Sự thành lập Công ty bia và nước đá Đông Dương

Chia sẻ Facebook
21/06/2023 08:53:21

Kỹ nghệ bia và nước đá là thành công và đáng tự hào ở Đông Dương, so với nhiều nước ở Á châu thời đó gồm Trung Quốc và Nhật Bản.

Sự thành lập Công ty bia và nước đá Đông Dương


(Brasseries et Glacèries de l’Indochine, BGI)


Nguyễn Đức Hiệp


Đa số người dân ở Sài Gòn và miền Nam trước năm 1975, đều ít nhiều biết đến các loại bia và nước ngọt như la de (bia, la bière) 33, la de con cọp, la de trái thơm, nước ngọt xá xị, v.v… do công ty BGI sản xuất cho thị trường Đông Dương. Công ty bia và nước đá Đông Dương ( Brasseries et Glacèries de l’Indochine , BGI) có lịch sử lâu dài và gắn bó với Sài Gòn và người dân thành phố này. Sự thành lập kỹ nghệ bia và nước ngọt ở Sài Gòn từ giai đoạn sơ khai do nhu cầu có nước đá lạnh mát ở vùng khí hậu nóng cho đến sự xây dựng các nhà máy cung cấp nước giải khát và bia là một quá trình phát triển công nghệ liên tục đáp ứng nhu cầu kinh tế và sinh hoạt xã hội ở Sài Gòn nói riêng và Đông Dương nói chung với những sản phẩm đa dạng đặc thù dựa trên truyền thống làm bia ở Âu châu trong đó có loại bia Zitek Tiệp Khắc mà công ty BGI đã sát nhập vào năm 1938.


Câu chuyện bắt đầu từ ông Victorin Larue đến Sài Gòn lập nghiệp năm 1878. Ở Sài Gòn trong những buổi trưa hè rất nóng và ông nhận thấy người dân có nhu cầu dùng nước đá. Ông đã mở xưởng làm nước đá đầu tiên ở Đông Dương, vị trí sau Nhà hát Thành phố hiện nay, trên đường Route Imperiale (nay là Hai Bà Trưng). Vị trí xưởng làm nước đá này cho đến năm 1975 vẫn thuộc Công ty BGI mà tiền thân là Établissements Larue hay Công ty anh em Larue ( Larue Frères ).

Quảng cáo hãng nước đá Larue trên báo Saïgon Républicain (Cộng hòa Sài Gòn), 24/5/1888.


Trụ sở ban đầu và trong suốt nhiều thập kỷ cho đến gần đây của công ty hai anh em Victorin và Gabriel Larue, Établissements Larue ở số 6 trên đường Route Impériale (sau đổi là Route Nationale, Paul Blanchy và nay là Hai Bà Trưng ). Từ cơ sở khiêm tốn làm nước đá, phát triển thêm làm nước ngọt có ga và thêm cơ sở sản xuất lớn ở Chợ Lớn gồm nước đá, nước ngọt và bia được coi là lớn nhất Đông Dương thời đó. Công ty mở thêm các đại lý chi nhánh ở Phnom Penh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Chi nhánh ở Hà Nội mở vào năm 1893 (1) .


Sự thành công của công ty Larue được thể hiện khi toàn quyền Đông Dương Maurice Long đến viếng thằm nhà máy làm nước ngọt và bia ở Chợ Lớn và nhà máy nước đá ở đường Paul Blanchy, Sài Gòn mà báo L’Écho Annamite (23/7/1921) có viết như sau:


“Ông Long viếng Công ty Larue


Ông Toàn quyền, đi cùng với ông Quesnel, Thống đốc Nam kỳ và đại úy Bénard, sáng thứ năm vừa qua đã viếng thăm cơ sở của Công ty Larue. Trước tiên là viếng nhà máy bia Chợ Lớn, ở đấy Toàn quyền được ông Gaillot, tổng giám đốc công ty tiếp đón và thăm viếng nhà máy cùng ông Gaillot và Lebman. Kế đó Toàn quyền viếng nhà máy làm nước đá ở đường Paul Blanchy. Toàn quyền trở về dinh vào lúc 10 giờ. Ông rất vui và hài lòng qua cuộc viếng thăm lý thú này khi thấy những kết quả đáng chú ý mà những người sáng lập và các giám đốc công ty đã đạt được qua những nỗ lực kiên trì của họ”.


Tờ L’Éveil Économique de l’Indochine (26/5/1918) có viết bài phóng sự về nhà máy bia của hãng Larue ở Hà Nội. Bài cũng cho ta biết thông tin về các máy móc và vận hành của nhà máy bia Larue. Bia và nước đá là sản phẩm được chú tâm trong khi nước ngọt soda, limonade có thể sản xuất 5.000 chai một ngày nhưng thị trường này bị cạnh tranh bởi những người Hoa bán sản phẩm rẻ hơn nhưng không vệ sinh sạch sẽ so với công nghệ của hãng Larue. Giá nước đá là $0,06 một kg (một số nước có thuộc địa dùng ký hiệu $ để chỉ đơn vị tiền tệ dùng tại thuộc địa. Ở Đông Dương ký hiệu $ gọi là piastre tiếng Pháp, đồng tiếng Việt, với phần lớn các nước khác thì $ đọc là dollar )


“Kỹ nghệ ở Hà Nội – Làm đá và các nước có ga
của hãng anh em Larue (Larue Frères)


Hãng của anh em Larue ra đời ở Sài Gòn cách đây hơn 30 năm với xưởng nhỏ làm nước đá, lần lần hãng này trở thành một trong các cơ sở công nghiệp quan trọng nhất ở thuộc địa và ngày nay gồm các chi nhánh ở Phnom Penh, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng làm nước đá, nước ngọt và bia từ các nhà máy cũng lớn và hiện đại nhất như nhà máy ở Sài Gòn.


Chi nhánh ở Hà Nội có từ năm 1893.


Tọa lạc ở góc đường quai du Commerce và de la Banque, nhà máy có diện tích 71 hecta gồm nhà máy, nhà và vườn của giám đốc nhà máy…


Nước là từ rô-bi-nê (robinets) là nước thành phố cung cấp đã được khử trùng, sau đó lọc tiếp. Khử trùng được thực hiện trong hệ thống máy Salvador nấu nước trong lò nóng 110 độ cho ra hơi, sau đó làm lạnh thình lình mà thành nước. Đó là nguyên lý khử trùng Pasteur…” (2) .


Kỹ nghệ bia và nước đá là thành công và đáng tự hào ở Đông Dương, so với nhiều nước ở Á châu thời đó gồm Trung Quốc và Nhật Bản. Bia từ Đông Dương được xuất khẩu qua Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc (Vân Nam) cho đến Pondichéry ở Ấn Độ. Trong bài nói về kỹ nghệ bia ở Bắc kỳ “L’Industrie de la Bière au Tonkin” trên tờ L’Éveil Économique de l’Indochine (4/6/1922) có mô tả chi tiết về thị trường bia ở Đông Dương, nơi hai hãng bia lớn cạnh tranh là hãng bia Hommel ( Brasserie Hommel ) ở Bắc kỳ và hãng bia Larue ( Brasserie Larue ) ở Nam kỳ. Hai hãng bia này đã đánh bại bia nhập khẩu từ Pháp như bia của hãng Brasserie du Coq d’Or .


“Kỹ nghệ bia ở Bắc kỳ


… Quán cà phê và khách sạn không muốn phục vụ bia, vì bia đòi hỏi chăm lo rất nhiều để phục vụ tốt, và phải tươi hơn so với các đồ uống khác. Vì vậy họ có xu hướng bán với một mức giá làm giảm đi sức tiêu thụ.


Sau chiến tranh, bia Hommel bán qua tiền franc với giá trung bình là $28/hectolitre: bia sau đó được bán trong quán cà phê 15 xu một bock và 0.30 nửa lít. Do một lít thì cho 5 bock vậy chi là 0,75 cho một mặt hàng mua vào là 0,28. Tất cả các chi phí đã tính bao gồm hư hao, lợi nhuận vì thế rất thú vị…


Sự tăng giá trị của đồng piastre là nổi bật, các nhà máy bia trong thời gian chiến tranh ổn định giá 17$ mỗi hectolitre; nhưng các quán bia đã cẩn thận không giảm giá bán bia một cent nào và Công ty bia Brasserie du Coq d’Or, trước đó đã có cam kết với các công ty địa phương là không cạnh tranh với họ (cam kết rất thiếu suy nghĩ, theo ý kiến của chúng tôi), buộc phải duy trì cùng mức giá. Nếu lúc đó quán cà phê và khách sạn giảm giá của họ theo tỷ lệ giá mua giảm, và bán, thí dụ một bock là 0.12 và 0,20 nửa lít, thì mức tiêu thụ bia chắc chắn đã tăng lên. Họ đã không giảm gì hết.


Trong thời gian gần đây khi hãng bia Hommel thấy giá bán bia giảm của mình cho các quán bia và nhà hàng đã không làm lợi cho khách hàng khi các nơi này đã không bán giảm gì hết nên đã tăng giá bia cao hơn một chút, với giá $32/hectolitre. Các quán bia và nhà hàng thấy vậy đã tăng giá bia 0,20 mỗi bock; tức là họ mua bia với giá 1/7 lần cao hơn so với thời trước chiến tranh, thì họ tăng giá bán lên 1/3.


Hiện tượng như trên cũng xảy ra ở Nam kỳ nơi mà hãng bia Larue muốn cạnh tranh với các quán cà phê và nhà hàng nếu sáng kiến thành công đáng khen của ông Messner với các quán bar ở rạp Eden hứa hẹn mở ra một đại lý cho hãng bia Larue…”.

Ông Alfred Hommel, chủ nhà máy bia Hommel ở Hà Nội,sau sáp nhập vào Công ty bia Larue (BGI) (Nguồn: L’Éveil Économique de l’Indochine, 11/4/1926).


Khi Công ty Larue thành công và lớn mạnh ở Đông Dương thì năm 1924, Victorin Larue mất. Báo Le Gaulois: Littéraire et Politique (6/8/1924) cho biết Victorin Larue mất tại lâu đài Saint-Amé của ông ở Saint Tropez, tỉnh Provence ở miền nam nước Pháp. Em ông là Gabirel Larue tiếp tục làm việc trong Công ty BGI.


Sự lớn mạnh của Công ty Larue cần thêm vốn và giữa thập niên 1920, Công ty Larue được Công ty Denis Frères hùn vốn trở thành công ty nặc danh Brasseries et Glacières de l’Indochine . Công ty cổ phần bia và nước đá Đông Dương ( Société des Brasseries et Glacières de l’Indochine ) chính thức được thành lập năm 1927, sau đó đã quyết định hiện đại hóa và mở rộng các cơ sở của công ty ở Đông Dương, trong đó có Mỹ Tho.


Theo tờ Revue Générale du Froid , số tháng 8 và 9/1927:


“… Họ sẽ cài đặt ở Sài Gòn hai thiết bị (máy ép, compresseur) làm lạnh Sulzer công suất 325.000 frigories, mỗi máy được điều khiển bởi hai động cơ diesel Sulzer công xuất 215 hp. Các máy này phải đảm bảo sản xuất hàng ngày 50 tấn nước đá.


Các nhà máy ở Phnom Penh sẽ nhận được hai máy làm lạnh Sulzer công xuất 92.000 frigories mỗi máy, chạy bởi hai động cơ diesel Sulzer 100 hp. Nhà máy này sẽ đảm bảo sản xuất hàng ngày 12 tấn nước đá. Thành phố Mỹ Tho sắp có một nhà máy nước đá giống hệt nhà máy ở Phnom Penh. Đây là vùng sản xuất lúa gạo quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long, bị thiệt thòi trong vấn đề cung cấp nước đá cho đến nay, sẽ được chăm sóc các tiện ích trong đời sống.


Tất cả các cơ sở này đã được giao phó cho công ty cơ khí Sulzer, đảm bảo máy vận hành hoàn tất trong các nhà máy của công ty ở Saint Denis (Seine). Mặt khác, công ty Brissonneau và Lotz sở hữu giấy phép độc quyền xây dựng các thiết bị làm lạnh của Công ty Société Genevoise d’Instruments de Physique (thương hiệu SIP), hiện đang chạy trong xưởng của họ ở Nantes, hai hệ thống hoàn chỉnh làm nước đá 13 tấn trong vòng 24 tiếng, hai máy này được đặt bởi chính công ty bia và nước đá Đông Dương (Brasseries et glacières d’Indochine), được dùng để thay thế cơ sở máy móc cũ của công ty ở Hải Phòng và Hà Nội. Nói tóm lại, với những cơ sở vật chất mới, Công ty bia và nước đá Đông Dương sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu của người Âu và bản địa càng ngày càng tăng, đặc biệt là ở ba thành phố lớn nhất ở Đông Dương”.


Công ty BGI bán bia và nước ngọt khắp Đông Dương. Ở Hà Nội, bia BGI nhãn hiệu con cọp bière Larue cạnh tranh với bia Hommel của Công ty bia Hommel do ông Alfred Hommel thành lập ở Hà Nội từ năm 1892. Trong thập niên 1920, bia BGI và Hommel là hai thương hiệu bia cạnh tranh trên thị trường bia ở Hà Nội cho đến năm 1927 thì Công ty Hommel thương lượng với BGI để hợp nhất và năm 1928 BGI mua gần hết cổ phần Công ty bia Hommel và đến năm 1933 thì BGI mua lại hoàn toàn Công ty bia Hommel ở Hà Nội.

Quảng cáo các sản phẩm bia (bia hoàng gia, bia Hommel và bia con cọp) của công ty BGI.


Năm 1929, Công ty BGI thiết lập thêm một nhà máy làm nước đá và nước ngọt ở Cần Thơ (3) . Năm 1938, BGI mua Công ty bia Brasserie de Bohême ở Hà Nội. Công ty Brasserie de Bohême trước đó có tên là Zitek et Cie. , do ông Zitek, một người Tiệp Khắc, làm chủ, có trụ sở ở số 134 Avenue du Grand Boudha, Hanoi. Tiệp Khắc là nước làm bia nổi tiếng. Bia của công ty ông Zitek được biết tiếng là bia ngon như được quảng cáo trong tờ “Revue franco-annamite: revue bi-mensuelle des questions de politique indigène en Indochine” , do ông Babut là chủ nhiệm xuất bản ở Hà Nội ngày 29/6/1932 như sau

Quảng cáo bia Zitek trên tờ Revue franco-annamite (29/6/1932)


Công ty Zitek et Cie. có lúc quảng cáo bia mới ngon rẻ và còn tặng khách hàng phiếu mua 1 kí-lô nước đá miễn phí khi mua hai chai bia Super Export Zitek .

Quảng cáo bia loại mới Super Export Zitek trên tờ Revue franco-annamite (1/1/1934)


Ở Sài-Gòn, có quán “Bar Zitek” ở số 136 rue d’Espagne bán các loại nước uống trong đó có bia Zitek do hai ông Merle Raymond-Émile và Nguyễn Tấn Lộc thành lập vào năm 1936 (Bulletin administrative de la Cochinchine, 26 Novembre 1936). Khi công ty BGI mua lại công ty Brasserie de Bohême , thì sáu ngàn cổ phiếu của công ty Brasserie de Bohême được chuyển thành 6000 cổ phiếu mới của BGI với trị giá là 12000 đồng piastres (theo thông tin trong tờ L’Information d’Indochine: économique et financière , Saigon, 15/10/1938).


Trong thời gian Chiến tranh thế chiến thứ hai và Nhật vào Đông Dương, Công ty BGI vẫn là công ty lớn tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Tờ L’Écho Annamite (3/3/1943), cho biết:


“Công ty bia và nước đá Đông Dương bảo đảm sản xuất tất cả bia, một phần lớn nước đá và nước uống có hơi. Công ty có hai cơ xưởng sản xuất bia và ba xưởng sản xuất nước đá. Trong thời điểm bình thường, công ty còn xuất cảng một số lượng nhỏ bia đi Madagascar.


Hiện nay, những sản phẩm của công ty dĩ nhiên cung cấp toàn bộ cho nhu cầu địa phương. Sự quan trọng của công ty được thể hiện bởi số người làm việc cho công ty: hơn 30 người Âu và hơn 2.300 người Đông Dương.


Mặc dầu trong những tình huống khó khăn, sản xuất nước đá đã tăng trưởng đáng để ý. Ở Hà Nội, một xưởng làm mạch nha vừa được xây để dùng gạo nếp, và công ty không còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập cảng từ nước ngoài”.

Năm

Lợi nhuận (ngàn $)

Chia cho cổ phần (ngàn $)

1946

3.857

3.760

1947

6.772

6.493

1948

13.506

13.014

1949

38.862

32.517

1950

49.367

45.496

1951

80.490

78.028

1952

96.033

96.311

1953

173.087

172.347

1954

180.328

171.398

1954 (30/9)


Lợi nhuận của Công ty BGI từ năm 1946 đến 1954
(Nguồn: Les Entreprises Coloniales Françaises,
http://entreprises-coloniales.fr/inde-indochine/BGI_1927-1975.pdf).


Sau Thế chiến thứ hai, từ năm 1946 cho đến 1954, Công ty BGI lớn mạnh, mở rộng thị trường và lợi nhuận tăng cao. Sau năm 1954, công ty khuếch trương ra các thị trường ngoài Đông Dương ở các nước khác trong Liên hiệp Pháp, nên công ty Brasseries et Glacèries de l’Indochine đổi tên thành Brasseries et Glacèries Internationales (vẫn tên BGI nhưng “de l’ Indochine” thành Internationales). Công ty BGI là một trong hai công ty (BGI và Denis Frères) thành lập sớm nhất ở Sài Gòn từ cuối thế kỷ XIX và ngày nay vẫn còn tồn tại. Mặc dầu trụ sở chính của hai công ty này không còn ở Việt Nam nhưng có nguồn gốc thành lập là từ Sài Gòn. Sau năm 1975, công ty BGI bị quốc hữu hóa thành công ty Bia Sài Gòn. “La de” (bia) 33 được đổi tên là bia 333 để tránh vi phạm vào thương hiệu của BGI (Internationales). Từ “la de” (có lẽ bắt nguồn từ từ “lager”, tiếng Đức, một loại bia nhẹ màu vàng dùng phương pháp lên men chậm ở nhiệt độ thấp) ngày nay ít được dùng thay vào đó là “bia” nhưng “la de” là từ mà mọi người dân từ bình dân đến thượng lưu đều dùng cho sản phẩm đặc thù ở miền Nam của một thời vàng son mà công ty BGI ngự trị.


Nguyễn Đức Hiệp


Đăng lại từ Forum Diễn Đàn ( Diendan.org )
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France.

Câu chuyện về hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam


Ghi chú :


(1) L’Éveil Économique de l’Indochine , 26/5/1918, tr. 11.


(2) L’Éveil Économique de l’Indochine , 26/5/1918, tr. 11-12.


(3) L’Éveil Économique de l’Indochine , 3/11/1929.

Chia sẻ Facebook