọng để xác định "sức khỏe" của hệ sinh thái.


"Nhìn chung, chúng giúp cân bằng chuỗi thức ăn và bảo đảm nguồn thức ăn dồi dào cho các bugis" , Iqbal Herwata, đại diện bộ phận Indonesia của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, chia sẻ.

Chia sẻ Facebook