Sự thật đầy bất ngờ đằng sau các quốc gia đăng cai World Cup 2022: Không phải là 'mỏ vàng' béo bở

Chia sẻ Facebook
12/11/2022 17:05:19

Việc chi tiêu quá mức cho cơ sở hạ tầng cũng như sân vận động đã khiến một số nước chủ nhà lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và phải đóng cửa những công trình ít được sử dụng sau khi World Cup khép lại.


Đăng cai World Cup 2022 được kỳ vọng là "chìa khóa" giúp nước chủ nhà phát triển tiềm năng du lịch, ngoại thương, công việc... Nhưng nó cũng như một "con dao 2 lưỡi" có thể khiến nước chủ nhà phải trả một cái giá rất lớn.

Đơn cử như nước chủ nhà Qatar đang chi khoảng 229 tỷ USD cho giải World Cup 2022 diễn ra từ ngày 20/11 - 18/12, khiến World Cup 2022 này trở thành giải đấu đắt đỏ nhất từ ​​trước đến nay.

Số tiền mà Qatar đã chi cho giải World Cup 2022 cao gần gấp 5 lần tổng số tiền 48,63 tỷ USD được các nước chủ nhà đầu tư để đăng cai giải đấu này từ năm 1990 - 2018.

Nguồn: Reuters

Để giành quyền đăng cai World Cup có thể là một quá trình dài hơi. Một quốc gia phải gửi đề xuất đấu thầu trình bày ý nghĩa tài chính đối với cơ quan quản lý bóng đá quốc tế, cũng như cách nước đó sẽ phục vụ mục tiêu cải thiện phạm vi tiếp cận toàn cầu của môn thể thao này.

Sau đó, tổ chức sẽ chấm điểm các đề xuất từ ​​hai hạng mục chính gồm cơ sở hạ tầng và thương mại. Chín tiêu chí được cân nhắc theo mức độ quan trọng khác nhau, trong đó sân vận động được coi là tiêu chí quan trọng nhất. Miễn thuế cũng là một yếu tố quan trọng khác bởi nước chủ nhà biến các sân vận động và địa điểm liên quan đến World Cup thành các khu vực miễn thuế.

Trong khi đó, ba nguồn kiếm tiền chính của FIFA đến từ phát sóng, bán vé và doanh thu tiếp thị. Tổ chức này cũng tài trợ cho các quốc gia đăng cai để trang trải các hoạt động chung của giải đấu. Trong năm 2022, FIFA đã chi khoảng 1,7 tỷ USD cho Qatar, bao gồm 440 triệu USD tổng tiền thưởng cho các đội. World Cup 2022 tại Qatar dự kiến ​​sẽ mang về doanh thu 4,7 tỷ USD.

Các quốc gia đăng cai dựa vào tác động kinh tế thu được từ giải đấu để tạo ra doanh thu và có những tác động kinh tế ngắn hạn cũng như dài hạn. Sự gia tăng về du lịch, lưu trú tại khách sạn, cơ hội công việc, mức doanh số trung bình tại các nhà hàng và doanh nghiệp địa phương là những ví dụ về các chỉ số kinh tế ngắn hạn

Nhưng một số quốc gia đăng cai, không có cơ sở hạ tầng hoặc sân vận động đạt tiêu chí để hỗ trợ giải đấu World Cup sẽ phải gánh khoản nợ khổng lồ và sau khi giải đấu kết thúc sẽ bỏ lại công trình được gọi với cái tên "voi trắng".

Hãy xem xét Brazil: chi phí cho World Cup 2014 tăng cao khi quốc gia này cần xây dựng những con đường mới, đường vận chuyển, sân vận động và khách sạn. Các ước tính cho thấy rằng 11,6 tỷ USD đã được chi cho giải đấu đó.

Nhưng giờ đây, Sân vận động Mane Garrincha ở Brasilia, với chi phí xây dựng gần 1 tỷ USD, đang được sử dụng làm kho chứa xe buýt. Trong khi đó, những người biểu tình chỉ trích cả FIFA và các quan chức chính quyền địa phương, nói rằng khoản tiền đó nên được sử dụng cho các dịch vụ xã hội phục vụ người dân hơn là cho các sân vận động bóng đá.

Mặt khác, Qatar đã dành hơn một thập kỷ để chuẩn bị cho giải đấu năm 2022, với số tiền lên tới 500 triệu USD/tuần để tăng tốc độ sản xuất.

Tuy nhiên, xuất hiện nhiều nghi vấn xoay quanh quy trình tuyển chọn của FIFA. Năm 2015, 41 quan chức FIFA bị truy tố về các tội danh hối lộ, gian lận, gian lận chuyển tiền và các tội danh tham nhũng

Hơn nữa, vào năm 2016, Tổ chức Ân xá Quốc tế lần đầu tiên báo cáo về nhiều vi phạm nhân quyền xuất phát từ áp lực mà lao động tại Qatar phải chịu trong việc đáp ứng thời hạn năm 2022. Khoảng 1,7 triệu lao động nhập cư chiếm 90% tổng lực lượng lao động ở Qatar, và hầu như tất cả họ đều nhận mức lương thấp và phải chịu điều kiện sống cũng như làm việc khắc nghiệt.

Công nhân làm việc tại sân vận động Lusail, nơi sẽ tổ chức trận chung kết World Cup. Nguồn: Reuters

Theo Theguardian, các công nhân nhập cư xây dựng sân vận động cho World Cup ở Qatar đã phải chịu đựng "các vi phạm quyền lao động phổ biến và dai dẳng", bao gồm phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch, thực hành tuyển dụng bất hợp pháp và trong một số trường hợp, tiền lương không được trả.

Dẫn lời một công nhân người Nepal làm việc tại sân vận động Lusail, nơi sẽ tổ chức trận chung kết World Cup, Tổ chức nhân quyền Equidem cũng cáo buộc rằng các công ty làm việc trong lĩnh vực xây dựng sân vận động đã “chủ động trốn tránh các cuộc kiểm tra”.

Một công nhân Bangladesh làm việc tại sân vận động chia sẻ với Tổ chức nhân quyền Equidem rằng: “Tôi không được trả tiền cho việc làm thêm giờ và tôi đã phải làm việc từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối bảy ngày trong tuần.”

Trong 12 năm kể từ khi Qatar đăng cai World Cup, nhiều tổ chức thế giới đã lên án cách chủ nhà đối xử với người lao động. Những năm gần đây, chính quyền Qatar cũng đã đưa ra một số cải cách lao động, trong đó có việc đưa ra mức lương tối thiểu.

Tuy nhiên, báo cáo của Equidem cho thấy có những thiếu sót đáng kể trong việc thực hiện các biện pháp này. "Thực tế là tình trạng lạm dụng lao động phổ biến như vậy vẫn tồn tại trên các công trường do Qatar, FIFA và các đối tác của họ quản lý chặt chẽ, cho thấy rằng các cải cách được thực hiện trong 5 năm qua là vỏ bọc cho các doanh nghiệp tìm cách bóc lột lao động nhập cư mà không bị trừng phạt”.

Đồng thời, báo cáo cũng kêu gọi FIFA thành lập quỹ bồi thường cho những người lao động gặp nạn trong quá trình xây dựng các sân vận động.

Phải thừa nhận rằng, việc một số quốc gia tổ chức World Cup có thể là một ý tưởng tồi, và những tiêu đề tiêu cực của FIFA đã khiến một số người phản đối mùa giải này. Tuy nhiên, việc đăng cai FIFA World Cup vẫn được coi là một vinh dự vì bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất thế giới với hơn 5 tỷ người hâm mộ.


Tham khảo: CNBC, Theguardian

Chia sẻ Facebook